Cuối cùng bữa tiệc hai tiếng với bít tết thăn bò, pho mát dê, rượu Malbec Argentina và tràng pháo tay khi kết thúc ở Buenos Aires đã cho kết quả cụ thể.
Tổng thống Trump đồng ý ngưng áp tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc trong khi ông Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc sẽ mua "lượng đáng kể" hàng hóa Mỹ. Trên Air Force One trở về Washington, ông Trump nhanh chóng ra thông cáo: "Đây là cuộc gặp tốt và hiệu quả với vô số cơ hội cho cả Mỹ và Trung Quốc".
Ông không quên nói về "vinh dự lớn của tôi được làm việc với Chủ tịch Tập".
Còn nhiều khác biệt
Nhưng giữa những đồng thuận, sự khác biệt vẫn có thể thấy ngay trong thông báo của cả hai. Theo Nhà Trắng, hai nước sẽ đàm phán các vấn đề gai góc trong chính sách kinh tế của Trung Quốc, bao gồm việc ép chuyển giao công nghệ, bảo hộ quyền sở hữ trí tuệ, các hàng rào phi thuế quan, xâm nhập và ăn cắp an ninh mạng, dịch vụ và nông nghiệp. Hai bên sẽ "nỗ lực" để kết thúc đàm phán trong 90 ngày và nếu không hoàn thành trong thời gian này thì thuế với 200 tỷ USD hàng hóa sẽ tăng lên 25% từ mức 10% hiện nay.
Ngoại trưởng Vương Nghị và Thứ trưởng Bộ Thương mại Vương Thụ Văn trong họp báo với báo chí chỉ nói các cuộc đàm phán tập trung vào gỡ bỏ thuế của Mỹ và các thuế trả đũa của Trung Quốc. Hai ông không nói gì về thời hạn Washington đưa ra.
Theo New York Times, thỏa thuận thực tế chỉ là để tránh đổ vỡ về quan hệ chứ không phải là đột phá. Hai bên còn khoảng cách quá xa trong các vấn đề căn bản như tiếp cận thị trường và chính sách thương mại và không bên nào có ý muốn nhượng bộ.
“(Thỏa thuận) chỉ là những vấn đề thương mại căn bản, cách đây vài tuần chúng ta đã tới góc độ này rồi”, Derek Scissors, học giả nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói với Washington Post.
Nhà kinh tế Paul Ashworth của công ty tư vấn Capital Economics cũng lưu ý với khách hàng: “Trước đây chúng ta từng đạt được bước tiến như vậy… Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ nhiều hơn so với các nước Hàn Quốc, Mexico và Canada để đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ”.
Thời hạn quá tham vọng?
Việc hai bên tạm thời đình chiến trong 90 ngày đã để lại những vấn đề khó khăn nhất cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Thời hạn 90 ngày đồng nghĩa là hai bên phải đạt được thỏa thuận vào tầm 1/3/2019, ngay trước kỳ họp Quốc hội hàng năm của Trung Quốc. Đây là thời điểm các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh rất cảnh giác với việc nhượng bộ các nước khác.
“Cuộc chiến thuế quan leo thang sẽ khiến ông Tập khó xử”, Scott Kennedy, chuyên gia Trung Quốc từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, nói.
Một số chuyên gia cho rằng sẽ khó có khả năng ông Trump giảm áp lực lên phía Trung Quốc khi Mỹ đang đòi hỏi Bắc Kinh phải có sự thay đổi sâu rộng hơn trong chính sách thương mại. Trong khi đó, về mặt chính trị, đây là những chính sách rất khó ban hành và thực thi đối với chính quyền ông Tập. Thời hạn 90 ngày có lẽ là quá tham vọng khi các nhà đàm phán đã phải trì hoãn nhiều lần trong gần 2 năm qua.
