Ngày 13/8 vừa qua, chị Vương (Wang), đến từ Thượng hải, trung Quốc đã cảm thấy vô cùng hoang mang sau khi xem đoạn video do một blogger chia sẻ thông tin về bé gái mất tích trong nhà ga tàu điện ngầm và đang được kêu gọi tìm kiếm cha mẹ.
Theo SCMP, một người bạn của Vương đã gửi video cho cô ấy sau khi nhận thấy sự giống nhau đến kinh ngạc giữa cô bé và con gái của Vương, người được sinh ra nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
“Tôi đã vô cùng sửng sốt khi bạn tôi hỏi tôi có phải tôi bị lạc mấ con không. Bé gái này trông giống con gái tôi thật, ngay cả biểu cảm cũng giống y hệt,” chị Vươngnói với tờ Chinese Business View.
Theo chia sẻ của người phụ nữ, vì con gái cô được sinh ra thông qua phương pháp IVF và các phôi thai khác được lưu trữ tại bệnh viện để chờ đứa con thứ hai. Sự trùng hợp này đã khiến cô Vương không khỏi nghi ngờ rằng có sự nhầm lẫn nào đó xảy ra tại bệnh viện nơi cô đã lưu trữ trứng đông lạnh và phôi thai để thực hiện quy trình thụ tinh ống nghiệm và sinh ra con gái.
Trước đó, chị Vương đã trải qua thủ thuật thụ tinh trong ống nghiệm vào tháng 5/2018 tại một bệnh viện ở Thượng Hải và chi khoảng 70.000 nhân dân tệ (244 triệu đồng) đến 80.000 nhân dân tệ (gần 280 triệu đồng) cho các thủ thuật, bao gồm lấy trứng và cấy phôi.
“Khi thực hiện IVF, họ không chỉ lấy một trứng, có thể đã có sai sót khi trứng của tôi được đưa cho người khác, hoặc có thể bác sĩ đã mắc lỗi. Chúng tôi không dám cáo buộc bệnh viện làm sai trái khi không có bằng chứng, nhưng nếu có vi phạm, chúng tôi cần phải giải quyết”, chị Vương cho biết.
Theo người phụ nữ này cho biết, cô muốn liên lạc với gia đình cô bé để xét nghiệm DNA xem có mối liên hệ sinh học nào không. Tuy nhiên, nỗ lực liên lạc với gia đình thông qua blogger đã đăng video đã không thành công vì thông tin liên lạc của cô không được lưu lại.
Sau đó, Vương đã thực hiện một lời kêu gọi công khai bằng video nhằm liên lạc với gia đình cô gái.
“Tôi chỉ muốn tìm gia đình này để xác nhận tình hình. Nếu sự giống nhau này hoàn toàn là ngẫu nhiên, chúng ta thậm chí có thể trở thành bạn bè. Tôi không có ý xấu. Mặc dù chúng tôi không có quyền yêu cầu bất cứ điều gì, nhưng chúng tôi vẫn muốn có câu trả lời”, Vương nói.
Một số cư dân mạng ở Trung Quốc đồng tình về sự giống nhau về ngoại hình của họ nhưng nhiều người bác bỏ mối lo ngại của cô là "thuyết âm mưu".
"Chỉ là bọn trẻ trông giống nhau thôi. Sao phải bận tâm tìm gia đình đó? Cô ta đang cố chứng minh điều gì vậy?" một người nói.
“Có khả năng cô gái kia được sinh ra một cách tự nhiên và việc họ trông giống nhau chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên không?” một người khác hỏi.
“Cô ấy chỉ gây rắc rối thôi. Nếu có vấn đề gì thì cô ấy nên đến bệnh viện, không nên làm phiền gia đình kia. Việc này nên được giải quyết riêng tư, không nên đăng lên mạng”, một người thứ ba cho biết.
Cuối cùng, sau nhiều áp lực và yêu cầu từ phía cảnh sát, cô Vương đã chấp nhận gỡ bỏ video tìm người đòi xét nghiệm ADN khỏi mạng xã hội.
Vào ngày 18/8 vừa qua, cha mẹ của bé gái mất tích đã lên mạng làm rõ ghi ngờ của chị Vương rằng con của họ hiện đã hai tuổi rưỡi, được sinh ra tự nhiên và họ đã báo cáo sự việc với cảnh sát ở Thượng Hải.
Theo số liệu từ Ủy ban Y tế Trung Quốc công bố vào tháng 6/2024 cho biết, có khoảng 300.000 trẻ sơ sinh được sinh ra hàng năm thông qua phương pháp IVF, chiếm 2% tổng số trẻ sơ sinh trên cả nước.
Trước vụ việc gây xôn xao này, luật sư Triệu Công của văn phòng luật sư Bắc Kinh Trung Văn nhấn mạnh rằng, việc tiến hành xét nghiệm ADN cần có sự đồng ý của người có quan hệ mật thiết nhất. Ông cũng chỉ ra rằng chỉ vì sự giống nhau về ngoại hình không thể trở thành cơ sở bắt buộc để yêu cầu xét nghiệm ADN. Để xác minh mối nghi ngờ của mình, cô Vương cần chứng minh rằng phía kia cũng đã thực hiện thụ tinh ống nghiệm tại cùng một bệnh viện hoặc bệnh viện liên quan.
Trong khi đó, phía gia đình bé gái đã khẳng định rằng con họ sinh ra một cách tự nhiên và hiện mới chỉ 2 tuổi rưỡi, không hề có liên quan đến việc thụ tinh nhân tạo hay phôi thai của người khác. Sự mất tích của bé gái chỉ là một sự cố bất ngờ tại ga tàu điện ngầm trong lúc đi vệ sinh. May mắn thay, nhờ sự giúp đỡ của những người tốt bụng và cảnh sát, bé đã được tìm thấy an toàn.
Tuy nhiên, sự việc này vẫn làm dấy lên nhiều tranh cãi và lo ngại về vấn đề bảo vệ an ninh sinh học trong thời đại kỷ nguyên số. Một số người thậm chí còn đặt ra những câu hỏi nghiêm túc hơn về các quy định hiện tại liên quan đến thụ tinh trong ống nghiệm và việc bảo vệ thông tin cá nhân trong lĩnh vực này. Họ lo ngại rằng, trong một xã hội mà công nghệ phát triển nhanh chóng, việc mất mát thông tin cá nhân có thể dẫn đến nhiều tình huống không mong muốn.
QT (SHTT)