Hơn một năm trước, Covid-19 xuất hiện, cả thế giới chao đảo. Từ Trung Quốc, dịch bệnh lan tỏa đến châu Âu, đến Mỹ, và mọi nơi nó đi qua đều để lại những sinh mạng chất chồng. Kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng trầm trọng khi các quốc gia tiến hành phong tỏa toàn diện. New York, Paris, London... những thành phố một thời sôi động bỗng chốc chìm vào giấc ngủ sâu.
Tình hình chống dịch mỗi nơi mỗi khác. Suốt một năm trôi qua, các nước tái mở cửa rồi lại đóng cửa trước các làn sóng dịch bệnh nối đuôi nhau, sóng sau chết người nhiều hơn sóng trước. Con người dần quen hơn với việc phải đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc, nếu không muốn vô tình mắc phải căn bệnh chết chóc vốn đã khiến hệ thống y tế ở nhiều nơi trở nên kiệt quệ.
Thế rồi vaccine, niềm hy vọng của thế giới đã xuất hiện. Khởi đầu là Nga với Sputnik V - loại vaccine đầu tiên được cấp phép, rồi Pfizer, Moderna của Mỹ, AstraZeneca (Anh), hay Sinopharm (Trung Quốc)... cũng ra đời. Các thử nghiệm quy mô lớn, rồi chương trình tiêm chủng toàn diện được gấp rút triển khai.
Và nay ở những nước có chiến dịch tiêm chủng thành công nhất, cuộc sống của họ đang dần thay đổi, theo chiều hướng thoải mái hơn. Những nơi từng một thời là tâm dịch của thế giới đang dần thức giấc sau một giấc ngủ kéo dài. Từng bước chậm rãi, họ tiến vào thời kỳ "hậu Covid", bỏ lại sau lưng một quá khứ tăm tối và xót xa.
Nước Mỹ từng là nơi chứng kiến làn sóng dịch bệnh tàn khốc bậc nhất thế giới, đưa đất nước lên dẫn đầu toàn cầu về số ca nhiễm và tử vong. Trong đó, New York là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Mùa xuân năm 2020, New York là tâm dịch của nước Mỹ, là một trong số những nơi chết chóc nhất với 21.000 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 2 tháng. Các bệnh viện nghẹt cứng bệnh nhân và thi thể. Xe đông lạnh trở thành nhà xác tạm thời, trong khi lều được dựng lên ngay trong công viên để làm bệnh viện dã chiến chống Covid-19. Những con phố sầm uất ngày nào trở nên tĩnh lặng, nhường chỗ cho tiếng còi hụ từ xe cứu thương, và những tiếng vỗ tay mỗi đêm từ cửa sổ để cổ vũ cho nhân viên y tế.
Người New York và Mỹ nói chung, họ phải chấp nhận một thực tại mới đầy lạ lẫm so với những gì họ có được từ hàng thế kỷ. Họ làm quen với việc không được tiếp xúc với nhau, vì đó là một lựa chọn an toàn và trách nhiệm cho cộng đồng.
Nhưng đến tháng 5 vừa qua, bằng một chương trình tiêm chủng rất thành công với tỉ lệ tiêm cao trong khi số ca nhập viện giảm mạnh, cả thành phố lúc này bắt đầu cựa mình thức giấc. Các tư tưởng của một thời chịu phong tỏa được bỏ lại phía sau, khi sự sống của thành phố quay trở lại.
Một năm thăng trầm, đóng cửa rồi lại mở cửa, vaccine đang mang đến cho họ sự đổi khác. Thời điểm đầu tháng 6, số liệu của CDC cho thấy có 51% người Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 mũi, và khoảng 41% được tiêm chủng đầy đủ. Số ca nhiễm, ca tử vong đều giảm xuống, cho thấy những tín hiệu đáng mừng.
Quy định về khẩu trang được nới lỏng, cũng là lúc các ngành nghề áp dụng những quy định khác nhau để xác định ai là người đã tiêm chủng, ai chưa. Như trung tâm thể hình SLT từ ngày 20/5 đã bắt đầu kiểm tra thẻ tiêm vaccine để quyết định khách hàng nào sẽ được tập mà không đeo khẩu trang.
Trên đường phố, nhiều người bắt đầu đi lại một cách thoải mái, thậm chí có người còn chủ quan không đeo khẩu trang. Nhưng nhiều người vẫn cẩn trọng, vì đại dịch dẫu sao vẫn chưa chấm dứt. Như Jumaane Williams - một nhà vận động công cộng, ông vẫn thúc giục mọi người nên đeo khẩu trang, ít nhất là ở trong môi trường kín.
Sự xuất hiện của biến chủng Delta từ Ấn Độ đang khiến tình hình dịch bệnh ở nhiều quốc gia trên thế giới trở nên khó lường hơn. Nhưng tại châu Âu, cũng nhờ chương trình vaccine quy mô lớn, mọi chuyện đang trở nên thật khác.
