Vào ngày 17/1/1803, một tử tù trẻ tuổi người Anh tên George Forster bị hành hình bằng cách treo cổ tại trại giam Newgate ở London. Như bao tử tù khác thời bấy giờ, xác của người này được đưa đến Đại học Phẫu thuật Hoàng gia để dùng cho mục đích nghiên cứu y học.
Nhưng điểm khác biệt là thi thể của George Forster được lựa chọn để nhà vật lý học người Italy Giovanni Aldini thực hiện thí nghiệm mới của ông. Giovanni tuyên bố thí nghiệm có tên "hồi sinh người chết" khiến giới khoa học không khỏi bàng hoàng và tò mò.
Lời giới thiệu này của nhà khoa học nhanh chóng làm xôn xao dư luận. Thậm chí ông còn quyết định thực hiện thí nghiệm công khai, cho phép hàng trăm người đến chứng kiến trực tiếp.
Quả thật, dưới sự tiến hành của nhà vật lý, xác chết của George Forster đã cử động, đầu tiên là ngồi dậy, sau đó là giơ hai tay lên trước rồi mở mắt. Kết quả quá kinh dị khiến đám đông chứng kiến chạy toán loạn, nhiều người ngất xỉu. Một người xem đã không chịu nổi kích động, bị lên cơn đau tim và đột tử tại chỗ.
Nhưng nguyên lý khiến "người chết sống dậy" này sẽ không khiến người hiện đại quá bất ngờ. Giovanni Aldini đã dùng điện kích thích vào cơ thể xác chết. Cụ thể, ông đã cắm dòng điện cao thế vào khắp các vùng cơ thể và thậm chí cả bên trong ruột tử thi. Khi bật điện lên, thi thể dù đã chết vẫn bị giật và tạo ra các cử động.
Viết về thí nghiệm này, tờ Times khi ấy miêu tả: "Khi dòng điện đầu tiên truyền vào khuôn mặt, phần hàm của xác chết bắt đầu run rẩy, các cơ liền kề méo mó dữ dội, và một con mắt thật sự mở ra. Kế đến, tay bên phải nâng lên và siết chặt, còn chân và đùi di chuyển. Cảnh tượng trông như thể cái xác đã vô hồn đang chuẩn bị sống dậy".
Đây là phát hiện mà Giovanni gọi là "điện sinh vật". Trước đó, ông đã dành nhiều năm thực hiện thí nghiệm này trên đùi ếch và một số động vật khác và rút ra kết luận rằng cơ thể sinh vật tồn tại một dòng điện và nó vẫn không mất đi sau khi sinh vật chết. Về sau, nhà vật lý người Ý Alessandro Volta, người phát minh pin điện, phản bác lập luận trên. Theo ông Volta, điện "sinh vật" sản sinh trong quá trình tiếp xúc với kim loại chứ không phải là một thuộc tính của tế bào.
Tất nhiên, sau thí nghiệm hồi sinh của Giovanni, chẳng có chuyện gì bất ngờ diễn ra sau đó. Người chết vẫn chết. Nhưng vào lúc bấy giờ, không ít người cho rằng có thể làm người chết "cải tử hoàn sinh" bằng dòng điện. Trong số đó có nữ nhà văn Mary Wollstonecraft Shelley, tác giả quyển Frankenstein - tiểu thuyết kinh dị huyền thoại trong nền văn học thế giới. Frankenstein - nhân vật chính của truyện là một nhà bác học điên rồ theo đuổi tham vọng hồi sinh người chết bằng điện, tạo nên sự bất tử. Giovanni Aldini chính là nguồn cảm hứng cho nhân vật kinh điển này.
Thí nghiệm rùng rợn này từng gây tiếng vang khắp châu Âu một thời gian dài và còn được Giovanni đem đi "biểu diễn" nhiều lần nữa. Rất nhiều nhà khoa học đời sau vẫn theo đuổi công trình này với hy vọng thực sự có thể hồi sinh con người. Thế nhưng đến thời hiện đại, không người người nhận định rằng đây là thí nghiệm quá tàn nhẫn khi giết người chết thêm một lần nữa.
Theo Chi Chi (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)