Thêm hai người được tuyên bố khỏi HIV

28/07/2022 08:19:11

Giới khoa học công bố thêm hai trường hợp được xác định khỏi HIV, bao gồm một bệnh nhân nam mắc ung thư được cấy ghép tế bào gốc và một bệnh nhân nữ từng được áp dụng liệu pháp tăng đề kháng khi điều trị lâm sàng.

Thêm hai người được tuyên bố khỏi HIV
Virus HIV dưới kính hiển vi (Ảnh minh họa)

Ở trường hợp thứ nhất, các nhà khoa học báo cáo rằng một người đàn ông 66 tuổi nhiễm HIV ở Mỹ có thể đã được chữa khỏi thông qua cấy ghép tế bào gốc, vốn là phương pháp điều trị bệnh bạch cầu.

Phương pháp điều trị này từng được cho là thành công ở bốn bệnh nhân khác, sử dụng tế bào gốc từ người hiến tặng có đột biến gene hiếm làm tăng số tế bào miễn dịch có thể chống lại virus một cách tự nhiên.

Ở trường hợp thứ hai, các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha xác định một phụ nữ từng được áp dụng liệu pháp tăng cường miễn dịch hồi năm 2006 hiện đang ghi nhận hàm lượng virus trong cơ thể sụt giảm. Điều này có nghĩa là trong cơ thể bà vẫn còn virus HIV, nhưng hệ miễn dịch đã kiểm soát khả năng nhân bản của virus trong suốt 15 năm.

Giới chuyên gia nhấn mạnh việc nỗ lực chữa khỏi HIV bằng cấy ghép tế bào gốc đối với các bệnh nhân không mắc ung thư máu có nguy cơ tử vong hay các bệnh khác khiến họ trở thành ứng viên cho phương pháp điều trị này là phi đạo đức, bởi phương pháp này được đánh giá là độc hại và có thể gây chết người.

"Cấy ghép tế bào gốc không phải là lựa chọn cho đa số bệnh nhân HIV, nhưng những trường hợp này vẫn đáng chú ý, có thể truyền cảm hứng cho những nghiên cứu khác để tìm ra phương pháp chữa trị," tiến sĩ Sharon Lewin, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Viện Bệnh truyền nhiễm và Miễn dịch Peter Doherty nói.

Bên cạnh đó, không có gì đảm bảo phương pháp cấy ghép tế bào gốc sẽ chữa thành công HIV. Giới nghiên cứu đã không thể chữa khỏi HIV cho một số bệnh nhân khác khi áp dụng phương pháp này.

Hiện cũng chưa rõ liệu pháp tăng khả năng miễn dịch được áp dụng cho bệnh nhân người Tây Ban Nha có hiệu quả với các bệnh nhân HIV khác hay không.

NBC News dẫn lời các nhà khoa học tham gia chữa trị cho bệnh nhân này cho biết họ cần nghiên cứu thêm để hiểu vì sao liệu pháp có tác dụng rất tốt với nữ bệnh nhân kể trên, nhưng lại thất bại với tất cả các bệnh nhân khác được điều trị thử nghiệm cùng với bà. Các nhà khoa học đang nỗ lực xác định điểm đặc biệt về gene khiến nữ bệnh nhân có thể đạt trạng thái giảm lượng virus, và tìm hiểu xem liệu có bệnh nhân nào khác có những đặc điểm gene tương tự hay không.

Mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu phương pháp điều trị HIV là phát triển các liệu pháp an toàn, hiệu quả và quan trọng hơn cả là có tính ứng dụng cao, có thể trở thành phương pháp điều trị dễ tiếp cận cho hơn 38 triệu bệnh nhân HIV trên khắp thế giới. Giới khoa học hy vọng có thể đạt được mục tiêu này trong những thập kỷ sắp tới.

Lục Chi (Nguoiduatin.vn)