Cuộc trưng cầu dân ý về Brexit (tức Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) ngày 24.6 làm dấy lên những lời cảnh báo trên khắp thế giới về những hậu quả khôn lường.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk có lẽ là người đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng nhất trong số các lãnh đạo trên thế giới, cho rằng Brexit có thể kết thúc nền văn minh chính trị ở châu Âu mà chúng ta từng biết đến, theo hãng tin Pháp.
“Là một nhà sử học, tôi sợ rằng Brexit có thể là khởi đầu của tiến trình hủy diệt không chỉ EU mà cả nền văn minh chính trị phương Tây”, ông Tusk trả lời phỏng vấn tờ Bild (Đức).
Anh rời khỏi châu Âu có nguy cơ kết thúc nền "văn minh chính trị" châu Âu? |
Ngày thứ sáu đen tối
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý về Brexit sẽ được công bố trong ngày 24.6 và kết quả sơ bộ từ 200 trong số 382 khu vực bỏ phiếu cho thấy 51,59 % cử tri chọn "Leave" (tức Anh rời khỏi EU), so với 48,31 % cử tri chọn "Remain" (tức ở lại EU). Các nhà vận động chiến dịch "Leave" lập tức ăn mừng trước thông tin này.
Tỉ phú Mỹ George Soros, nổi tiếng trong vụ đặt cược cả gia tài vào sự sụt giá của đồng Bảng Anh trong cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1992, dự đoán đây là “ngày thứ sáu đen tối” (tức ngày 24.6) nếu Anh rời khỏi EU.
“Nếu Anh rời khỏi EU, điều này ngay lập tức ảnh hưởng đến mỗi hộ gia đình: đồng Bảng Anh giảm giá xuống mức thấp nhất”, ông Soros viết trên tờ The Guardian (Anh).
‘Canh bạc’ cho Thủ tướng Anh
Theo hãng tin Pháp, Thủ tướng Anh David Cameron được cho là đánh một canh bạc lớn vào năm 2013 khi kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý.
Vào tối ngày 23.6, 83 nghị sĩ thuộc Đảng Bảo thủ của ông Cameron đưa một lá thư kêu gọi ông giữ chức Thủ tướng bất luận kết quả trưng cầu dân ý ra sao.
Nhưng nhiều quan chức Anh tin rằng ông Cameron, đứng đầu chiến dịch Remain, sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ chức nếu phe Remain thua cuộc. Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Ken Clarke cho biết: “Thủ tướng Anh sẽ mất chức trong vòng 30 giây nếu như ông bại trận trong cuộc trưng cầu dân ý”.
Cú sốc kinh tế toàn cầu
“Nếu Anh rời khỏi EU sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế”, bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ, cảnh báo.
“Brexit sẽ dẫn đến một khoảng thời gian không chắc chắn và khó dự đoán” và gây bất ổn các thị trường toàn cầu, bà Yellen nói.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo Brexit có nguy cơ khiến Anh bị suy thoái kinh tế, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thị trường trên toàn thế giới.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard and Poor's có thể hạ bậc chỉ số xếp hạng tín dụng của Anh vốn đang ở mức tốt nhất là AAA nếu Anh rời khỏi EU, ông Moritz Kraemer, một lãnh đạo phụ trách về xếp hạng tín dụng của Standard and Poor's cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ Bild (Đức).
Trong một báo cáo hồi tháng 5, Bộ Ngân khố Anh dự báo GDP nước này sẽ giảm 3,6 - 6% nếu Anh rời khỏi EU.
‘Một đi không trở lại’
Tổng giám đốc Tổ chức thương mại thế giới Roberto Azevedo cảnh báo các nhà xuất khẩu Anh có nguy cơ đối mặt với khoản thuế tổng cộng khoảng 8,3 tỉ USD hằng năm và London cần phải tái đàm phán các điều khoản về tư cách thành viên Tổ chức thương mại thế giới.
“Những điều khoản về thương mại của EU không thể chỉ đơn giản là cắt và dán cho Anh sau Brexit”, ông Azevedo nói, đồng thời nói tiến trình tái đàm phán có thể kéo dài đến 10 năm hoặc hơn.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo nếu Anh đã quyết định rời khỏi EU thì đây là động thái “một đi không trở lại”. Theo Phúc Duy (Thanh Niên Online)