Người dân đón Giáng sinh sớm trên phố Hà Nội
Lễ Giáng sinh hay lễ Thiên Chúa giáng sinh, Noel hay Christmas, là dịp kỷ niệm ngày Chúa Jesus được sinh ra, theo Catholic Herald. Theo phần lớn các tín hữu Kitô giáo, Chúa Jesus được sinh tại Bethlehem thuộc xứ Judea, Đế quốc La Mã (ngày nay là một thành phố của Palestine), vào khoảng giữa năm 7 và năm 2 TCN.
Giáng sinh và lễ Noel đều có nghĩa như nhau. Cụm từ Noel có gốc từ tiếng La-tinh "nãtãlis" có nghĩa là ngày sinh. Tuy nhiên, tài liệu ghi trong sách Phúc âm Matthew nói rằng, tên gọi Noel xuất phát từ tước hiệu Emmanuel, tiếng Do Thái có nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta". Trong tiếng Anh, ngày lễ này được gọi phổ biến là Christmas, "christ" có nghĩa là "Đấng được xức dầu", tước hiệu của Chúa Jesus, còn "mas" nghĩa là thánh lễ.
Lễ Giáng Sinh được chia làm 4 lễ gồm lễ Vọng Giáng Sinh, lễ Đêm, lễ Rạng Đông và lễ Ngày. Thông thường, lễ Giáng sinh được tổ chức từ đêm ngày 24/12 cho tới hết ngày 25/12 bởi người Do Thái cho rằng, một ngày mới bắt đầu từ lúc hoàng hôn.
Thánh lễ Vọng dịch từ vigil, gốc Latin vigilia, có nghĩa là buổi canh thức, giờ canh thức. Canh thức Giáng Sinh vào đêm rạng ngày Chúa giáng sinh để cầu nguyện trong tâm tình chờ mong Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh. Điểm nhấn của buổi canh thức này là cử hành lễ tạ ơn, gọi là lễ Canh Thức Giáng Sinh.
Vào đêm đó, tất cả các địa điểm như thánh đường hay mỗi hộ gia đình Công giáo đều trang trí hang đá với máng cỏ, bên trong có tượng chúa Hài đồng và tượng Đức Mẹ Maria, xung quanh là những chú lừa, tượng Ba Vua, một số thiên thần, thánh Giuse... Theo Kinh thánh, Mẹ Maria sinh chúa Jesus trong hang đá, bọc trong tã và đặt trong máng cỏ vì không có chỗ trong nhà trọ.
Ngày 24/12/2017, Đức Giáo hoàng Francis cử hành Thánh lễ Vọng trước sự hiện diện của hơn 8.000 tín hữu tại Nhà thờ Thánh Pedro, một trong bốn nhà thờ lớn nhất ở Vatican. Đồng tế với Giáo hoàng là 40 Hồng y, 25 Giám mục và 250 linh mục.
Đầu thánh lễ, Giáo hoàng đặt tượng Chúa Hài Đồng Jesus vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính. Gần bàn thờ có đặt một tượng bằng gỗ nhiều màu hình Đức Mẹ đang ẵm Chúa Hài Đồng. 12 em bé từ 6 đến 11 tuổi từ các nước mặc y phục cổ truyền của 9 nước và đặt các bó hoa cạnh tượng Chúa Hài Đồng. Khi bài ca Vinh Danh được xướng lên, tất cả các chuông của Nhà thờ Thánh Pedro được đánh lên cùng với đàn phong cầm.
Giáo hoàng Francis sẽ chủ trì Thánh lễ Vọng Giáng sinh năm nay vào 21h30 ngày 24/12 với sự hiện diện của khoảng 15.000 tín hữu tại Nhà thờ Thánh Pedro. Vé tham dự đều được phát miễn phí nhưng do số lượng người mong muốn dự Thánh lễ quá lớn nên các tín hữu thường đặt vé trước 2-6 tháng. Những người không có vé có thể tham dự cùng đám đông bên ngoài tại Quảng trường Thánh Pedro.
Giáo hoàng Francis cử hành Thánh lễ Vọng Giáng sinh đêm 24/12/2017. Video: AP. |
Ngày 24/12 còn gắn liền với sự ra đời của cây thông Giáng sinh. Theo lịch sử, vào giữa năm 2000 và 1200 TCN, người ta đã nói về một loại cây thông Epicea được trang trí bởi hoa, quả và lúa mì gắn liền với ngày 24/12, ngày tái sinh của Mặt trời. Vào thế kỷ thứ VII, Thánh Boniface (sinh năm 680), một nhà tu hành người Anh, trên đường hành hương tình cờ gặp một nhóm ngoại đạo tập trung quanh một cây sồi lớn và dùng một đứa trẻ để tế thần.
Ðể ngăn cản buổi tế thần và cứu đứa trẻ, Boniface đã hạ gục cây sồi bằng một cú đấm. Tại nơi đó đã mọc lên một cây thông nhỏ. Thánh Boniface nói với họ rằng cây thông nhỏ là cây của sự sống và tượng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng của Chúa cứu thế. Từ đó, người ta trồng cây thông con để dùng trong lễ Giáng sinh, biểu tượng của niềm hy vọng và sức sống mới.
Lễ Giáng sinh ban đầu là của những người theo đạo Kitô nhưng theo thời gian và qua các lễ hội của phương Tây, người ta tổ chức lễ Giáng sinh ngày càng linh đình. Hiện nay, lễ Giáng sinh được xem là một ngày lễ quốc tế, với ông già Noel, cây Giáng sinh và cây thông noel. Ngoài ý nghĩa theo đạo Thiên Chúa, Giáng sinh còn là ngày lễ gia đình, ngày để tụ tập quây quần mọi người, mọi thế hệ trong gia đình.
Theo Huyền Lê (VnExpress.net)