Khu vực miền Tây Nhật Bản với dân số 9 triệu người đang trải qua làn sóng Covid-19 thứ tư, chiếm tới khoảng 1/3 số người chết vì căn bệnh tại nước này trong tháng 05, dù chỉ chiếm 7% tổng dân số.
Việc hệ thống y tế tại Osaka nhanh chóng quá tải cho thấy những thử thách mà Nhật Bản sẽ phải đối mặt khi đăng cai Olympic sắp tới, đặc biệt khi mới chỉ khoảng một nửa số nhân viên y tế tại nước này được tiêm chủng đầy đủ.
"Nói một cách đơn giản, đây là sự sụp đổ của hệ thống y tế," Yuji Tohda, giám đốc Bệnh viện Đại học Kindai ở Osaka nói.
"Biến chủng Anh lây nhiễm nhanh và việc mất cảnh giác đã khiến số lượng bệnh nhân tăng rất nhanh," ông cho biết thêm.
Nhật Bản không phải trải qua tình trạng số lượng bệnh nhân Covid-19 ghi nhận mỗi ngày cao chóng mặt như ở một số nước khác, tuy vậy làn sóng thứ tư đã khiến tỉnh Osaka bất ngờ. Hôm 20/05, địa phương này ghi nhận 3.849 ca nhiễm mới, gấp 5 lần con số cách đây ba tháng.
Chỉ 14% trong số 13.770 bệnh nhân Covid-19 tại tỉnh Osaka được nhập viện, số còn lại phải tự tìm cách điều trị. Trong khi đó, tỷ lệ nhập viện tại Tokyo là 37%.
Ban cố vấn của chính phủ Nhật Bản coi tỷ lệ nhập viện thấp hơn 25% là một trong những điều kiện để xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp.
Tới 20/05, 96% trong tổng số 348 giường bệnh điều trị các ca nhiễm Covid-19 nặng ở Osaka đang được sử dụng. Từ tháng 03/2021, 17 người đã tử vong vì căn bệnh mà không được tới bệnh viện điều trị, các quan chức thông báo.
Biến chủng Anh dường như khiến ngay cả những người trẻ đổ bệnh rất nhanh, và một khi bệnh tình trầm trọng, các bệnh nhân thường khó phục hồi, Toshiaki Minami, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược Osaka nói.
"Tôi tin cho tới lúc này vẫn còn nhiều người trẻ tin họ không bị ảnh hưởng gì. Tuy vậy, lần này không thể điều đó xảy ra. Tất cả mọi người đều có nguy cơ như nhau, Minami cho hay.
Minami cho biết một nhà cung cấp thông báo với ông rằng lượng propofol, một loại thuốc gây mê cho bệnh nhân được đặt máy thở, hiện còn rất ít, trong khi bệnh viện của Tohda đã bắt đầu thiếu máy thở cho bệnh nhân Covid-19.
Liên tục điều trị cho các bệnh nhân nguy kịch trong điều kiện nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhân viên y tế tại nhiều bệnh viện bị ảnh hưởng sức khỏe tâm lý nghiêm trọng, theo Satsuki Nakayama, y tá trưởng tại Bệnh viện Đại học Y Dược Osaka.
"Nhiều nhân viên y tế tại các đơn vị điều trị tích cực nói họ đã đến điểm tới hạn. Tôi cần phải đưa ra biện pháp thay đổi nhân sự, bổ sung thêm người từ các phòng, khoa khác," bà nói thêm.
Khoảng 500 bác sĩ và 950 y tá hiện đang công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược Osaka, với 832 giường bệnh. 10/16 giường bệnh điều trị tích cực của bệnh viện chỉ tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nguy kịch. 20 trong khoảng 140 bệnh nhân Covid-19 nặng mà bệnh viện tiếp nhận đã tử vong tại đơn vị điều trị tích cực.
Yasunori Komatsu, người đứng đầu công đoàn nhân viên chính quyền địa phương cho biết tình trạng của các y tá làm việc tại trung tâm y tế công hiện cũng rất tệ.
"Một số người phải làm việc quá giờ tới 100, 150, 200 tiếng đồng hồ, điều đó đã tiếp diễn một năm nay... khi phải làm nhiệm vụ, đôi lúc họ chỉ có thể về nhà lúc 1-2 giờ sáng, ngủ được vài tiếng đồng hồ rồi lại bị điện thoại đánh thức lúc 3-4 giờ," ông cho biết thêm.
Nhân viên y tế tại Osaka tỏ ra không đồng tình với việc đăng cai Olympic năm nay, dự kiến diễn ra từ 23/07 tới 08/08.
"Cần hủy đăng cai Olympics, bởi chúng ta đã không thể ngăn chặn biến chủng mới từ Anh, sắp tới có thể là cả biến chủng mới từ Ấn Độ," Akira Takasu, trưởng khoa y học cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược Osaka nói, nhắc tới biến chủng SARS-CoV-2 lần đầu được phát hiện tại Ấn Độ mà WHO đã coi là "đáng lo ngại".
"Tại Olympics, 70.000 hay 80.000 vận động viên trên khắp thế giới sẽ tới Nhật Bản. Điều này có thể gây ra một thảm họa mới vào mùa Hè," Takasu nói.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)