Trên sàn nhà máy, công nhân mặc quần áo bảo hộ lao động màu xanh lam đang phân loại những đống thức ăn cho chó được đúc thành hình những cây kẹo.
Họ cẩn thận kiểm tra và cân từng món hàng trước khi đóng bao để sẵn sàng vận chuyển. Trong 1-2 tháng nữa, số thức ăn này sẽ bắt đầu hành trình dài đến phương Tây, nơi chúng sẽ có mặt trên những chiếc kệ trong siêu thị để phục vụ cơn sốt mua sắm mùa Giáng sinh.
Nhà máy này là một trong số hàng chục nhà máy ở Shuitou, một thị trấn nhỏ của Trung Quốc - nơi thống trị thị trường toàn cầu cho một loại sản phẩm khác thường: phụ kiện cho thú cưng.
Lịch sử ‘thị trấn thú cưng’
Shuitou là một ví dụ điển hình về “thị trấn đặc thù” của Trung Quốc. Khái niệm thị trấn đặc thù là để chỉ một trung tâm sản xuất tập trung toàn bộ năng lượng vào một ngành công nghiệp đặc biệt. Trung Quốc có rất nhiều khu vực chuyên sản xuất tất, đèn chum, bồn cầu. Còn ở Shuitou, đặc thù là dây xích chó, lồng mèo, quần áo cho thú cưng.
Mỗi năm, Shuitou sản xuất được một lượng sản phẩm dành cho thú cưng trị giá 4,5 tỷ nhân dân tệ (630 triệu USD), xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia. Ở một số lĩnh vực, Shuitou hiện chiếm ưu thế hoàn toàn.
Khoảng 60% thức ăn nhai cho chó trên thế giới được sản xuất tại đây. Chỉ riêng một nhà máy đã sản xuất 50 triệu chiếc dây buộc chó mỗi năm. Các doanh nghiệp địa phương cho biết hơn 4/5 chủ sở hữu vật nuôi ở Mỹ sử dụng các sản phẩm được sản xuất tại Shuitou.
Và ngành công nghiệp này vẫn đang phát triển nhanh chóng. Không giống như các khu vực khác của nền kinh tế Trung Quốc, ngành công nghiệp thú cưng phát triển mạnh trong thời kỳ đại dịch. Các công ty ở Shuitou đã báo cáo doanh thu tăng vọt ở mức hai con số, do nhu cầu nhận nuôi chó và mèo để bầu bạn trong thời gian phong tỏa tăng lên trên khắp thế giới.
Shuitou nổi lên như một gã khổng lồ trong ngành công nghiệp thú cưng bắt đầu từ một thập kỷ trước, khi thị trấn đang tìm cách vực dậy nền kinh tế đang sa sút của mình.
Trong những năm 1980 và 1990, khu vực này nổi tiếng với một ngành công nghiệp hoàn toàn khác: thuộc da sống. Được biết đến là “thủ phủ ngành da của Trung Quốc”, Shuitou có hàng trăm xưởng thuộc da, thu về 4 tỷ nhân dân tệ mỗi năm vào thời kỳ đỉnh cao.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp này cũng tạo ra mức độ ô nhiễm kinh hoàng. Quy trình sản xuất da sử dụng một lượng lớn hóa chất công nghiệp và các nhà xưởng thường xả trực tiếp các hóa chất này vào nguồn nước của địa phương.
Vào những năm 2000, các con sông của thị trấn có màu đen và bốc ra mùi khó chịu. Tình trạng ô nhiễm gây sốc đến mức chính quyền Trung Quốc đã liệt Shuitou vào danh sách 10 địa phương vi phạm môi trường ở mức độ nghiêm trọng.
Chính quyền địa phương đã phản ứng bằng cách phát động một chiến dịch dọn dẹp quy mô lớn. Thị trấn đã cấm một hoạt động gây ô nhiễm nhất của ngành công nghiệp này là thuộc da bằng crôm, đồng thời đưa ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường. Trong những năm sau đó, số lượng xưởng thuộc da ở Shuitou đã giảm từ hơn 1.000 xuống chỉ còn 8 xưởng.
Thị trấn này rất cần một hướng đi mới để tạo ra sự tăng trưởng mà không cần đến ngành công nghiệp thuộc da, và đó là lúc chính quyền địa phương đặt mục tiêu biến Shuitou thành một “thị trấn thú cưng”. Họ đã xây dựng một trung tâm du khách mới có hình xương chó và cung cấp nhiều khoản trợ cấp cho các công ty có kế hoạch đầu tư vào ngành công nghiệp thú cưng.
Phục vụ thú cưng để thoát nghèo
Ông Chen Zhenbiao, 62 tuổi, người sáng lập công ty địa phương Petpal Pet Nutrition Technology, là nhân vật chủ chốt đằng sau sự thay đổi này. Ông giải thích, mặc dù ngành công nghiệp làm da và thú cưng dường như khác xa nhau, nhưng quá trình chuyển đổi diễn ra khá tự nhiên.
