Thông điệp buồn của ông Obama

26/09/2016 11:10:00

Như một sự trớ trêu của lịch sử lẫn của số phận, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải đứng ra khánh thành một phần lịch sử của người Mỹ da màu trong bối cảnh xung đột sắc tộc có dấu hiệu bùng nổ trở lại.

Như một sự trớ trêu của lịch sử lẫn của số phận, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải đứng ra khánh thành một phần lịch sử của người Mỹ da màu trong bối cảnh xung đột sắc tộc có dấu hiệu bùng nổ trở lại.

Tổng thống Obama khánh thành Bảo tàng lịch sử Mỹ - Phi ngày 24-9 - Ảnh: Reuters
“Lịch sử của người Mỹ gốc Phi không thể tách rời khỏi lịch sử Mỹ mà nó thậm chí là phần chính yếu. Bảo tàng này cho phép kể lại câu chuyện phong phú hơn, đầy đủ hơn về lịch sử nước Mỹ đã trải qua. Nó cho phép chúng ta nói với nhau, lắng nghe nhau và hơn hết là để người Mỹ chúng ta nhìn rõ về nhau." Tổng thống Mỹ Barack Obama

Hẳn nhiên sự kiện khánh thành bảo tàng về lịch sử người Mỹ gốc Phi tại trung tâm thủ đô Washington đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước.

Thậm chí bảo tàng này từng được khởi công từ thời tổng thống Bush nữa kia, bởi thế ông mới có mặt trong buổi lễ khánh thành ngày 24-9 vừa rồi. Tổng thống Georges W. Bush đã phát động dự án từ năm 2003.

Vết loang mang tên Charlotte

Thế nhưng lẽ ra sự kiện long trọng đánh dấu ngày ra đi của Tổng thống Obama sẽ phải hoành tránh và đẹp đẽ như một sự ghi danh hai nhiệm kỳ của ông phục vụ nước Mỹ, thì nó lại bị làm bớt đẹp đi phần nào vì những chuyện bắn giết.

Có thể hiểu rằng bài phát biểu của ông đã chuẩn bị trước đó phải có điều chỉnh cho phù hợp bối cảnh mới khi ba đêm liền người da màu ở thành phố Charlotte, bang North Carolina, liên tục xuống đường để đối đầu cảnh sát, đòi hỏi công lý cho người da màu.

Phát biểu trước hàng ngàn người tại buổi lễ từ thủ đô nước Mỹ, được truyền thông mô tả là chủ yếu là người da màu, ông Obama - vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ - nhấn mạnh lịch sử của người Mỹ gốc Phi không tách biệt khỏi kho tàng lịch sử khổng lồ của nước Mỹ, không nằm bên cạnh mà là trung tâm của lịch sử nước Mỹ.

Ông Obama nêu rõ: “Một cái nhìn rõ ràng về lịch sử có thể khiến chúng ta không thoải mái, song chính sự không thoải mái đó khiến chúng ta học hỏi và trưởng thành, sử dụng sức mạnh tập thể để khiến dân tộc này hoàn hảo hơn. Đó là lịch sử nước Mỹ mà bảo tàng này kể lại”.

Ông Obama cũng muốn dùng chính câu chuyện thành công của mình để làm tôn vinh thêm sự đóng góp của người Mỹ da màu. “Chúng ta không phải là gánh nặng của nước Mỹ mà chúng ta chính là nước Mỹ” - ông Obama tuyên bố.

Người ta thấy ông đã dùng lại những ngôn từ của nhà thơ da đen Langston Hughes để nói lên tiếng lòng của mình cũng như của hàng triệu con người cùng màu da như ông ở Mỹ: “Tôi cũng thế. Tôi là nước Mỹ”.

Thông điệp buồn của ông Obama
Người da màu xuống đường biểu tình ngày thứ ba liên tiếp tại Charlotte hôm 24-9 - Ảnh: Reuters

Ông Obama bó tay

Vốn là một chính trị gia nổi tiếng với tài hùng biện nhưng dường như lần này những ngôn từ của ông cũng bất lực.

Về những căng thẳng sắc tộc, ông đã không ít lần lên tiếng kêu gọi các bên thông hiểu nhau, đoàn kết với nhau để cùng chung sống.

Thậm chí khi ông bước lên đỉnh vinh quang của vũ đài chính trị cách đây gần 8 năm, không ít người đã kỳ vọng ông sẽ giúp nước Mỹ hàn gắn vết thương phân biệt sắc tộc trắng/đen.

Có thể thấy ông đã không làm được điều đó khi những tháng gần đây, các vụ cảnh sát Mỹ bắn chết người da màu thường dẫn đến những vụ biểu tình bạo lực từ cộng đồng, thậm chí còn dẫn đến một số vụ trả đũa đi xa hơn những gì giới chức quản trị hình dung: bắn tỉa nhắm vào lực lượng công quyền như một cách trả thù.

Nhận thấy rõ điều đó, trong buổi lễ tại Washington, Tổng thống Obama nhấn mạnh chỉ một bảo tàng không thể giải quyết vấn đề của một quốc gia đang vật lộn để thoát ra khỏi một di sản đen tối của tình trạng nô lệ và định kiến chủng tộc, song bảo tàng này tạo điều kiện cho các cuộc tranh luận diễn ra trong thời đại này.

Khách mời danh dự của buổi lễ khánh thành bảo tàng là một gia đình 4 thế hệ người da màu, trong đó cụ bà Ruth Bonners năm nay đã 99 tuổi, con gái của một nô lệ da màu.

Sau bài phát biểu của tổng thống Mỹ, cụ đã gióng hồi chuông đánh dấu chính thức khánh thành bảo tàng.

Buổi lễ còn có sự góp mặt của cựu tổng thống Mỹ George Bush, người đã phê duyệt xây dựng bảo tàng này năm 2003, và những nhân vật da màu nổi tiếng của Mỹ như Stevie Wonder và Oprah Winfrey.

Bảo tàng được xây dựng từ tháng 2-2014, rộng 37.000m2, với kiến trúc 3 lớp màu đồng chồng lên nhau, thể hiện niềm tin, hi vọng và sự kiên cường của người Mỹ da màu.

Bảo tàng nằm ngay gần Nhà Trắng và đài tưởng niệm Washington, là nơi lưu giữ 34.000 hiện vật, trong đó một nửa là được hiến tặng.

Theo Nguyễn Quân (Tuổi Trẻ)