Từ ngày 19/5, Liên minh châu Âu (EU) quyết định mở cửa biên giới cho tất cả những ai được tiêm chủng đầy đủ, bao gồm các hành khách từ Mỹ hoặc thuộc các nước được đánh giá là an toàn. Với quyết định này, bất kỳ ai dù không thuộc EU nhưng đã được tiêm các vaccine được họ chấp thuận - bao gồm Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson sẽ được phép nhập cảnh vào các quốc gia EU mà không cần làm xét nghiệm hoặc cách ly bắt buộc.
Số ca nhiễm và tử vong liên tục giảm, tỉ lệ tiêm chủng ngày càng tăng. Và dù mỗi quốc gia được cho phép thiết lập những quy định riêng, châu Âu lúc này thực sự có thể xem như một kiểu mẫu điển hình, cho chúng ta hình ảnh về một thế giới trong thời kỳ "hậu Covid".
Tỉ lệ dương tính với Covid-19 của Pháp đã giảm liên tục trong suốt 1 tháng qua, nhờ vào đợt phong tỏa toàn quốc hồi cuối tháng 3/2021 và chương trình tiêm chủng được thực hiện nhanh chóng.
Tính đến ngày 11/6, số người được tiêm chủng tại Pháp đã tăng lên đáng kể. Hơn 30 triệu người đã được tiêm mũi đầu tiên - chiếm 44,9% toàn dân số. Trong đó, 15,3 triệu được tiêm chủng đầy đủ, chiến 22,8%.
Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố từ ngày 9/6, du khách ngoài châu Âu có thể nhập cảnh vào Pháp, miễn là họ mang theo giấy chứng nhận xét nghiệm. Nhìn chung, tình hình cuộc sống tại Pháp lúc này cũng đang rất thoải mái. Các ngành hàng không thiết yếu được phép hoạt động, nhà hàng mở cửa cho phép khách được ăn uống bên ngoài. Từ ngày 9/6 lệnh giới nghiêm đã được lui về 11h đêm, cho phép tổ chức ăn uống giới hạn trong các nhà hàng.
Đất nước 5,8 triệu dân hiện chỉ còn khoảng 659 ca nhiễm mới mỗi ngày tính đến thời điểm ngày 10/6, giảm khá sâu so với giữa tháng 5 (1000 ca/ngày) và với đỉnh dịch năm 2020 là 3500 ca. Nhưng quan trọng hơn, chiến dịch xét nghiệm diện rộng chỉ trả về kết quả dương tính có tỉ lệ dưới 1%. Đồng thời, chương trình tiêm chủng cũng đang có diễn biến tốt, với 43% dân số nhận được ít nhất 1 mũi vào thời điểm ngày 8/6.
Chính nhờ vậy, các hạn chế liên quan đến Covid-19 tại Đan Mạch đã giảm mạnh trong vòng 2 tháng qua. Ở Đan Mạch lúc này, bảo tàng, rạp phim, công viên, nhà hàng, quán bar... tất cả đều đã mở cửa, dù khách hàng được yêu cầu phải có chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính.
Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm vẫn được duy trì. Nhà hàng, quán bar chỉ được vận hành tới 0h, trong khi các hộp đêm vẫn bị đóng cửa cho tới ít nhất là ngày 1/9 năm nay. Quy định về khẩu trang cũng sẽ được dỡ bỏ vào ngày 14/6, chỉ còn bắt buộc trên các phương tiện công cộng.
Hy Lạp đang trên đà phục hồi từ làn sóng dịch đạt đỉnh thời điểm đầu tháng 4/2021. Hiện tại, Hy Lạp ghi nhận trung bình 835 ca nhiễm mỗi ngày, thấp hơn so với đỉnh dịch tháng 4 khoảng 27%.
Hy Lạp cũng đã phân phối hơn 6,77 triệu mũi vaccine Covid-19 - đủ để tiêm chủng cho 31,6% dân số. Những người làm việc trong ngành du lịch được ưu tiên tiêm chủng, và họ đang hướng đến những hòn đảo sẽ đón nhận đông khách du lịch như Mykonos, Santorini, Corfu...
Cuộc sống tại Hy Lạp cũng đang dần cho cảm giác bình thường trở lại khi chính phủ quyết định dỡ bỏ rất nhiều hạn chế sau hàng tháng trời phong tỏa. Các khu vực danh lam thắng cảnh được mở cửa, trong khi hàng quán được phép phục vụ bên ngoài (tối đa 6 người mỗi bàn). Các bảo tàng cũng được mở cửa, dù vẫn yêu cầu khách tham quan đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách.
Trên thực tế, Hy Lạp đang đi trước nhiều quốc gia tại EU về việc mở cửa cho du khách được tiêm chủng hoặc có chứng nhận âm tính. Ngành du lịch chịu trách nhiệm cho 1/4 tổng nghề nghiệp của đất nước, và hơn 1/5 GDP cả nước. Bởi vậy, họ muốn nhanh chóng khởi động lại ngành công nghiệp này, để giúp nền kinh tế phục hồi.
