Thế hệ đàn ông chủ động thắt ống dẫn tinh để không phải sinh con ở Trung Quốc

02/06/2021 16:31:06

Huang Yulong chưa từng muốn có con. Khi còn nhỏ, anh giận cha mẹ rời quê hương đi làm xa, bỏ anh lại cho họ hàng nuôi nấng, chỉ về thăm anh mỗi năm một lần. Anh không thấy cần phải sinh đẻ hay nối dõi tông đường.

Ở tuổi 26, anh đi thắt ống dẫn tinh.

"Đối với thế hệ chúng tôi, con cái là không cần thiết," Huang, sinh sống tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), nói. "Giờ đây chúng tôi có thể sống không gánh nặng. Tại sao không tập trung kinh tế và tinh thần cho cuộc sống của bản thân chúng tôi?".

Huang, 27 tuổi, theo đuổi lối sống "thu nhập kép, không trẻ em", viết tắt tiếng Anh là DINK. Từ này đã xuất hiện cách đây nhiều thập kỷ, nhưng mới chỉ thu hút sự chú ý ở Trung Quốc thời gian gần đây.

Chi phí sinh hoạt ngày càng cao và những khó khăn tài chính khác khiến ngày càng nhiều người trẻ tránh né sinh đẻ. Cạnh tranh tìm kiếm trường học và nhà ở ngày một khốc liệt. Nhiều cặp đôi cho biết họ không muốn có nhiều hơn một con, một số không muốn có con.

Lối sống này đi ngược với nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm né tránh một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang tới gần. Hôm 31/05, Bắc Kinh thay đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình, cho phép người dân sinh ba con, thay vì hai. Thông báo được đưa ra nhằm khuyến khích các cặp đôi sinh thêm con, nhưng những người như Huang khẳng định họ sẽ tiếp tục không có con, thậm chí nhờ can thiệp y tế để đảm bảo điều đó.

Ở Trung Quốc hiện nay một vài công ty bảo hiểm đã tìm cách quảng bá dịch vụ cho các hộ gia đình DINK. Các công ty làm mối cũng quảng cáo rằng họ có thể kết nối những người đàn ông và phụ nữ không muốn có con. Các công ty nhà ở đưa ra những mẫu căn hộ phù hợp với những cặp đôi không con, chẳng hạn như phòng trẻ em được chuyển đổi thành phòng tập thể dục.

Thế hệ đàn ông chủ động thắt ống dẫn tinh để không phải sinh con ở Trung Quốc
Huang Yu Long (Ảnh: New York Times)

Quyết định thắt ống dẫn tinh của Huang có thể hơi cực đoan, nhưng những nhà nghiên cứu nhân khẩu học từ lâu đã cảnh báo ngày càng có nhiều người Trung Quốc không muốn có con là lý do khiến dân số nước này suy giảm. Theo thống kê mới nhất, một hộ dân trung bình ở Trung Quốc chỉ có 2,62 người, giảm so với mức 3,1 hồi năm 2010.

Huang có thu nhập 630USD/tháng nhờ nghề sửa chữa điện thoại di động. Anh nói quyết định thắt ống dẫn tinh một phần là do cha mẹ đã xa cách với anh khi còn nhỏ, một phần do thiếu cơ hội kinh tế. Cha mẹ Huang từng là công nhân nhà máy ở tỉnh Quảng Đông, ít khi về quê nhà Hồ Nam thăm anh khi anh còn nhỏ. Họ không gần gũi với con, dù anh là con một.

"Nếu lập gia đình và có con, tôi vẫn thuộc tầng lớp cùng cực. Sẽ có lúc tôi phải để con lại ở nhà, như những gì cha mẹ tôi đã làm. Nhưng tôi không muốn thế," Huang nói.

Năm lên 14 tuổi, Huang cũng rời Hồ Nam để tìm việc ở Quảng Đông. Anh yêu một cô gái muốn có con, và đã nhiều lần suy nghĩ về việc lập gia đình. Cuối cùng anh chia tay cô, và vào tháng 06/2019, anh tới một bệnh viện ở thành phố Quảng Châu để thắt ống dẫn tinh. Anh mô tả đây là món quà sinh nhật cho bản thân.

Ngoài Huang, phóng viên New York Times cũng liên lạc với hai người đàn ông Trung Quốc khác từng thắt ống dẫn tinh. Họ muốn giấu tên, do gia đình và bạn bè vẫn chưa biết về quyết định của họ.

Việc các nam thanh niên chưa có gia đình tự nguyện triệt sản vẫn bị coi là cấm kị ở Trung Quốc. Tại nhiều thành phố, các bác sĩ đòi hỏi giấy chứng nhận kết hôn và giấy cam kết đồng ý của bạn đời. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ hỏi Huang anh đã lập gia đình và có con chưa. Anh đã phải nói dối.

Đa số người dân Trung Quốc biết về triệt sản qua bối cảnh chính sách kế hoạch hóa gia đình trước đây, khi chính phủ nước này giới hạn mỗi gia đình chỉ có một con để kiểm soát đà tăng dân số. Phụ nữ được yêu cầu triệt sản nhiều hơn trong giai đoạn kể trên, tuy vậy cũng có một số trường hợp nam giới thắt ống dẫn tinh.

