Truyền thuyết đô thị về chiếc gương tím này tồn tại ở Nhật Bản đã từ rất lâu. Mọi chuyện bắt đầu từ 1 cô gái bị suy giảm miễn dịch và phải dành gần như cả tuổi thơ và thời niên thiếu của mình "ăn cơm" bệnh viện. Vào sinh nhật của cô gái, bố mẹ dù nhà nghèo không có điều kiện vẫn cố gắng mua tặng con một món quà: Đó là một chiếc gương cầm tay. Ngay từ giây phút nhìn thấy món quà, cô này đã cực kỳ vui mừng và mân mê nó cả ngày. Đối với cô gái, chiếc gương cầm tay không khác gì một món đồ quý giá.
Một ngày nọ, không biết vì lý do gì mà cô gái quyết định sơn tím chiếc gương. Mặc dù ai cũng biết đó là màu sắc yêu thích của thiếu nữ nhưng việc làm của cô khiến mọi người hơi khó hiểu. Ít lâu sau, có vẻ như cô gái đã nhận ra việc làm của mình và sốc khi nhìn vào chiếc gương tím.
Dù cố gắng cỡ nào, cô gái cũng không loại bỏ được màu sơn kia ra khỏi gương. Món đồ mà cô yêu thích, quý hơn cả vàng giờ đây đã bị sơn tím và không thể sử dụng được nữa. Sự cố này ảnh hưởng lớn đến tâm lý thiếu nữ và kết quả là sức khỏe của cô tuột dốc trông thấy. Nhìn thấy con gái như vậy, bố mẹ cô cố gắng hết sức để vực dậy tinh thần của con, mua cả chiếc gương mới nhưng vẫn không sao cải thiện được tình hình.
Từ dạo đó, thiếu nữ ngày nào cũng ôm chiếc gương trong lòng và lẩm bẩm vài từ: "murasaki kagami, murasaki kagami..." (gương tím trong tiếng Nhật). Cô trút hơi thở cuối cùng khi chỉ còn đúng 1 ngày nữa là đến sinh nhật tuổi 20.
Từ đó, người ta cho rằng mọi cảm xúc đau buồn, ân hận, tiếc nuối... của cô gái kia đã ám ảnh vào từ "murasaki kagami" và đồn rằng những đứa trẻ nếu trưởng thành đến năm 20 tuổi mà vẫn nhớ được 2 từ này thì sẽ chết.
Câu chuyện chưa từng được kiểm chứng này được lưu truyền qua nhiều thế hệ ở khắp nước Nhật. Ngoài từ "murasaki kagami" thì còn có từ "murasaki no kagami" cũng có nghĩa là gương tím.
Trong nhiều câu chuyện kể, những đứa trẻ nhớ được 2 từ này không nhất thiết phải chết mà chỉ bị nguyền rủa hoặc đơn giản là gặp nhiều vận xui trong cuộc sốg, như không thể kết hôn trong tương lai. Mặc dù 20 tuổi là cột mốc phổ biến nhất nhưng trong nhiều phiên bản, số tuổi ấy có thể được thay đổi sang 18, 15 hoặc mơ hồ như kiểu "đến khi tốt nghiệp".
Một trong những liên quan đến gương tím được kể lại ở vùng Kansai có nội dung như sau:
Một thiếu nữ sắp sửa 20 tuổi đang háo hức đến ngày ăn mừng bước sang tuổi trưởng thành thì đáng tiếc đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông. Trong số các món đồ của mình thì thiếu nữ trân trọng chiếc gương màu tím nhất. Vậy nên gia đình cũng định đặt chiếc gương trong quan tài và chôn cất cùng con gái nhưng họ tìm mãi vẫn không thấy món đồ ấy. Tang lễ cứ thế được diễn ra.
Một thời gian sau, một tin đồn về thiếu nữ kia được mọi người truyền tai nhau. Theo đó, thuở sinh thời, cô từng hẹn hò một cậu bạn cùng trường nhưng khi mọi thứ không được như ý muốn, cô đã đề nghị chia tay và cố ý ra đường tự tử. Không chỉ có vậy, chiếc gương tím kia chính là món quà mà cô gái nhận được từ bạn trai cũ.
Tin đồn đó được cho là xuất phát từ 1 trong những người bạn của cô gái đã chết. Đến ngày ăn mừng tuổi trưởng thành, người bạn đó đột ngột mất tích và chiếc gương màu tím kia được tìm thấy bên dưới giường ngủ của người này. Từ dạo đó, không ai còn nhìn thấy người bạn đó một lần nào nữa và bố mẹ cô sau đó cũng qua đời trong nỗi bất an về tình hình của con gái. Cái chết của người bạn càng khiến cho người ta tin rằng chiếc gương tím và 2 từ "murasaki kagami" hoàn toàn có thể giết người.
Theo Thái Anh (Pháp Luật & Bạn Đọc)