Thành tựu và thách thức của ASEAN sau 50 năm hình thành

08/08/2017 11:27:00

ASEAN đạt được thành tựu về kinh tế và duy trì ổn định nhưng cũng đối mặt thách thức về sự đồng thuận và quan hệ với cường quốc.

ASEAN đạt được thành tựu về kinh tế và duy trì ổn định nhưng cũng đối mặt thách thức về sự đồng thuận và quan hệ với cường quốc.

Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á và Tổng thư ký ASEAN tại phiên khai mạc Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 50. Ảnh: Reuters

Ngày 8/8 đánh dấu chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Từ một tổ chức với 5 thành viên đầu tiên gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines, ASEAN đã kết nạp thêm Brunei (1984), Việt Nam (1995), Lào và Myanmar (1997) và Campuchia (1999).

"ASEAN đã tạo ra môi trường an ninh ổn định trong khu vực, tăng cường sự tin tưởng giữa các quốc gia thành viên và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiệp hội cũng giúp củng cố quan hệ của khu vực với các cường quốc và tổ chức quốc tế", Barry Desker, chuyên gia tại trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nhận xét.

Năm 2016, tổng GDP của ASEAN đứng thứ sáu trên thế giới và đứng thứ ba ở châu Á với 2,55 nghìn tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với năm 1999, năm ASEAN kết nạp thành viên cuối cùng. Dự báo ASEAN sẽ vươn lên ở vị trí thứ năm thế giới vào năm 2020.

thanh-tuu-va-thach-thuc-cua-asean-sau-50-nam-hinh-thanh-1

GDP và GDP trên đầu người của ASEAN. Đồ họa: aseanstats

Kể từ năm 1967, tốc độ tăng trưởng GDP của ASEAN luôn dương, trừ năm 1998 - đỉnh điểm khủng hoảng tài chính châu Á. Từ năm 1999, tốc độ tăng trưởng GDP của ASEAN dao động từ 2,5% đến 7,5%.

Trong thập kỷ đầu của ASEAN, GDP bình quân đầu người tiến triển chậm. Sau khi phục hồi từ khủng hoảng tài chính châu Á, chỉ số này tăng mạnh từ năm 2002 đến năm 2014, chỉ giảm nhẹ trong năm 2009 (phản ánh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008). Sự sụt giảm nhẹ cũng được ghi nhận vào năm 2015 trước khi chỉ số tăng đến mức 4.021 USD năm 2016.

Thị trường nội khối ASEAN đóng vai trò lớn trong sự phát triển thương mại của hiệp hội. ASEAN đã đưa vào Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) nhằm mục tiêu cắt giảm loại bỏ các hàng rào thuế quan, tăng hiệu quả thương mại và tăng cường liên kết kinh tế giữa các nước thành viên. Năm 2015, cơ bản các mặt hàng được xóa bỏ thuế quan và 7% tổng số dòng thuế được linh hoạt đến năm 2018.

thanh-tuu-va-thach-thuc-cua-asean-sau-50-nam-hinh-thanh-2

Lộ trình giảm thuế của ASEAN. Đồ họa: TTXVN. 

Theo Endy M. Bayuni, tổng biên tập Jakarta Post, đóng góp quan trọng nhất mà hiệp hội đem đến là 5 thập niên hòa bình giúp cho các nước thành viên có thời gian tập trung nguồn lực xây dựng quốc gia và phát triển kinh tế. ASEAN đã duy trì ổn định ở khu vực Đông Nam Á thông qua thúc đẩy quan hệ hòa bình giữa các quốc gia thành viên. Mặc dù có những tranh chấp, mâu thuẫn giữa các nước, ASEAN đã ngăn được các khác biệt song phương biến thành xung đột lớn.

ASEAN còn thường xuyên ở vị trí chèo lái cho một số sáng kiến ​ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các cuộc họp của ASEAN được mở rộng với các nhánh như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) nhằm đưa tất cả lãnh đạo cường quốc thế giới và khu vực châu Á ngồi với nhau thảo luận về an ninh chính trị và kinh tế. 

Không chỉ vậy, trong khi chủ nghĩa khu vực có vẻ đã bị ảnh hưởng ở những nơi khác, từ việc Anh rời Liên minh Châu Âu cho đến cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh, ASEAN vẫn tiếp tục thể hiện sự thống nhất và ổn định.

