Thất bại bất ngờ của Hillary Clinton ở Michigan

11/03/2016 06:48:27

Quá tự tin vào khả năng giành chiến thắng của bản thân để rồi lơ là đối thủ là một phần nguyên nhân khiến bà Hillary Clinton phải nếm mùi thất bại trong phiên bỏ phiếu sớm vừa qua ở bang Michigan.

Quá tự tin vào khả năng giành chiến thắng của bản thân để rồi lơ là đối thủ là một phần nguyên nhân khiến bà Hillary Clinton phải nếm mùi thất bại trong phiên bỏ phiếu sớm vừa qua ở bang Michigan.

Trước khi phiên bỏ phiếu diễn ra, giới phân tích hầu hết đều dự đoán bà Clinton sẽ giành thắng lợi một cách dễ dàng ở bang Michigan sau đó tiếp tục chiến thắng tại các khu vực khác trên cả nước, qua đó nhanh chóng trở thành ứng viên đại diện chính thức của đảng Dân chủ tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Nhưng kết quả không như những gì người ta mong đợi khi phần thắng lại nghiêng về ông Sanders.

Điều này cho thấy tính chất quyết liệt cũng như sự khó đoán định của cuộc ganh đua hướng tới chiếc ghế quyền lực nhất thế giới. Ông Sanders, 75 tuổi, ứng viên tổng thống Mỹ nhiều tuổi nhất từ trước tới nay, cũng đã chứng minh được sức mạnh và tầm ảnh hưởng không hề thua kém của mình dù bị đánh giá thấp hơn.

Nhiều ngày trước khi cuộc bỏ phiếu sơ bộ diễn ra, bà Clinton không ít lần công kích ông Sanders về việc ông này hồi năm 2009 bỏ phiếu chống một gói cứu trợ cho ngành công nghiệp ôtô nội địa. Mục tiêu của cựu ngoại trưởng Mỹ là hạ uy tín của đối thủ tại bang hội tụ các nhà máy sản xuất xe hơi lớn nhất nước. Nhưng vào tối 8/3, một số thành viên đảng Dân chủ ở Michigan lại cho biết họ không tin tưởng chiến lược của bà Clinton sẽ phát huy hiệu quả như dự kiến.

Theo kết quả từ một cuộc thăm dò của CNN, ông Sanders nhận được nhiều sự ủng hộ từ các cử tri "rất lo lắng" về kinh tế Mỹ hơn bà Clinton, với tỷ lệ 56% so với 40%. Ngoài ra, ông cũng chiếm được cảm tỉnh của những cử tri cho rằng thương mại quốc tế đang cướp đi việc làm của người dân Mỹ với 56% phiếu ủng hộ. Tỷ lệ của bà Clinton là 43%. Đây là dấu hiệu chỉ ra rằng thông điệp kinh tế dân túy mà ông Sanders đưa ra đã tạo tiếng vang lớn ở Michigan.

Trong số các cử tri có quan điểm rằng phẩm chất quan trọng nhất của một ứng viên tổng thống nằm ở tính trung thực và đáng tin cậy, 80% ủng hộ ông Sanders, chỉ có 19 % đứng về phía bà Clinton. Điều này cho thấy chiến dịch vận động tranh cử của bà Clinton rõ ràng đang gặp vấn đề.

Nhưng theo một số người ủng hộ bà, trái ngược với ông Sanders, cựu ngoại trưởng Mỹ chỉ tập trung tiến hành chiến dịch ở các thành phố Detroit, Flint và Grand Rapids của bang Michigan. Sau khi đã vận động không biết mệt mỏi ở các bang Nevada và Nam Carolina, bà Clinton dường như lơ là tại Michigan và đây là nguyên nhân dẫn tới thất bại.

