Thiên nga đen và tê giác xám: Hai mối lo Trung Quốc phải đối mặt trong năm 2019

07/02/2019 14:00:00

Đầu năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã triệu tập cuộc họp bao gồm các quan chức cấp cao và có bài phát biểu bất thường nhấn mạnh đến những rủi ro Trung Quốc phải đối mặt.

Thiên nga đen và tê giác xám: Hai mối lo Trung Quốc phải đối mặt trong năm 2019
"Thiên nga đen" và "tê giác xám" là 2 mối lo mà Trung Quốc đang phải đối mặt. Ảnh: Nikkei.

"Thiên nga đen" và "tê giác xám"

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình đã nhắc đến 2 con vật tượng trưng cho những rủi ro mà Trung Quốc phải chuẩn bị: thiên nga đen và tê giác xám.

Trong thuật ngữ thị trường tài chính, thiên nga đen đề cập đến một sự cố không lường trước nghiêm trọng chưa từng biết đến. Thuật ngữ "thiên nga đen" xuất hiện vào cuối thế kỷ 17 khi những con thiên nga đen được phát hiện ở Úc, gây sốc cho người phương Tây, vốn lâu nay cho rằng chúng không hề tồn tại.

Trong khi đó, tê giác xám ám chỉ đến một nguy cơ tiềm tàng rất rõ ràng nhưng bị bỏ qua. Thông thường, tê giác khá hiền lành, không có gì đáng để tâm. Nhưng một khi con vật to lớn nổi giận, không ai có thể đưa nó trở lại tầm kiểm soát.

Trong bài phát biểu, ông Tập nhấn mạnh thông điệp rằng các cán bộ đảng phải "đấu tranh" để tránh những rủi ro đe dọa sự ổn định xã hội nhưng không nói rõ những rủi ro đó thực sự là gì.

Những người nghe bài phát biểu đang nghĩ về 2 khả năng.

Thứ nhất là, cuộc chiến tranh trên cả lĩnh vực kinh tế, thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố hôm hơn 20 cáo buộc chống lại Huawei, từ các giao dịch bất hợp pháp với Iran đến ăn cắp công nghệ. Bản cáo trạng được đưa ra vào ngay đêm trước khi diễn ra các cuộc đàm phán thương mại giữa 2 nước, làm lu mờ triển vọng cho các cuộc đàm phán.

Rủi ro thứ hai là sự chậm lại nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Năm 2018, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng khoảng 6,6%, giảm 0,3% so với năm 2017. Về tình hình kinh tế năm 2019, dự báo, GDP của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm 0,3%, xuống khoảng 6,3%.

Vừa qua, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc công bố "Sách xanh kinh tế: tình hình kinh tế Trung Quốc 2019 thừa nhận, cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đang ảnh hưởng tiêu cực tới đầu tư của Trung Quốc.

Rủi ro giấu mặt

Các nhà kinh tế cải cách của Trung Quốc cũng đã bắt đầu nhắc đến những rủi ro tương tự và cảnh báo về các nguy cơ.

Để đối phó với suy thoái kinh tế, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra gói kích thích kinh tế truyền thống, bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng bổ sung.

Nếu gói kích thích khổng lồ này có hiệu quả và tiêu dùng phục hồi, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đi lên vào nửa cuối năm 2019, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Nhưng lập trường của Tổng thống Trump về Trung Quốc là không thể đoán trước. Và có một rủi ro lớn khác đối với nền kinh tế Trung Quốc: thị trường bất động sản.

Trong bài giảng ngày 20/1, một ngày trước bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình, Giáo sư Đại học Nhân dân Trung Quốc Xiang Songzuo đã đề cập đến một con "tê giác xám". Theo ông Xiang, một con "tê giác xám" trong năm 2019 là nguy cơ bong bóng bất động sản Trung Quốc phát nổ.

Ông Xiang ước tính, 80% tài sản hiện đang thuộc sở hữu của người Trung Quốc nằm ở bất động sản. 

Mặc dù mọi người đều ý thức về cách thức kiếm lời nhanh chóng này, nhưng không có biện pháp đối phó hiệu quả nào được thực hiện. Một ngày nào đó, mọi người sẽ nhận ra rằng khối tài sản khổng lồ không khác gì hơn một ảo ảnh và mất giá, Giáo sư của Đại học Nhân dân Trung Quốc cảnh báo.

Điều này sẽ tương tự như cách mà nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản đổ vỡ vào những năm 1990, gây ra một cuộc suy thoái kéo dài. Mặc dù chính phủ Bắc Kinh đã nghiên cứu kỹ lưỡng và tuyên bố rút được kinh nghiệm từ những thất bại của Nhật Bản, tiếng chuông báo động vẫn đang tiếp tục vang lên ở Trung Quốc.

Theo Minh Khôi (Soha/Trí Thức Trẻ)