Thông báo về chính sách ba con hôm 31/05 được coi là nỗ lực mới nhất nhằm đảo ngược vấn đề kể trên, tuy vậy hiện tại nhiều nam giới chủ động thắt ống dẫn tinh. Một trong những lý do họ đưa ra là để chia sẻ gánh nặng tránh thai với bạn đời khi cả hai cùng theo đuổi lối sống DINK.

Thế hệ đàn ông chủ động thắt ống dẫn tinh để không phải sinh con ở Trung Quốc - 1
Ảnh minh họa: AFP/Getty

Jiang, 29 tuổi, hiện là huấn luyện viên thể hình tại tỉnh Phúc Kiến, cho biết anh đã tìm cách thắt ống dẫn tinh ở 6 bệnh viện, nhưng đều bị từ chối. Lý do là anh không có giấy chứng nhận kế hoạch hóa gia đình, một văn bản nêu rõ tình trạng hôn nhân và số con của một người.

"Họ từ chỗi phẫu thuật cho tôi và nói rằng 'Cậu chưa lập gia đình và không có con, cậu đang đi ngược lại chính sách khuyến khích sinh đẻ của đất nước," Jiang, người hiện đang độc thân, cho biết.

Hồi tháng 03, Jiang tìm được một bệnh viện ở miền Nam thành phố Thành Đô chấp nhận phẫu thuật cho anh. Anh đăng bài miêu tả lại quá trình này trên một diễn đàn những người theo đuổi lối sống DINK trên Baidu. Anh cho biết muốn thay đổi quan điểm của mọi người về thắt ống dẫn tinh, bởi vẫn còn nhiều người hiểu nhầm đây là một phẫu thuật giống như thiến, sẽ làm đàn ông ẻo lả.

Trong sốt nhiều thập kỷ, người Trung Quốc duy trì suy nghĩ sinh con vì truyền thống, để nối dõi tông đường và để có người chăm sóc khi về già. Tuy vậy, việc mở rộng mạng lưới an sinh xã hội và các kế hoạch bảo hiểm giúp người dân nước này có nhiều lựa chọn hơn.

Trung Quốc hiện có số người độc thân lớn nhất thế giới, với 240 triệu người, tương đương 17% dân số. Tỷ lệ phần trăm vẫn còn thấp so với Mỹ, tuy vậy con số này đã tăng một phần ba kể từ 2010.

"Nhiều người trẻ ngày nay không muốn trải qua những khó khăn của thế hệ trước," He Yafu, một nhà nhân khẩu học độc lập ở thành phố Trạm Giang nói. "Nhiều người nghĩ rằng con cái không những chẳng chăm sóc được cho họ lúc về già, trái lại còn dựa dẫm họ. Tốt nhất nên tiết kiệm tiền, vào trung tâm dưỡng lão để đảm bảo an sinh, hoặc mua bảo hiểm".

Khi nói về chính sách ba con mới, phát ngôn viên chính phủ Trung Quốc hôm 31/05 cho biết trung bình một người Trung Quốc thuộc thế hệ 9x chỉ muốn 1,66 con, giảm 10% so với thế hệ 8x.

Theo nghiên cứu do Tuần san Nghiên cứu Phụ nữ công bố hồi năm 2018, chi phí nuôi con từ 0 tới 17 tuổi ở Trung Quốc vào khoảng 30.000 USD, gấp bảy lần mức lương trung bình hàng năm của người dân nước này.

Các diễn đàn DINK thường cũng là trang web hẹn hò cho những người theo đuổi lối sống này. Nhiều buộc thảo luận được xem nhiều nhất thực chất là tìm đối tượng kết hôn.

"Tôi muốn một thế giới chỉ hai người. Tôi không thích trẻ con, có thể nói là ghét chúng. Tôi biết nuôi trẻ con khó khăn như thế nào. Nỗ lực bỏ ra không tương xứng với lợi ích thu lại," một người viết.

Một người khác cũng họ Huang, 24 tuổi, tốt nghiệp khoa máy tính tại thành phố Vô Tích, cho biết anh tìm được bạn đời 28 tuổi trên diễn đàn DINK. "Tôi liên tục nói cho cô ấy biết chi phí sinh đẻ đối với phụ nữ cao đến mức nào," anh nói.

Sau khi thừa nhận với bạn học rằng anh sợ có con, một người đã nói Huang nên đi thắt ống dẫn tinh. Tháng 11/2020, Huang thực hiện phẫu thuật ở thành phố Tô Châu. Anh gọi cho sáu bệnh viện trước khi tìm được một bác sĩ sẵn sàng phẫu thuật cho anh.

Kế hoạch tuổi già của Huang là chuyển tới sống tại Iceland hoặc New Zealand, những nước có mạng lưới an sinh xã hội tốt. Anh nói đã tính trước một đứa con có thể báo hiếu được bao lâu (10 năm), và kết luận như vậy không đáng.

"Nuôi con là nhiệm vụ tiêu tôn chi phí nhưng thu lại không được bao nhiêu. Tôi nghĩ có con rất rắc rối," anh nói.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật