Nếu bạn đang tìm kiếm oxy ở San Pedro Sula, Honduras thì Pedro Sandoval là người bạn nên gọi. Với khoảng 60USD mỗi tuần, ông Sandoval sẽ giao hàng và lắp đặt một bình điều áp dưỡng khí. Với những người thích mua riêng, ông có thể nhập một chiếc từ Trung Quốc với giá khoảng 400USD.
Những người bán hàng rong như ông Sandoval đang xuất hiện nhan nhản ở hàng chục quốc gia, hầu hết là nghèo để đáp ứng nhu cầu tăng cao về oxy trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Đây là thực tế trớ trêu tàn nhẫn: oxy là nguyên tố dồi dào nhất trên Trái đất, nhưng sự khan hiếm của nó tại các bệnh viện đang gây ra hàng nghìn cái chết có thể phòng tránh được.
Một liên minh các tổ chức y tế quốc tế, các nhà đầu tư và cơ quan chính phủ đang cố gắng giải quyết vấn đề. Song, việc này không hề dễ dàng.
Nhu cầu oxy đang vượt quá nguồn cung trong bối cảnh đại dịch. Các bệnh viện trên khắp thế giới đang báo cáo tình trạng thiếu dưỡng khí cứu người. Tuy nhiên, việc xác định quy mô của sự thiếu hụt có thể rất khó, do sự khác biệt về thời gian các bệnh nhân nằm viện và lượng oxy họ được cung cấp, vốn có thể dao động trong khoảng từ 6 - 50 lít/phút tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Một cách đánh giá phạm vi vấn đề ở một quốc gia cụ thể là xem xét số lượng trường hợp mắc Covid-19 nặng và nguy kịch đang được báo cáo cho các cơ quan y tế công. Bằng phương pháp này, PATH, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Seattle (Mỹ) tính toán rằng, tính đến ngày 1/3, chỉ riêng nhu cầu ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã vượt quá 1,1 triệu bình (7,9 triệu m3) oxy mỗi ngày.
Những nỗ lực để đáp ứng nhu cầu này thường bị cơ sở hạ tầng yếu kém cản trở. Ở các quốc gia giàu có, các bệnh viện được trang bị những bể cỡ lớn để lưu trữ oxy, theo dõi mức cung cấp và truyền trực tiếp đến bệnh nhân tại giường điều trị. Tuy nhiên, ở các nước nghèo, họ chủ yếu dựa vào các bình dưỡng khí nhỏ lẻ từ việc phân phối đến khả năng tương thích với các thiết bị khác trong bệnh viện, điều cũng gây ra vô số chuyện đau đầu về khâu hậu cần.
Các bệnh viện ở vùng sâu, vùng xa có thể cách nhà cung cấp oxy gần nhất tới hàng trăm kilômét. Khi mua được dưỡng khí, họ có thể không có nhân viên hoặc chuyên gia kỹ thuật để quản lý chúng đúng cách.
Ngoài ra, việc sản xuất lượng lớn oxy dùng cho y tế đòi hỏi máy móc phức tạp, trong khi các nhà máy có khả năng sản xuất lượng lớn dưỡng khi chỉ coi đây là sản phẩm phụ và thiếu động lực để sản xuất chúng ở quy mô đủ đáp ứng thị trường.
Để giải quyết vấn đề, Jayasree Iyer, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Quỹ Tiếp cận Y tế đề xuất các chính phủ liệt kê oxy như một loại thuốc thiết yếu, đưa nó vào danh sách đấu thầu của nhà nước và hoàn lại tiền cho các bệnh viện để bệnh nhân không phải bỏ tiền túi để điều trị.
Tuy nhiên, Jim Stunkel, người phụ trách hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận Mỹ Cứu trợ quốc tế tin, việc chuyển vốn cho các dự án địa phương có thể gặp khó khăn ngay cả khi các quốc gia ưu tiên oxy. Và để một kế hoạch viện trợ phát huy hiệu quả, đơn vị thực hiện phải tính đến việc đào tạo kỹ thuật và bảo trì thiết bị.
Một điều đáng chú ý về cuộc khủng hoảng oxy là nó đang thúc đẩy hành động để giải quyết một vấn đề sức khỏe mạn tính toàn cầu. Bệnh viêm phổi đang giết chết hàng triệu người mỗi năm. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Các nhà đầu tư, nhà cung cấp dưỡng khí và các cơ quan y tế công cộng đang cam kết cung cấp oxy nhiều hơn và những nỗ lực của họ sẽ mang lại lợi ích cho các nước nghèo ngay cả sau khi đại dịch kết thúc.
Theo Tuấn Anh (Vietnamnet)