Vào ngày 27 tháng 5 năm 1962, một đám cháy bùng phát bên trong mỏ than của thị trấn Centralia ở bang Pennsylvania, Mỹ. Công nhân sơ tán và người dân cho rằng nó sẽ tự cháy hết, nhưng đáng buồn là không phải vậy.
Cho đến ngày nay, ngọn lửa vẫn đang tiếp diễn khiến thị trấn gần như bị bỏ hoang. Giờ đây, hầu hết các tòa nhà tạo nên những con phố sôi động một thời đã biến mất và các cột khói bốc lên từ bên dưới mặt đất. Ngày nay, thị trấn chỉ còn ít hơn 5 người sinh sống.
Những cư dân ít ỏi còn lại của thị trấn vẫn nỗ lực dập tắt những ngọn lửa hung tàn tiếp tục lan rộng thông qua các đường hầm than, nhưng mọi nỗ lực đều chưa đem lại kết quả khả quan.
Điều khiến nhiều người bất ngờ hơn là ngọn lửa bùng lên từ 60 năm trước không phải do thảm họa thiên nhiên hay tai nạn, mà bởi bàn tay con người. Vào đầu năm 1962, cư dân của Centralia đã xây dựng một hố sâu 15 mét để xử lý rác thải bị đổ trái phép trong khu vực. Nhưng đến tháng 5 cùng năm, bãi rác đã đầy và cần được dọn sạch trước lễ kỷ niệm Ngày Tưởng niệm hàng năm của thị trấn.
Hội đồng đề nghị đốt bãi rác để giảm bớt lượng rác thải và vào tối ngày 27/5/1962, những người lính cứu hỏa đã đến lót hố bằng vật liệu được thiết kế để ngăn lửa lan ra. Khi những thứ cần đốt đã biến thành tro, sở cứu hỏa đã dùng nước dập tắt ngọn lửa còn lại. Tuy nhiên, người dân nhận ra ngọn lửa tiếp tục bùng phát trở lại nhiều lần sau khi được xử lý.
Những người lính cứu hỏa bối rối đào phần còn lại để xem nguồn gốc của ngọn lửa và họ đã bị sốc khi phát hiện ra một cái hố rộng 4,5 mét và sâu vài mét, tạo ra một con đường thông thẳng đến các mỏ than bên dưới thị trấn.
Ngọn lửa được tiếp sức bởi trữ lượng than bên dưới nên không thể dập tắt. Mặt đất ngày càng trở nên nóng hơn, thậm chí tới vài trăm độ C. Cư dân bắt đầu không thể chịu nổi sức nóng và nguy hại sức khỏe từ than bị đốt. Nhiều người từ đó đã buộc phải rời khỏi địa phương.
Theo các chuyên gia, số than dự trữ trong lòng đất còn đủ để ngọn lửa tiếp tục cháy trong 250 năm nữa.
Jack, một cựu cư dân của thị trấn từng kể lại sự kinh hoàng của nó. Anh cho hay, đôi khi mặt đất trồi lên và sụp xuống, nuốt chửng bất kỳ sự sống bề mặt nào nằm bên trên với cái miệng rực cháy khủng khiếp của nó. Jack giải thích: "Điều đáng sợ nhất là những hố sụt. Bạn cần chú ý bước đi của mình trong rừng, bởi vì mặt đất có thể bị lún. Ngọn lửa có thể thiêu rụi cả mét than, nhưng mặt đất có vẻ như vẫn luôn bằng phẳng". Nhiều người đã gãy cổ chân vì sự cố sụt lún.
Thực ra, gãy cổ chân không tệ lắm so với một số thứ mà mọi người ở thị trấn phải đối mặt. Theo Jack, từng có một đứa trẻ sụt xuống hố sâu 30 mét khi chỉ đi sau mẹ vài bước. Rất may tay cậu ta kịp dang ra và ngăn bản thân rơi sâu hơn. Khi cậu bé được kéo ra, mọi người thấy khói bốc ra từ hố và bên dưới là một ngọn lửa hừng hực.
Nhưng bất chấp tất cả những hiểm họa đó, vẫn có vài người bám trụ lại thị trấn ma này.
Mãi cho đến năm 1984, sau khi một số trẻ em bị hút vào hố sụt và bể ngầm tại một trạm xăng địa phương gần như phát nổ, chính phủ Hoa Kỳ đã ra lệnh sơ tán toàn bộ thị trấn. Mọi người vẫn ở lại, vì vậy vào năm 1992, thống đốc bang đã áp đặt quyền trưng thu đất đai với toàn bộ thị trấn. Vào năm 2002, tiểu bang đã loại bỏ mã zip của họ và vào năm 2009, thống đốc lại thông báo rằng tất cả những người ở lại cần được sơ tán vì lợi ích của chính họ.
Jack giải thích lý do tại sao nhiều cư dân đó lại phớt lờ chính phủ: "Chúng tôi đã gặp gỡ các nhà khoa học để giải thích những gì đang xảy ra. Các nhà khoa học, và thậm chí cả những thợ khai mỏ, nói với những người ở lại rằng thị trấn có thể sụp đổ từng mảnh hoặc nhiễm khí độc, nhưng họ phủ nhận và nói rằng họ sẽ tiếp tục sống ở đây vì họ không nhìn thấy thế. Ngay cả sau khi các hố sụt bắt đầu mở ra, họ vẫn nói không".
Một cựu cư dân khác tên Beck giải thích cha mẹ cô từng không muốn rời đi, nhưng khi họ nhận được đền bù gấp đôi giá trị ngôi nhà thì cuối cùng cũng đồng ý. Một số người khác, như cha của Jack thì kiên quyết bám trụ nơi mà họ gọi là nhà và không chấp nhận đền bù của chính phủ.
Theo Thạch Anh (Phụ Nữ Việt Nam)