"Thật không may là sau 10 năm kinh tế khó khăn, thực phẩm và du lịch là những gì chúng tôi còn lại," - Kostas Tzilialis, nhân viên quán cafe sách tại Athens cho biết. "Chúng tôi không sản xuất cơ khí. Vậy nên chúng tôi mở cửa lại đây. Hy vọng rằng mọi người đã tiêm chủng và vaccine có thể bảo vệ chúng ta."
Từ tháng 1/2021, Iceland chỉ còn ghi nhận vài trăm ca nhiễm mới mỗi ngày, và hiện đã giảm còn dưới 100 ca. Từ giữa tháng 5, phân nửa người trưởng thành đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine - hầu hết là trên 60 tuổi, nhóm chịu nhiều rủi ro nhất.
Nhìn chung, Iceland vốn không cần phải đóng cửa toàn bộ nền kinh tế giống như các quốc gia châu Âu khác, do họ có quy mô dân số rất nhỏ - chỉ 360.000 người. Tuy nhiên, điều này một phần cũng nhờ vào các quyết định kịp thời của chính phủ, như việc làm xét nghiệm diện rộng. Vào lúc này, Iceland vẫn duy trì các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, chỉ nới lỏng cho những ai đã được tiêm chủng mà thôi.
Phòng tập, bar pub, nhà hàng, bảo tàng... nói chung là gần như tất cả mọi thứ vẫn mở cửa, dù còn ngăn tụ tập quá đông và cấm mở cửa quá muộn. Khẩu trang là bắt buộc ở môi trường khép kín.
Ý dường như đang thoát khỏi làn sóng dịch bệnh thứ 3 bắt đầu từ giữa tháng 3/2021. Số ca nhiễm và tử vong đã giảm mạnh. Chương trình tiêm chủng cũng được triển khai khá nhanh, với lượng vaccine đủ để đáp ứng 34,7% dân số được tiêm đầy đủ.
Quốc gia này sử dụng hệ thống xếp loại độ nguy hiểm của các ổ dịch bằng các màu trắng - vàng - cam - đỏ với mức nguy hiểm tăng dần. Hiện tại, hầu hết các vùng của Ý đang là mức vàng, với các lệnh hạn chế khá thấp. Quán bar và nhà hàng đã được mở cửa phục vụ cho khách bên ngoài (phục vụ bên trong sẽ được cho phép từ ngày 1/6). Lệnh giới nghiêm từ ngày 7/6 được lui về 0h sáng. Và trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục hạ nhiệt, lệnh sẽ hoàn toàn được gỡ bỏ vào cuối tháng 6.
Bảo tàng, rạp hát cũng đã mở cửa, dù còn giới hạn người tham gia. Khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc.
Cuộc sống tại Ý hiện cũng tương đối khác so với các đất nước khác. Thái độ của công chúng khá lẫn lộn - giữa lạc quan, mệt mỏi vì dịch bệnh, và phấn khích.
Carlo Dalla Chiesa - quản lý một khách sạn tại Milan cho biết dù đã mất đi 97% doanh thu vì đại dịch, chủ khách sạn vẫn rất lạc quan và dự tính mở rộng kinh doanh tới Rome, Florence, Genoa và Palermo.
Sau hàng tháng trời phong tỏa cùng chiến lược tiêm chủng nhanh chóng, tỉ lệ lây nhiễm tại Anh đã giảm đi đáng kể. Theo kế hoạch thì từ ngày 21/6, toàn bộ các lệnh hạn chế sẽ được dỡ bỏ, cho phép cuộc sống người dân tại Anh trở lại bình thường. Dẫu vậy, sự xuất hiện của biến chủng Delta đang khiến họ chần chừ thực hiện quyết định này.
Tính đến thời điểm đầu tháng 6, hơn 1/2 dân số Anh đã được tiêm chủng đầy đủ. Chính phủ hướng đến sẽ tiêm chủng ít nhất 1 mũi cho toàn bộ người trưởng thành tại Anh vào cuối tháng 7.
Cuộc sống tại Anh Quốc lúc này cũng đang khá cởi mở. Nhà hàng, quán bar, hộp đêm, bảo tàng, rạp hát và khách sạn đã được mở cửa suốt 2 tháng qua với số lượng khách giới hạn và vẫn áp dụng giãn cách. Bên ngoài, hầu hết người dân gần như không đeo khẩu trang, nhưng quy định buộc phải đeo vẫn được áp dụng trong trường hợp tụ tập ăn uống trong phòng kín.
Khắp các thành phố lớn như London, Manchester, Brighton, Edinburgh... hàng quán đông nghẹt người đến tụ họp cùng bạn bè và người thân, sau những tháng ngày co cụm trong nhà. Nhu cầu đi du lịch đến các địa điểm nổi tiếng cũng tăng cao.
Nếu tình hình dịch bệnh vẫn ở mức thấp và biến chủng Ấn Độ được kiểm soát, chính phủ Anh dự tính sẽ dỡ bỏ toàn bộ các lệnh hạn chế vào ngày 21/6 - bao gồm cả quy định cấm tụ tập đông người và các hoạt động của hộp đêm, lễ hội.
Theo J.D (Pháp Luật & Bạn Đọc)