Thêm lý do không thể đánh chặn Tomahawk

12/04/2017 09:48:00

Dù được trang bị từ năm 1983 nhưng tính năng bay bám địa hình của Tomahawk vẫn khiến hệ thống phòng không đối phương rất khó có thể phát hiện.

Dù được trang bị từ năm 1983 nhưng tính năng bay bám địa hình của Tomahawk vẫn khiến hệ thống phòng không đối phương rất khó có thể phát hiện.

Theo Defence News, dù ra đời hàng chục năm nhưng đến nay Tomahawk vẫn là tên lửa hành trình hàng đầu thế giới được trọng dụng bởi Hải quân Mỹ và Anh. Để khẳng định được vị thế của mình, tên lửa hành trình này sở hữu những công nghệ được coi là đi trước thời đại.

Tính năng độc đáo đầu tiên của Tomahawk là được trang bị hệ dẫn bám địa hình tin cậy Terrain Contour Matching khiến nỗ lực đánh lừa của đối phương gần như không thể thực hiện được.

Them ly do khong the danh chan Tomahawk

Chiến hạm Mỹ phóng Tomahawk.

Điểm đặc biệt của tên lửa này là chúng không cần dẫn liên tục từ vệ tinh hay từ trung tâm điều khiển, Tomahawk có thể tự hoạt trong hành trình tấn công mục tiêu. Đây chính là nguyên nhân khiến Tomahawk không thể đánh lừa bằng mục tiêu giả định.

Để điều chỉnh đường bay, tên lửa Tomahawk sử dụng thông tin về độ mấp mô của địa hình nên chỉ có thể làm tên lửa bay chệch đường bằng cách thay đổi bề mặt địa hình, điều này là điều không thể với bất cứ đối thủ nào.

Ngoài ra, nhằm tăng thêm độ chính xác, Tomahawk được trang bị thêm hệ dẫn quang-điện tử DSMAC. Với DSMAC, tên lửa hành trình này tương tự như 1 chiếc UAV sát thủ thông minh khi vừa bay tiếp cận mục tiêu liên tục quét địa hình và so sánh hình ảnh mục tiêu với hình ảnh được nạp sẵn.

Cùng với DSMAC, điều đặc biệt nữa làm nên thương hiệu của tên lửa hành trình Tomahawk là nó có bay đến mục tiêu ở độ cao cực thấp bám theo bề mặt địa hình. Vì vậy, nỗ lực bắt và bám mục tiêu của đối phương là gần như không thể.

Ngoài những ưu điểm trên, với hệ thống liên lạc vệ tinh UHF hai chiều, Tomahawk có thể chuyển ngắm cho tên lửa sang mục tiêu khác ngay trong khi bay.

Camera trên tên lửa cho phép đánh giá mục tiêu thời gian thực và quyết định tiếp tục tấn công hay chuyển mục tiêu. Ở biến thể Block IV, tên lửa này còn có khả năng tấn công mục tiêu chính xác cả mục tiêu động.

Them ly do khong the danh chan Tomahawk

Khả năng bay bám địa hình được coi là thế mạnh của Tomahawk.

Vũ khí đặc trị tên lửa tầm thấp

Để đối phó với những mục tiêu bay tầm thấp, đặc biệt là tên lửa hành trình, Nga quyết định trang bị cho hệ thống S-400 loại đạn đánh tầm gần thế hệ mới và radar chuyên bám mục tiêu tầm thấp.

Hãng Sputnik hôm 10/4 dẫn lời Trung tướng Viktor Gumennyi chỉ huy lực lượng tên lửa-phòng không Nga cho biết: "Ngay ngày hôm nay sẽ kết thúc công việc thử nghiệm, gần tới chúng tôi sẽ tiếp nhận những tên lửa mới cho phép làm việc cả trong không gian gần, cả ở những cự ly xa và với tốc độ cao", Tướng Viktor Gumennyi cho biết.

Theo tiết lộ của Nga, để thực hiện hiệu quả đòn đánh vào những mục tiêu tầm thấp, hệ thống S-400 được trang bị loại radar 96L6E. Đây là loại radar có ưu điểm là kết hợp cả tính năng bắt thấp và bắt cao. Radar nhìn vòng 96L6E hoạt động ở băng tần C, bộ vi xử lý của nó có thể nhảy tần số cho khả năng kháng nhiễu cao và phân biệt mục tiêu trong môi trường lộn xộn tốt.

Ngoài ra, thiết kế ăng ten mảng pha còn có khả năng lái chùm tia cơ khí ở góc phương vị và lái chùm tia điện tử về độ cao. 96L6E phát hiện được các vật thể bay với đầy đủ 3 tham số (cự ly, phương vị và độ cao). Ưu điểm vượt trội của 96L6E là khả năng bắt thấp và rất thấp, đây là tính năng quan trọng trong việc phát hiện tên lửa đường đạn chiến thuật - chiến dịch và tên lửa hành trình.

Clip tên lửa Tomahawk Block IV diệt mục tiêu trong thử nghiệm

Theo Đan Nguyên (Đất Việt)

Nổi bật