Sai lầm

Giới quan sát đánh giá, một phần lý do khiến bà Clinton vấp ngã lần này nằm ở việc bộ máy của bà đã chủ quan và quá tự tin vào khả năng giành được vị trí đại diện đảng Dân chủ tham gia tranh cử tổng thống. Vì thế, họ chuyển hướng sang đầu tư cho cuộc tổng tuyển cử quá sớm.

"Họ không mấy chú tâm tới khả năng thu hút cử tri của ông Sanders", một nghị sĩ đảng Dân chủ am hiểu chiến dịch của bà Clinton cho hay.

Bà Clinton hôm 7/3 cũng tuyên bố "càng sớm trở thành đại diện của các bạn thì tôi càng có thể nhanh chóng hướng sự chú ý của mình sang những đối thủ đảng Cộng hòa".

Các trợ lý của bà Clinton dường như cũng đã dự đoán được thất bại ở Michigan. Robby Mook, quản lý chiến dịch vận động tranh cử, tuần  trước còn viết một ghi chú với nội dung "ngay cả nếu ông Sanders có thể giành chiến thắng ở Michigan, chúng ta vẫn sẽ sở hữu nhiều đại biểu hơn tại Mississippi, bang diễn ra bỏ phiếu cùng ngày".

Bản chất của các cuộc bầu cử sơ bộ và bầu kín ở Mỹ không phải là cử tri bỏ phiếu bầu ra các ứng viên tổng thống, mà trên thực tế, họ chỉ bầu ra các đại biểu (delegate) sẽ tham gia đại hội của các đảng diễn ra sau đó. Thông thường, những đại biểu này cam kết ủng hộ cho một ứng viên nhất định, và càng được nhiều đại biểu ủng hộ, ứng viên sẽ có cơ hội càng cao được đảng đề cử ra chạy đua chiếc ghế tổng thống.

Bà Clinton đã nhận được phiếu bầu từ nhiều đại biểu hơn ông Sanders. Theo ước tính của CNN, bà Clinton giành 84 phiếu trong khi ông Sanders chỉ nhận 67 phiếu trong ngày 8/3. Hiện bà đã có 1234 trong tổng số 2.383 cần phải có để giành được đề cử. Con số này của ông Sander là 567.

Theo Jennifer Palmieri, giám đốc truyền thông của bà Clinton, đặc điểm phân bố nhân khẩu học của bang Michigan cũng là một phần lý do dẫn tới thất bại.

"Michigan dường như là một bang rất phù hợp với thượng nghị sĩ Sanders. Số phiếu mà đảng Dân chủ nhận được chỉ có khoảng 75% đến từ người da trắng. Đây là một bất lợi lớn đối với chúng tôi", Palmieri nói nhưng cũng thêm rằng cuối cùng thì bà Clinton vẫn sẽ trở thành ứng viên của đảng tranh cử tổng thống.

Giới quan sát nhận định, sau thất bại ở Michigan, bộ máy vận động tranh cử của bà Clinton sẽ phải dồn sức nhiều hơn nữa nếu muốn giành chiến thắng tại bang láng giềng Ohio trong cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 15/3 tới đây.

Nhưng Palmieri hôm 9/3 tuyên bố bà Clinton sẽ không gặp bất kỳ trở ngại gì tại bang Ohio bất chấp thất bại ở Michigan. Theo bà, thông điệp của cựu ngoại trưởng Clinton liên quan đến vấn đề việc làm và các giải pháp cứu trợ ngành công nghiệp ôtô sẽ mang về chiến thắng.

"Bà ấy đến Michigan mang theo một chương trình nghị sự về kinh tế rất mạnh mẽ cùng thông điệp sẽ tạo ra nhiều việc làm và sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất, đồng thời hỗ trợ quá trình thành lập các doanh nghiệp nhỏ. Tất cả đều rất có triển vọng", Palmieri nói. "Tôi không nghĩ thượng nghị sĩ Sanders làm được những điều này. Tôi tin rằng chúng cũng sẽ phát huy tác dụng ở Ohio".

Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)