Thế giới bối rối trước nạn ma túy

24/10/2018 11:03:09

Chiến lược phòng chống ma túy trên phạm vi toàn thế giới của Liên hợp quốc (LHQ) trong vòng 10 năm qua là một thất bại - đó là đánh giá được đưa ra trong bản báo cáo của Hiệp hội Chính sách ma túy quốc tế (IDPC), trong đó kêu gọi thay đổi chính sách chống ma túy trên toàn cầu.

Thế giới bối rối trước nạn ma túy
Cảnh sát Colombia thu giữ một lượng lớn chất ma túy trong một chiến dịch gần đây. (Nguồn: AP).

Chiến lược sai lầm?

Báo cáo mới nói rằng các nỗ lực của LHQ trong việc xóa bỏ thị trường buôn bán ma túy trái phép vào năm 2019 thông qua một “cuộc chiến chống ma túy” đã gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi gây ra nhiều hiệu ứng tiêu cực đối với sức khỏe, nhân quyền, an ninh và phát triển.

Theo báo cáo mới, các trường hợp tử vong liên quan tới ma túy đã tăng 145% chỉ trong vòng 1 thập kỷ, với hơn 71.000 trường hợp tử vong do sử dụng ma túy quá liều chỉ tính riêng ở nước Mỹ trong năm 2017. Có ít nhất 3.940 người bị xử tử vì các cáo buộc liên quan đến ma túy trong 10 năm qua trên khắp thế giới, trong khi cuộc chiến chống ma túy ở Philippines đã gây ra 27.000 vụ giết người không thông qua xét xử.

IPDC - một mạng lưới gồm 177 tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước - hiện đang thúc giục phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ về ma túy nhanh chóng đưa ra một hướng tiếp cận khác, thay đổi chiến lược phòng chống ma túy trong 10 năm tiếp theo để hướng tới Hội nghị thượng đỉnh về phòng chống ma túy tổ chức ở Vienna, Áo vào tháng 3/2019.

“Báo cáo này là một đòn giáng mới nhằm vào cuộc chiến chống ma túy của thế giới” - Ann Fordham, Giám đốc điều hành IDPC, nói trong một tuyên bố - “Thực tế rằng Chính phủ các nước và LHQ không đánh giá được tầm ảnh hưởng ghê gớm của chiến lược chống ma túy trong 10 năm qua là điều bất ngờ và đáng thất vọng”.

Theo bà Fordham, trong kỳ họp thượng đỉnh tổ chức vào tháng 3 năm sau, LHQ có khả năng sẽ lại áp dụng chiến lược cũ. Điều này sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến thế giới, gây ra tình trạng đổ máu ẩn dưới cái tên kiểm soát ma túy.

Farhan Haq - Phát ngôn viên Đại hội đồng LHQ - thì lên tiếng bảo vệ chiến lược chống ma túy của LHQ. Văn phòng kiểm soát tội phạm và ma túy LHQ (UNODC) là cơ quan cao nhất của LHQ đối phó với vấn đề này. Họ vẫn tiếp tục nỗ lực chống ma túy. Cơ quan này không xem các nỗ lực trong 10 năm qua là một thất bại, mà là một nhiệm vụ chưa hoàn thành. UNODC hiện đang tiếp tục kêu gọi sự hợp tác sâu rộng của tất cả các quốc gia thành viên trên thế giới trong cuộc chiến chống ma túy.

Ma túy tăng đến mức kỷ lục

Năm 2017, Mexico đã ghi nhận một năm nhiều vụ ám sát nhất trong lịch sử mà nguyên nhân là do mức độ bạo lực liên quan tới ma túy gia tăng. Nhiều báo cáo khác, như báo cáo của Viện Thống kê quốc gia Mexico, cho thấy có khoảng 31.174 vụ giết người đã xảy ra chỉ tính riêng trong năm đó - tăng 27% so với năm 2016.

Ngoài tình trạng bạo lực gia tăng, chính sách tội phạm hóa việc sử dụng ma túy mà nước này áp dụng cũng gây ra tình trạng bỏ tù hàng loạt - báo cáo mới cho hay. Cứ 5 tù nhân ở Mexico thì có 1 bị kết án vì tội danh liên quan tới ma túy, rất nhiều trong số này bị cáo buộc sử dụng hoặc sở hữu chất ma túy.

“Điều mà chúng tôi nhận được từ bản báo cáo của IDPC là rất thuyết phục. Kể từ khi Chính phủ các nước bắt đầu thu thập dữ liệu về ma túy trong những năm 1990, hoạt động trồng trọt, tiêu thụ và vận chuyển trái phép ma túy đã tăng đến mức kỷ lục” - Helen Clark, cựu Thủ tướng New Zealand và là thành viên của Ủy ban Chính sách ma túy toàn cầu, nói.

“Thêm vào đó, các chính sách chống ma túy hiện tại là một rào cản lớn đối với các mục tiêu kinh tế và xã hội khác. “Cuộc chiến chống ma túy” đã gây ra hậu quả là hàng triệu người bị sát hại, mất tích hoặc bỏ nhà cửa” - bà Clark nói thêm.

Hồi tuần trước, Canada trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm các quốc gia có nền công nghiệp phát triển (G7) hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa cho mục đích giải trí.

Theo Linh Chi (Daidoanket.vn)

Nổi bật