Thảm sát vì tranh chấp đất đai ở Nigeria, 86 người chết

25/06/2018 13:36:34

Mâu thuẫn về đất nông nghiệp làm bùng nổ xung đột đẫm máu giữa người Fulani và người Berom ở Nigeria.

Thảm sát vì tranh chấp đất đai ở Nigeria, 86 người chết
Một người Fulani đang cho gia súc uống nước.

Cảnh sát Nigeria hôm 23/6 phát hiện 86 thi thể tại vùng Barikin Ladi, bang Plateau, sau các cuộc xung đột bạo lực giữa bộ tộc du mục Fulani và nông dân người Berom vì tranh chấp đất đai. Các cuộc đụng độ giữa hai nhóm còn khiến 6 người bị thương và 50 ngôi nhà bị phá hủy, AFP đưa tin.

Sự việc được cho là bắt nguồn từ cuộc tấn công hôm 21/6 của nông dân Berom nhắm vào 5 người Fulani khi họ đang chở gia súc trên đường. Ngay hôm sau, hai trẻ em Berom đã bị giết hại, dường như là hành động trả thù của bộ tộc du mục Fulani.

Các hành động trả thù và tấn công bạo lực leo thang giữa hai dân tộc, thể hiện mâu thuẫn kéo dài về quyền kiểm soát đất đai nông nghiệp và các nguồn tài nguyên ở Nigeria.

Bên cạnh tranh chấp đất đai, nguyên nhân quan trọng khác khiến hai dân tộc mâu thuẫn là người Fulani đều theo đạo Hồi, còn hầu hết người Berom đều theo đạo Thiên chúa. Tình trạng bạo lực đã trở nên quen thuộc tại Plateau cũng như những địa phương khác và chính quyền dường như không thể ngăn chặn. 

Văn phòng Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari hôm qua cho biết ông "đã kêu gọi bình tĩnh và đảm bảo nỗ lực hết sức" để đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra pháp luật và ngăn chặn các cuộc tấn công gia tăng. Chính quyền bang Plateau cũng đã hạn chế việc đi lại tại các khu vực Riyom, Barikin Ladi và Jos South "để ngăn chặn vi phạm pháp luật và trật tự".

"Lệnh giới nghiêm có hiệu lực ngay lập tức, và việc đi lại bị hạn chế từ 18h đến 6h sáng hôm sau, trừ những người có nhiệm vụ cần thiết", phát ngôn viên Rufus Bature phát biểu. 

Vụ thảm sát là diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa người Berom và Fulani, khiến Tổng thống Buhari chịu nhiều áp lực khi các cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm sau. 

Các nhà phân tích tin rằng mâu thuẫn này có thể trở thành mối lo ngại an ninh lớn nhất của Nigeria, vượt qua cả nguy cơ từ nhóm khủng bố Boko Haram khiến ít nhất 20.000 chết kể từ năm 2009.

Theo Ánh Ngọc (VnExpress.net)

Nổi bật