Tháng 3 ghi nhận một kỷ lục chưa từng có, khiến hàng loạt chuyên gia gióng hồi chuông báo động về xu hướng không thể đảo ngược

10/04/2024 07:40:33

Tuy là kỷ lục nhưng thông tin này không theo chiều hướng tốt.

Tháng 3 ghi nhận một kỷ lục chưa từng có, khiến hàng loạt chuyên gia gióng hồi chuông báo động về xu hướng không thể đảo ngược

Ngày 9/4, các nhà khoa học xác nhận rằng tháng 3 là tháng nóng kỷ lục, kéo dài đợt nắng nóng bất thường trên toàn cầu. Tình thế làm dấy lên những lời kêu gọi khẩn cấp cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, nguyên nhân khiến trái đất nóng lên.

Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh Châu Âu (EU) cho biết tháng 3 là tháng thứ 10 liên tiếp có nhiệt độ nóng hơn bao giờ hết so với các tháng 3 trong quá khứ. Tình trạng này đã duy trì từ tháng 6 năm ngoái.

Cơ quan giám sát khí hậu của EU cho biết tháng 3 nóng hơn 1,68 độ C so với tháng 3 trung bình trong khoảng thời gian tiền công nghiệp từ năm 1850 đến năm 1900. Tháng 3 năm nay nóng hơn 0,1 độ C so với mức cao trước đó được ghi nhận vào tháng 3/2016.

Phó giám đốc Samantha Burgess của C3S cho biết: “Tháng 3 năm 2024 tiếp tục xô đổ chuỗi các kỷ lục về cả nhiệt độ không khí lẫn nhiệt độ bề mặt đại dương”.

Bà cho biết thêm rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu đang cao nhất trong lịch sử, với 12 tháng qua cao hơn 1,58°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Xu hướng nóng lên toàn cầu được nhận định là khó có thể đảo ngược. Việc kìm hãm tình trạng nóng lên đòi hỏi phải giảm thật nhanh lượng khí thải nhà kính.

Nhiệt độ cực cao có nhiều khả năng xảy ra do khủng hoảng khí hậu, với nguyên nhân chính là từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Nhà nghiên cứu khí hậu Chloe Brimicombe tại Đại học Graz của Áo nói rằng việc nhiệt độ toàn cầu đạt kỷ lục là bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra. Thế giới đang chứng kiến những đợt nắng nóng cực độ, bão, lũ lụt ở nam bán cầu. Giá cacao toàn cầu tăng vọt do hiện tượng thời tiết nắng nóng gay gắt và mưa nhiều ảnh hưởng đến mùa màng. Tuyết rơi dưới mức trung bình ở châu Âu và sông băng được dự đoán sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này.

Thông tin về khí hậu hàng tháng mới nhất của C3S được công bố ngay sau khi cơ quan thời tiết của Liên hợp quốc đưa ra “cảnh báo đỏ” cho thế giới. Cơ quan này cho biết một loạt kỷ lục về khí hậu năm ngoái đang nằm ngoài bảng xếp hạng.

Trong báo cáo thường niên “State of the Global Climate”, các nhà nghiên cứu tại Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) xác nhận năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận. Giai đoạn từ 2014 đến 2023 cũng là 10 năm nóng nhất từ trước đến nay.

Các nhà nghiên cứu của WMO cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2023 đạt mức 1,45 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thấp hơn một chút so với ngưỡng 1,5 độ C. Mức 1,5 độ C được coi như mốc cảnh báo tác động của khí hậu trở nên có hại cho con người và hành tinh.

Theo Thiên Di (Nhịp Sống Thị Trường)

Nổi bật