Một người đàn ông được tiêm vắc xin ở ngôi làng miền núi hẻo lánh Ljevista, thành phố Kolasin, Montenegro. Ảnh: Reuters
Theo Bloomberg, tốc độ tiêm chủng trung bình trên toàn cầu là khoảng 38 triệu liều/ngày. 20 triệu liều trong đó là ở Trung Quốc.
Trung Quốc cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về số liều vắc xin đã tiêm, với gần 745 triệu liều. Đứng thứ hai là Mỹ với hơn 300 triệu liều. Liên minh châu Âu (EU) đứng thứ ba với 267 triệu liều. Đứng thứ tư là Ấn Độ, với 231 triệu liều.
Israel là quốc gia đầu tiên chứng minh rằng tiêm chủng mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc phòng chống COVID-19. Đến tháng Hai, hơn 84% công dân Israel từ 70 tuổi trở lên đã được tiêm hai liều. Số ca mắc bệnh nặng và tử vong theo đó giảm nhanh chóng.
Mặc dù đã có hơn 2 tỷ liều vắc xin được tiêm trên toàn cầu, tương đương hơn một phần tư dân số thế giới. Nhưng số người được tiêm đủ liều trên thực tế thấp hơn nhiều con số trên, vì hầu hết các loại vắc xin đang được sử dụng đều yêu cầu tiêm hai mũi.
Việc triển khai tiêm chủng cũng không đồng đều, chủ yếu tập trung ở các nước phát triển, trong khi các nước đang phát triển còn gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vắc xin.
Mặc dù các loại vắc xin tốt nhất được cho là có hiệu quả tới 95%, nhưng theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Nhà Trắng - Anthony Fauci, chỉ khi nào Mỹ hoàn tất tiêm chủng cho 70 đến 85% dân số thì cuộc sống mới có thể trở lại bình thường. Trên quy mô toàn cầu, đây là một mục tiêu khó khăn. Với tốc độ 38 triệu liều/ngày, thế giới sẽ phải mất khoảng từ chín tháng đến một năm nữa mới có thể đạt được mức độ miễn dịch toàn cầu cao. Tuy nhiên, tốc độ này đang tăng đều đặn, và nhiều loại vắc xin mới sắp được tung ra thị trường.
Việc chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin cũng đang được nhiều quốc gia đẩy mạnh. Mới đây nhất, Argentina và Serbia đã tuyên bố chính thức bắt đầu sản xuất vắc xin Sputnik V của Nga. Tổng thống Vladimir Putin đã xem quá trình bắt đầu sản xuất vắc xin ở cả hai quốc gia này thông qua video trực tuyến. Hãng tin NDTV của Ấn Độ dẫn lời Tổng thống Putin cho biết Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới sẵn sàng chuyển giao công nghệ vắc xin COVID-19 và mở rộng sản xuất ra nước ngoài.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 5/6 kêu gọi các nhà lãnh đạo của nhóm G7 cam kết tiêm chủng cho toàn thế giới vào cuối năm 2022.
“Tiêm chủng cho toàn thế giới vào cuối năm tới sẽ là kì tích vĩ đại nhất trong lịch sử y học”, ông Johnson nói. Anh đã đặt hàng hơn 500 triệu liều vắc xin COVID-19 cho 67 triệu công dân, và cho biết sẵn sàng tặng lại số vắc xin mà nước này không dùng đến.
Bloomberg, Reuters
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)