Thông điệp sau hành động tuần tra của Mỹ ở Biển Đông

24/10/2016 09:44:00

Theo giới quan sát, việc Mỹ đưa tàu chiến tiến sát các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà TQ đang chiếm đóng phi pháp đã hâm nóng căng thẳng ở Biển Đông.

Theo giới quan sát, việc Mỹ đưa tàu chiến tiến sát các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà TQ đang chiếm đóng phi pháp đã hâm nóng căng thẳng ở Biển Đông.

(Ảnh minh họa)

Tàu của Mỹ đã tiến lại gần nhưng không đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo này và bị 3 tàu Trung Quốc theo dõi, nhưng tất cả tương tác giữa hai bên đều diễn ra an toàn.

Lầu Năm Góc khẳng định USS Decatur tiến hành hoạt động này một cách "thường xuyên, hợp pháp mà không có sự hộ tống hay xảy ra sự cố nào".

Nhà Trắng tuyên bố hoạt động mới nhất của tàu Decatur trên biển Đông là nhằm mục đích thể hiện quyền tự do đi lại ở vùng biển quốc tế được UNCLOS cho phép và là hành động thường xuyên. Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc không nên xem đây là một hành động khiêu khích.

Giới quan sát quân sự và ngoại giao cảnh báo sự căng thẳng giữa hai cường quốc có thể tiếp tục gia tăng sau những động thái gần đây của Manila.

Theo SCMP, phía Trung Quốc coi động thái này là một thách thức có chủ đích sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói trong chuyến thăm Bắc Kinh rằng ông sẽ "rời bỏ Mỹ". Tuyên bố này sau đó đã được Bộ Ngoại giao Philippines lên tiếng đính chính.

"Những gì ông Duterte nói và làm thời gian qua đã khuấy động căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đi theo một trạng thái đối đầu không tốt", Renato Cruz De Castro, chuyên gia về Trung Quốc và Philippines tại Trung tâm Đông-Tây ở Washington nói với SCMP.

Mỹ có thể "thổi bùng lên ngọn lửa khác" nếu nước này bị mất vị thế của mình ở Philippines, ông nói thêm.

Su Hao, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, cho biết hoạt động áp sát của Mỹ gần các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa có thể tiềm ẩn nguy cơ va chạm trên biển giữa hai nước.

Theo các báo cáo từ phương tiện truyền thông nhà nước đưa ra hồi đầu năm nay, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vẫn đang duy trì tên lửa phòng không HQ-9 và một số máy bay chiến đấu J-11, cùng với hơn 1000 người dân tại đây.

Ni Lexiong, một nhà bình luận quân sự ở Thượng Hải nhận định, Mỹ đang muốn gửi thông điệp tới Trung Quốc rằng, "dù Washington không có sự hỗ trợ từ Philippines, các hoạt động tuần tra tự do trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế sẽ không dừng lại".

Hải quân Trung Quốc đã tỏ rõ sự phản ứng của mình khi triển khai hai tàu để cảnh báo khu trực Mỹ, nhưng cả hai bên sẽ hết sức tránh việc xảy ra một cuộc đụng độ, chuyên gia này nói thêm.

Đồng tình với quan điểm trên, Song Zhongping, một chuyên gia quân sự Bắc Kinh cho biết: "Dù không loại trừ khả năng xảy ra va chạm, nhưng Trung Quốc không muốn điều đó xảy ra và sẽ kiềm chế bản thân mình".

Đây là lần thứ 4 trong năm qua Mỹ tiến hành đưa tàu chiến tiến gần các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, như một hoạt động trong khuôn khổ các cuộc tuần tra tự do.

Trước đó hồi tháng 7, phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực đã bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

Mỹ cùng cộng đồng quốc tế đã chỉ trích hoạt động quân sự hóa và chiếm đảo trái phép của nước này và bày tỏ lo ngại rằng chúng có thể hạn chế hoạt động tự do hàng hải.

Việt Nam tuyên bố có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời kiên quyết phản đối và đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động trái phép tại đây.

Theo Quốc Vinh (Nguoiduatin.vn)