"ASEAN được cho là tổ chức khu vực thành công nhất thế giới", Bayuni nhận định.

Thách thức

Năm 2015, Cộng đồng ASEAN được thành lập với mục đích đưa hiệp hội trở thành "một nhóm hài hòa các dân tộc Đông Nam Á, gắn bó trong một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau".

Tuy nhiên, Bayuni chỉ ra vấn đề rằng người dân trong khu vực không cảm nhận được tinh thần cộng đồng đó. Theo ông, chính phủ các nước hiếm khi nói về ASEAN như một cộng đồng. Trong bài phát biểu, họ vẫn chỉ gọi tên là ASEAN. Trong hầu hết cuộc khảo sát, người dân khu vực gần như chưa biết nhiều về ý tưởng cộng đồng và chưa hiểu rõ lợi ích mà nó mang lại.

Ông cho rằng "phải đến khi các quốc gia thành viên quyết định sống cùng nhau với một số nguyên tắc và giá trị chung" thì cộng đồng ASEAN mới thật sự có ý nghĩa.

Thách thức từ bên ngoài cũng là những điểm đáng chú ý. Một số nhà phân tích cho rằng ảnh hưởng của ASEAN ngày càng hạn chế khi đối mặt với áp lực từ Trung Quốc. Các sáng kiến kinh tế của Trung Quốc như ​​Vành đai và Con đường rất hấp dẫn với các nước Đông Nam Á. Chính sách an ninh của Trung Quốc cũng rất khó đối trọng. Hơn nữa, họ thường tác động một số nước để ngăn hội nghị ASEAN ra tuyên bố chung chỉ trích các chính sách của Bắc Kinh, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông, theo John Blaxland, chuyên gia về an ninh quốc tế và nghiên cứu tình báo tại viện ANU Đông Nam Á.

Thách thức trong việc đảm bảo an ninh, an toàn tại Biển Đông, nơi có những diễn biến phức tạp như đơn phương bồi đắp, cải tạo đất và quân sự hóa, là vấn đề nổi cộm. ASEAN và Trung Quốc cuối tuần qua đạt được bước tiến mới, khi nhất trí về dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Nhưng theo cây bút Laura Zhou của SCMP đây chỉ là khởi đầu cho tiến trình thương lượng sau này. Việc tìm kiếm sự đồng thuận giữa các nước ASEAN hay giữa ASEAN với Trung Quốc trong việc thúc đẩy để văn kiện này có tính ràng buộc về pháp lý, với sự tuân thủ nghiêm túc của các nước liên quan, cũng sẽ là thách thức không nhỏ.

Đồng thuận là nguyên tắc cốt lõi của ASEAN nhưng khác biệt lợi ích giữa các thành viên ngày càng xuất hiện nhiều. Nguyên tắc đồng thuận cho phép mọi quốc gia thành viên, dù lớn hay nhỏ, có tiếng nói như nhau trong quá trình ra quyết định, chính vì vậy, mọi thành viên đều có quyền phủ quyết. Việc đạt được đồng thuận trong các vấn đề nóng ngày càng trở nên khó khăn, đặt ra thách thức với sự đoàn kết của khối.

Theo DW, Avery Poole, chuyên gia từ Đại học Melbourne cho rằng chính quyền mới của Trump cũng đặt ra thách thức với ASEAN. Nhiều người lo ngại rằng dưới thời Trump, Mỹ sẽ rút ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Nếu vậy, sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực có thể gây ra lo ngại.

"Sự tham gia của Trung Quốc trong đầu tư và thương mại được chào đón bởi hầu hết quốc gia Đông Nam Á, nhưng họ không muốn Trung Quốc hoặc bất kỳ cường quốc nào trở nên quá chi phối", Poole nhận xét.

ASEAN sẽ cần nỗ lực cân bằng ảnh hưởng của hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc để bảo vệ lợi ích riêng của mình.

Tuy nhiên, Poole nhấn mạnh rằng không nên quá lo lắng về vấn đề này. "Có thể những dự đoán về việc Mỹ rút ảnh hưởng trong khu vực đã bị phóng đại. Các cố vấn quân sự và chiến lược của Mỹ chắc chắn nhìn thấy tầm quan trọng từ sự hiện diện của Mỹ trong khu vực", ông nói.

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)

Nổi bật