Năm 1992, cha ông đang điều hành một doanh nghiệp bán hóa chất cho các xưởng thuộc da ở Shuitou. Quá trình gia công đồ da tạo ra một lượng lớn sản phẩm thừa mà các xưởng địa phương sẽ đơn giản là bỏ nó đi. Nhưng một ngày nọ, một khách hàng từ Đài Loan (Trung Quốc) đã kể với Chen và cha của ông rằng các công ty ở phương Tây đã sử dụng những vật liệu dư thừa đó để làm thức ăn nhai cho chó.
“Khi đó chúng tôi không biết nhiều về đồ nhai cho chó, nhưng một người bạn học của tôi làm việc cho một công ty thương mại nước ngoài đã hỏi liệu tôi có thể cho anh ấy xem một số mẫu được không”.
Và ông đã chớp lấy cơ hội. Vào thời điểm đó, Chen đang làm giáo viên cấp 2 với mức lương 100 nhân dân tệ mỗi tháng (hơn 300 nghìn đồng). Có lần, ông còn bí bách đến mức không thể đưa con gái đến bệnh viện khi cô bé bị sốt.
“Tim tôi đau nhói” - Chen nói. “Tôi tự hỏi, nếu tiếp tục dạy học, liệu tôi có thể chu cấp cho gia đình một cuộc sống tốt hơn trong khoảng 10 năm nữa không? Lối đi là gì?".
Nghĩ vậy, Chen đã bỏ bục giảng, vay mượn một số tiền, mua một số thiết bị đơn giản và tạo ra mẫu thức ăn nhai cho chó đầu tiên của mình bằng cách rửa da để loại bỏ axit, sau đó cắt và sấy khô.
Thời điểm đó, vợ và bố ông cho rằng ông đã phạm sai lầm khi từ bỏ công việc giảng dạy ổn định của mình. Nhưng không lâu sau, Chen nhận được đơn đặt hàng đầu tiên: Một công ty ở Canada trả 300.000 nhân dân tệ (gần 1 tỷ đồng) cho một lô kẹo nhai.
“Thời điểm ấy, đó thực sự là một số tiền rất lớn - thật bất ngờ và không thể tin được. Họ nói rằng sản phẩm của chúng tôi có chất lượng tốt, nhưng chúng tôi đã sấy khô chưa kỹ. Chúng tôi đã tiếp tục cải tiến quy trình kể từ đó”.
Điểm đến hấp dẫn người nuôi thú cưng
Hiện tại, Petpal Tech xuất khẩu hơn 200 triệu que nhai sang Mỹ mỗi năm. Nhà máy của Chen ở Shuitou có khoảng 1.000 công nhân. Công ty cũng có các cơ sở ở Đông Nam Á và New Zealand.
Thị trường sản xuất đồ cho thú cưng là một thị trường cạnh tranh cao với hàng chục công ty hiện có trụ sở tại Shuitou. Tuy nhiên, nhu cầu trên toàn cầu đã bùng nổ trong vài năm qua và không có dấu hiệu chậm lại.
Yuanfei, một công ty địa phương sản xuất đồ nhai, dây xích và đồ chơi cho thú cưng, chia sẻ với Sixth Tone rằng đại dịch là giai đoạn phát triển nhanh nhất trong lịch sử của họ. Doanh thu năm 2021 của Yuanfei đạt 1 tỷ nhân dân tệ, tăng từ 378 triệu nhân dân tệ vào năm 2017. Trong khi đó, Petpal Tech đã chứng kiến doanh thu tăng hơn 36% vào năm ngoái.
Hiện tại, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp ở Shuitou đang nỗ lực tìm cách chinh phục thị trường trong nước. Bởi lẽ, thói quen cho chó ăn ở Trung Quốc và các nước phương Tây là khác nhau. Thay vì đồ nhai, chủ chó người Trung Quốc thường thích cho chó ăn những đồ ăn nhiều chất dinh dưỡng như khoai lang bọc thịt vịt.
Thị trường thú cưng của nước này cũng đang phát triển nhanh chóng với mức chi 270 tỷ nhân dân tệ vào năm 2021 - tăng 8,7% so với năm trước đó. 40% chủ sở hữu thú cưng ở Trung Quốc cũng cho biết rằng họ coi thú cưng như một thành viên trong gia đình.
Tuy nhiên, có một điều hài hước dễ nhận ra ở Shuitou đó là, mặc dù được gọi là thị trấn thú cưng nhưng họ đang thiếu nhân vật chính của thị trấn: thú cưng.
Quả thực, có rất ít chó bắt gặp trên đường phố của Shuitou. Tuy nhiên, thị trấn đang cố gắng làm cho mình trở nên hấp dẫn với những người nuôi thú cưng trẻ tuổi. Sườn núi bên cạnh một danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã được vẽ đầy những bức tranh thú cưng. Chính quyền cũng đang có kế hoạch xây công viên cho chó, khách sạn thân thiện với vật nuôi và chương trình biểu diễn của chó.
Lấy điện thoại ra, ông Chen khoe với phóng viên tiệc sinh nhật ông tổ chức cho 3 chú chó cưng của mình.
“Cách đây 31 năm, tôi làm việc này để thoát đói nghèo. Nhưng bây giờ, tôi thực sự cảm động bởi tình yêu thương giữa con người và vật nuôi. Bây giờ tôi làm việc vì tôi yêu công việc này”.
Theo Nguyễn Thảo (VietNamNet)