“Cuộc chiến thuế quan tạm dừng là tín hiệu tốt nhưng sẽ không thay đổi xu hướng va chạm căn bản giữa ông Trump và ông Tập trong tương lai”, Daniel M. Price, cựu cố vấn thương mại của Tổng thống George W. Bush, nói với New York Times.
Giới quan sát không mong chờ giải pháp toàn diện được đưa ra ở Buenos Aires bởi còn quá nhiều vấn đề khó khăn đang chia rẽ Bắc Kinh và Washington.
Nhà Trắng đã tiếp tục thắt chặt kiểm soát xuất khẩu và ngăn chặn các công ty công nghệ cao của Trung Quốc như Huawei tham gia vào những dự án cơ sở hạ tầng của Mỹ. Washington cũng thúc giục đồng minh giảm bớt hoạt động chuyển giao công nghệ với Trung Quốc. Tất cả những động thái này sẽ kích động Bắc Kinh, ông Price nói thêm.
Wall Street Journal dẫn lời Andy Rothman, chuyên gia về Trung Quốc tại công ty đầu tư Matthews Asia, cho rằng việc giải quyết toàn bộ các tranh chấp thương mại sẽ đòi hỏi những thay đổi lớn từ cả hai chính phủ. Washington phải chấp nhận “chia sẻ quyền lực kinh tế và chiến lược với một Trung Quốc đang lên”, trong khi “Bắc Kinh phải tuân theo các quy tắc của hệ thống đa phương và minh bạch”.
Trước cuộc gặp tại Argentina, đội ngũ cố vấn kinh tế của ông Trump đưa ra nhiều lời khuyên trái chiều nhau, với quan điểm ôn hòa ủng hộ thỏa hiệp từ Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và những quan điểm cứng rắn từ Peter Navarro, cố vấn thương mại Nhà Trắng, thúc giục tăng gấp đôi áp lực với Trung Quốc.
Theo New York Times, các cố vấn ôn hòa đã cố gắng không để ông Navarro đến Argentina ngày 1/12. Nhưng tại bữa tối ở khách sạn Buenos Aires, ông Navarro vẫn có mặt, ngồi cạnh Cố vấn An ninh quốc gia John R. Bolton và Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly.
Ông nghiêng người về phía trước để lắng nghe Tổng thống Trump thúc giục ông Tập chấm dứt vận chuyển chất hóa học chết người fentanyl. Nhà Trắng nói rằng ông Tập đã đồng ý kiểm soát chất hóa học này, như một “cử chỉ nhân đạo”.
Một số người có quan điểm bảo thủ ủng hộ ông Trump có thể sẽ phản đối thỏa thuận đình chiến, bởi họ mong chờ tổng thống Mỹ áp dụng chính sách cứng rắn đối với Bắc Kinh. Theo Wall Street Journal, đôi khi ông Trump cũng “cúi đầu” trước áp lực từ nội bộ, đặc biệt từ phe diều hâu. Vào đầu năm nay, sau khi bị nhóm bảo thủ phản bác, ông đã nhanh chóng từ chối kế hoạch đình chiến với Trung Quốc do Bộ trưởng Tài chính Mnuchin đề xuất.
“Ông Tập đã thành công trong việc làm chậm lại bước đi của Tổng thống Trump. Ông Trump đã rơi vào cùng một cái bẫy như những người tiền nhiệm arack Obama, George W. Bush và thậm chí cả Bill Clinton. Ông ấy sẽ nhận được nhiều tuyên bố và lời hứa nhưng mang lại rất ít kết quả”, Peter Morici, nhà kinh tế học của Đại học Maryland, người có quan điểm cứng rắn về Trung Quốc, nói với Wall Street Journal.
Ngoài ra, các cuộc đàm phán tương lai sẽ có sự tham dự của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người luôn có quan điểm rắn và nghi ngờ Bắc Kinh sẽ giữ lời hứa.
Ông là người gây áp lực để đưa ra thời hạn tăng thuế vào ngày 1/1 tới.
Theo Hương Ly (Tri Thức Trực Tuyến)