Trong thập kỷ qua, công nghệ máy bay không người lái (UAV) đã phát triển với tốc độ chóng mặt, với các cường quốc mới nổi như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và UAE. Khi công nghệ UAV trở nên tiết kiệm và dễ tiếp cận hơn thì một loạt các bên đang “tham vọng” tham gia vào thị trường này, mang lại cả lợi nhuận kinh tế và địa chính trị.
Từ toan tính của Iran
Giới chuyên gia nhận định có hai yếu tố giải thích cáo buộc Iran xuất khẩu UAV sang Nga.
Đầu tiên, nó xuất phát từ nhu cầu của Moscow về một hệ thống UAV giá rẻ. Ví dụ, Shahed-186 có giá chỉ 20.000 USD (nếu so với tên lửa hành trình Kalibr Nga có giá 1 triệu USD). Mặc dù có giá thành rẻ nhưng Shahed vẫn giữ được những tính năng quan trọng, bao gồm khả năng tránh sự phát hiện của radar và hoạt động ở phạm vi lên tới 1.500 dặm (hơn 2.400km).
Các nhà sản xuất của Nga như Tập đoàn Kronstadt có một số mô hình UAV tải trọng lớn và kết hợp các tính năng tiên tiến như khả năng liên lạc vệ tinh phạm vi xa, nhưng chúng hiện vẫn chưa được sản xuất. Những loại khác như vũ khí cảm tử tự động Kalashnikov KUB hay ZALA Lancet lại chỉ có tầm bắn ngắn và đầu đạn nhỏ.
Khi quốc tế chú ý đến cuộc không kích của Nga, các vũ khí của Iran đã có dịp “phô diễn” và thu hút sự chú ý của các khách hàng tiềm năng, đặc biệt tại các quốc gia gặp khó khăn trong mua bán vũ khí. Hoạt động này có thể giúp thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí của Tehran hướng tới vai trò nổi bật hơn như một nhà xuất khẩu vũ khí lớn.
Bên cạnh đó, lợi ích chiến lược của Iran trong việc thay đổi trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu và tăng cường ảnh hưởng địa chính trị của nước này. Iran nhìn thấy ở Ukraine một cơ hội để tấn công các lợi ích gián tiếp của Mỹ và đồng minh phương Tây “không thân thiện” với Tehran.
Đến “ngoại giao UAV” của Thổ Nhĩ Kỳ
Thành công của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc phát triển một chương trình xuất khẩu máy bay không người là chỉ dẫn cho Iran. Mục tiêu “ngoại giao UAV” của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nhằm mở rộng các mối quan hệ chính trị, quân sự và kinh tế có lợi cho nước này, cho phép Ankara thúc đẩy các kết nối khu vực và toàn cầu.
Thổ Nhĩ Kỳ từng phụ thuộc vào các UAV do Mỹ và Israel sản xuất cho đến đầu những năm 2010, khi các nhà lập pháp Mỹ miễn cưỡng bán cho Ankara. Tổng thống Erdoğan đã thúc đẩy phát triển năng lực trong nước để sản xuất UAV và các sản phẩm công nghiệp quốc phòng liên quan.
Đến năm 2015, công ty quốc phòng tư nhân Baykar đã tiến hành các thử nghiệm thành công về khả năng tấn công chính xác cho mẫu máy bay chiến đấu không người lái TB2.
Tiếp đó, Baykar đạt những cột mốc quan trọng như phát triển khả năng thực hiện các cuộc không kích do vệ tinh điều khiển, hoàn thành chuyến bay đầu tiên sử dụng động cơ sản xuất trong nước và bay máy bay không người lái liên tục trong hơn 24 giờ.
Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng đưa UAV của mình tham chiến như các cuộc không kích vào người Kurrd năm 2019 ở Syria và Iraq. Tại Libya, các UAV STM Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh lui lực lượng quân đội Quốc gia Libya do tướng Khalifa lãnh đạo vào năm 2020. Cùng năm đó, các lực lượng Azerbaijan đã sử dụng máy bay không người lái TB2 của Ankara chống lại các phương tiện và quân đội Armenia.
Năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao Bayraktar TB-2 cho chính phủ Ethiopia trong cuộc chiến chống lại Lực lượng Phòng vệ vũ trang Tigray. Chính quyền Erdoğan sau đó đã ký một hiệp ước quân sự với Addis Ababa.
Hệ quả đáng quan ngại
Ngày càng nhiều quốc gia mới nổi tận dụng công nghệ kỹ thuật số và vũ khí tinh vi để cạnh tranh ảnh hưởng và quyền lực. Điều này tạo sự rạn nứt địa chính trị lớn hơn trên cơ sở tham chiếu các chuẩn mực tự do và luật nhân đạo quốc tế.
Trong khi các nhà sản xuất như Mỹ, châu Âu phải đối mặt với những quy định hạn chế bán cho khách hàng do số liệu dân thường thương vong trong các đợt không kích thì Thổ Nhĩ Kỳ và Iran không chịu bất cứ ràng buộc nào.
Tại Ethiopia, các quan chức Liên Hợp Quốc cáo buộc rằng quân đội đã thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của nước ngoài gây thương vong lớn cho dân thường.
Giờ đây, tại Ukraine, việc các bên sử dụng UAV tiến hành các cuộc tấn công đã gây những lo ngại tương tự. Đồng thời, giới quan sát nhận định liệu đây có phải là mặt trận tiếp theo để các nhà sản xuất phô bày tham vọng địa chính trị mang tên “máy bay không người lái” của mình.
Theo Bảo Huy (VietNamNet)