Vào năm 2011, các công nhân làm đường ở Trung Quốc đã phát hiện ra một quan tài thời Minh chứa thi hài được bảo quản nguyên vẹn của một người phụ nữ có niên đại hơn 700 năm.
Sự khám phá này đã cung cấp nhiều thông tin về lối sống của người dân thời nhà Minh. Đồng thời, cổ quan tài bí ẩn đã dấy lên nhiều nghi vấn: Người phụ nữ bên trong là ai? Làm thế nào để bảo quản thi thể tốt như vậy qua hàng thế kỷ?
Tại Thái Châu thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), một đội ngũ công nhân đang tiến hành thi công mở rộng một con đường. Khi công nhân đang đào xuống độ sâu gần 2 mét so với mặt đất thì va chạm phải một khối vật thể rắn có kích cỡ lớn, bên cạnh còn có rất nhiều vụn gỗ và bốc ra một mùi rất khó ngửi.
Một vài công nhân chưa gặp trường hợp này bao giờ nên rất hiếu kì và muốn đào sâu hơn để tìm hiểu. Lúc này, một người công nhân dày dạn kinh nghiệm đã đoán được đây có thể là một ngôi mộ cổ nên đã nhanh chóng báo cáo với lực lượng chức năng. Sau đó, các chuyên gia khảo cổ của bảo tàng Thái Châu đã đến nơi và tiến hành khai quật.
Vì để tránh những hành vi trộm mộ trái phép nên các chuyên gia đã mau chóng cho lệnh phong tỏa hiện trường để bảo đảm công việc khai quật không gặp trở ngại.
Thông qua quá trình khai quan và xử lí tỉ mỉ, chuyên gia phát hiện đây chỉ là một ngôi mộ táng của người dân bình thường. Trong mộ táng chứa nhiều xương, đồ gốm sứ, các bản chữ viết tay cổ và một vài di vật khác.
Mặc dù chỉ là một ngôi mộ táng của dân thường nhưng bên trong lại có rất nhiều vật phẩm vàng bạc. Điều đặc biệt hơn, cổ quan tài được chôn bên trong có hẳn ba lớp, khác hẳn quan tài một lớp thường thấy.
Sau khi mở chiếc quan tài ba lớp ra, giới chuyên gia càng ngạc nhiên hơn vì hai lớp đầu tiên chỉ là những vật bồi táng đơn giản, còn lớp thứ ba lại chứa nhiều dung dịch màu nâu. Đẫm trong dung dịch màu nâu đó là một thi thể của người phụ nữ gần như hoàn toàn nguyên vẹn được bao bọc trong những tấm vải dày, bao gồm cơ thể, tóc, da, quần áo và đồ trang sức. Các chi tiết như lông mày và lông mi vẫn được giữ nguyên một cách hoàn hảo.
Theo thông thường, điều kiện khí nhưỡng ở vùng Giang Tô vô cùng ẩm thấp, dẫn đến tốc độ thối rữa của thi thể rất nhanh, nhưng thi thể người phụ nữ bên trong cổ quan tài này vẫn còn nguyên vẹn sau khi hạ táng cả mấy trăm năm.
Các nhà khảo cổ tạm thời chưa xác định được chất lỏng màu nâu bên trong quan tài có phải dùng để bảo quản thi thể hay không, hay đó chỉ là nước ngầm thấm vào.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu đã khẳng định thi thể này có thể được bảo quản nguyên vẹn như vậy là do chôn cất trong môi trường thích hợp. Nếu nhiệt độ và lượng oxy trong nước đạt tỷ lệ thích hợp, vi khuẩn không thể phát triển và quá trình phân hủy cũng sẽ bị chậm lại hoặc tạm dừng.
Các nhà khảo cổ vẫn chưa các định được chính xác độ tuổi của thi thể. Nhưng qua nhận định sơ bộ, người phụ nữ bên trong cỗ quan tài ba lớp được cho là sống ở thời nhà Minh (1368-1644).
Điều này có nghĩa là ngôi mộ táng đã tồn tại tận 700 năm nếu nó xuất hiện từ đầu triều đại. Người phụ nữ mặc trang phục truyền thống của nhà Minh và đeo trên người một số đồ trang sức, trong đó có một chiếc nhẫn lục bảo nổi bật. Từ những món trang sức và vải lụa bọc trên thi thể, giới chuyên gia cho rằng người phụ nữ này xuất thân từ gia đình thường dân khá giàu có.
Đồng thời, các chuyên gia nhận định thi thể này là một phụ nữ xinh đẹp điển hình của vùng Giang Nam. Nhưng thông tin giám định cũng chỉ dừng lại ở đó vì tạm thời chưa thể xác định được thân phận của người phụ nữ này là ai. Tuy vậy, ngôi mộ táng đã cung cấp cho giới khảo cổ thêm nhiều dữ liệu về lối sống và cách ăn mặc của phụ nữ nhà Minh, cũng như phương thức mai táng của người dân thời bấy giờ.
Theo Phan (Pháp Luật & Bạn Đọc)