Vladyslav Atroshenko, Thị trưởng Chernihiv, hôm 3/4 mô tả hậu quả của chiến dịch tấn công quân sự của Nga tại đây là nghiêm trọng, tương đương mức độ ở những nơi bị thiệt hại nặng nề khác như thị trấn Bucha ở ngoại ô Kiev, nơi hàng chục thi thể được phát hiện trên các đường phố, cũng như các thành phố Kharkiv và Mariupol.
Các lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố hiện đã giành lại quyền kiểm soát Chernihiv. Song, theo ông Atroshenko, vấn đề cấp bách hiện nay với cư dân địa phương là các lực lượng Nga đang tập trung ở biên giới Belarus. Quan chức Chernihiv bày tỏ lo ngại thành phố có nguy cơ phải hứng chịu thêm các vụ nã tên lửa hoặc ném bom từ trên không.
Báo Guardian dẫn lời ông Atroshenko nói: "Người Nga đang di chuyển quanh Ukraine như ở nhà. Việc binh lính Nga rời đi không có nghĩa họ sẽ không quay lại vào ngày mai. Chỉ mất khoảng 1,5 giờ để họ tiếp cận chúng tôi. Hôm nay có thể nói là yên tĩnh, chúng tôi đang tiến hành dọn dẹp, rà phá bom mìn".
Cùng ngày, các công tố viên Ukraine cho biết, 7 người đã thiệt mạng và 34 người khác bị thương khi quân Nga bắn phá các tòa nhà chung cư ở quận Sloboda thuộc Kharkiv, lúc 18h tối.
Kharkiv, thành phố lớn thứ 2 Ukraine, tọa lạc ở đông bắc đất nước, gần biên giới với Nga đã bị tàn phá nghiêm trọng kể từ khi chiến sự bùng phát hồi cuối tháng 2. Viết trên Facebook, Thị trưởng Kharkiv Vychaeslav Zadorenko cũng tố cáo quân Nga pháo kích thị trấn Dergachi lân cận, khiến ít nhất 3 dân thường thiệt mạng và 7 nạn nhân khác bị thương.
Theo báo cáo tình báo mới nhất của Bộ Quốc phòng Anh, các lực lượng của Moscow và Kiev đang giao tranh ác liệt tại thành phố Mariupol, miền đông Ukraine. Nhà chức trách Anh đánh giá, Mariupol "gần như chắc chắn là mục tiêu then chốt" của Nga vì nó sẽ đảm bảo một hành lang trên bộ từ xứ sở bạch dương tới bán đảo Crưm. Tuy nhiên, các lực lượng Ukraine "đang duy trì sự kháng cự quyết liệt và giành quyền kiểm soát ở các khu vực trung tâm".
Tổng thống Ukraine chỉ trích chính sách nhượng bộ Nga của phương Tây
Trong bài phát biểu trước quốc gia tối 3/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gợi nhắc lại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest năm 2008.
Theo ông Zelensky, tại sự kiện cách đây 14 năm từng tồn tại cơ hội để Ukraine thoát khỏi ảnh hưởng của Moscow ở Đông Âu và các phát biểu ngoại giao đầy lạc quan vào thời điểm đó đã khiến nước này hy vọng có thể gia nhập NATO.
"Năm 2008, việc từ chối kết nạp Ukraine vào liên minh đã bị che giấu. Sự sợ hãi vô lý của một số chính trị gia trước Nga đã bị che giấu. Họ nghĩ rằng bằng cách từ chối Ukraine, họ có thể xoa dịu Nga", ông Zelensky bày tỏ. Tổng thống Ukraine tin rằng, vì những tính toán sai lầm trên nên nước này đã phải đối mặt với một cuộc cách mạng và 8 năm xung đột ở Donbass và hiện đang phải trải qua cuộc chiến tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến hai.
Tuy nhiên, ông Zelensky nêu rõ bản thân không đổ lỗi cho phương Tây, nhưng cảm thấy Ukraine "có quyền được đề cập đến sự do dự", về "con đường đã dẫn tới nhưng tổn thất nặng nề cho Hostomel, Kharkiv hay Mariupol". "Dù chúng tôi có ở trong một liên minh cụ thể nào hay ở tình trạng không liên kết, chúng tôi hiểu một điều rằng: chúng tôi phải mạnh mẽ", người đứng đầu Chính phủ Ukraine nhấn mạnh.
Nga cảnh báo áp thanh toán bằng đồng Rúp nhiều mặt hàng xuất khẩu
Điện Kremlin tuyên bố, cơ chế yêu cầu thanh toán các giao dịch khí đốt bằng đồng Rúp của Tổng thống Vladimir Putin là nguyên mẫu Moscow dự định sẽ áp dụng rộng hơn cho các mặt hàng xuất khẩu chính khác của Nga. Theo nhà chức trách Nga, quyết định xuất phát từ việc phương Tây đã ngăn chặn sự sụt giảm của đồng USD bằng cách đóng băng tài sản của nước này.
Theo Reuters, nền kinh tế Nga đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ năm 1991, sau khi Mỹ và các đồng minh ở châu Âu và châu Á áp hàng loạt lệnh trừng phạt với Moscow vì chiến dịch tấn công quân sự Ukraine.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc quyết định của phương Tây đóng băng 300 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga là "hành động ăn cướp", có thể đã đẩy nhanh việc từ bỏ phụ thuộc vào đồng USD và đồng Euro như các loại tiền tệ dự trữ toàn cầu.
Ông Peskov cho biết thêm, Điện Kremlin muốn có một hệ thống mới để thay thế cấu trúc tài chính Bretton Woods do các cường quốc phương Tây thiết lập vào năm 1944.
Nga từ lâu đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng tiền của Mỹ, mặc dù các mặt hàng xuất khẩu chính của nước này gồm dầu mỏ, khí đốt và kim loại đều được định giá bằng đồng USD trên các thị trường toàn cầu. Trên phạm vi toàn thế giới, USD là đồng tiền được giao dịch nhiều nhất, sau đó đến Euro, Yên và đồng Bảng Anh.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)