Reuters dẫn các nguồn tin an ninh cho biết lực lượng trên bộ của Israel ở Dải Gaza sẽ phải đối mặt với mạng lưới đường hầm của phong trào Hamas dài hàng trăm km và sâu tới 80 m. Một con tin từng được giải thoát mô tả chúng giống như "mạng nhện".
Theo các nguồn tin phương Tây và Trung Đông, Hamas có nhiều loại đường hầm khác nhau chạy bên dưới dải cát ven biển rộng 360 km2, phục vụ mục đích tấn công, buôn lậu, dự trữ và những hoạt động khác.
Một quan chức Mỹ cho biết Washington tin rằng lực lượng đặc biệt của Israel sẽ phải đối mặt với thách thức chưa từng có khi phải chiến đấu với Hamas trong khi cố gắng bảo đảm an toàn cho con tin bị cầm giữ dưới lòng đất.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin lưu ý trận chiến kéo dài 9 tháng của Iraq nhằm chiếm lại TP Mosul từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể còn dễ dàng hơn những gì đang chờ đợi Israel - có thể là "rất nhiều IED (thiết bị nổ tự chế)" và bẫy.
Mặc dù Israel đã đầu tư mạnh vào việc phát hiện đường hầm, bao gồm hàng rào ngầm được trang bị cảm biến gọi là "bức tường sắt", Hamas vẫn được cho là có đường hầm hoạt động dẫn ra thế giới bên ngoài Gaza.
Sau cuộc xung đột gần đây nhất vào năm 2021, thủ lĩnh Hamas ở Dải Gaza Yehya Al-Sinwar cho biết: "Họ nói đã phá hủy 100 km đường hầm của Hamas. Những đường hầm mà chúng tôi có ở Dải Gaza dài hơn 500 km. Ngay cả khi lời kể của họ là sự thật, họ chỉ phá hủy 20% số đường hầm".
Phần lớn nhà phân tích an ninh thừa nhận tuyên bố của ông Sinwar. Mạng lưới đường hầm kể trên là một trong số ít cách giúp Hamas đưa vũ khí, thiết bị quân sự và lực lượng vào tận lãnh thổ Israel.
Hamas tin rằng với ưu thế vượt trội về quân sự trên không và thiết giáp của Israel, các đường hầm là cách để loại bỏ một số lợi thế đó khi buộc binh sĩ Israel phải di chuyển dưới lòng đất trong những không gian chật hẹp mà Hamas nắm rõ.
Theo nguồn tin phương Tây, đường hầm của Hamas được làm bằng bê tông và có chất lượng tốt. Ngoài ra, các đường hầm của Hamas từ Ai Cập được cho là vẫn hoạt động.
Một phát ngôn viên của quân đội Israel giữa tuần trước cho biết: "Tôi sẽ không nói chi tiết về số km đường hầm nhưng đây là một con số lớn, được xây dựng bên dưới các trường học và khu dân cư".
Cựu tướng Israel Amir Avivi, phó chỉ huy sư đoàn Gaza được giao nhiệm vụ xử lý các đường hầm, thừa nhận: "Mặc dù chúng tôi đã tấn công ồ ạt trong nhiều ngày nhưng khả năng chỉ huy và kiểm soát, thậm chí khả năng phát động các cuộc phản công của Hamas vẫn còn khá nguyên vẹn. Có cả một thành phố ngầm ở Dải Gaza với độ sâu 40-50 m. Có các boongke, trụ sở, kho chứa và tất nhiên chúng được kết nối với hơn 1.000 vị trí phóng rốc-két".
Hamas thành lập ở Dải Gaza vào năm 1987 và có thể đã bắt đầu đào đường hầm vào giữa những năm 1990.
Việc đào hầm dễ dàng hơn vào năm 2005 khi Israel rút quân và dân định cư ra khỏi Dải Gaza và khi Hamas giành quyền lực trong cuộc bầu cử năm 2006.
Đường hầm rộng khoảng 1 m và Hamas sử dụng tời để vận chuyển hàng hóa dọc theo sàn đường hầm đầy cát.
Mạng lưới đường hầm là lý do chính khiến Hamas mạnh hơn ở Gaza so với khu Bờ Tây do Israel chiếm đóng. Các khu định cư, căn cứ quân sự và thiết bị giám sát của Israel ở Bờ Tây khiến việc tiếp cận từ Jordan trở nên khó khăn hơn.
Người điều hành đường hầm Rafah, Abu Qusay, cho biết để đào một đường hầm dài 800 m phải mất từ 3-6 tháng và có thể mang lại lợi nhuận lên tới 100.000 USD/ngày. Mặt hàng đem lại lợi nhuận cao nhất là đạn, được mua với giá 1 USD/viên ở Ai Cập và có giá hơn 6 USD ở Dải Gaza. Còn súng trường Kalashnikov có giá 800 USD ở Ai Cập và được bán với giá gấp đôi.
Theo Phạm Nghĩa (Nld.com.vn)