Cuối cùng thì trước sự phản ứng gay gắt của dư luận, Thủ tướng Romania S. Grindeanu buộc phải tuyên bố sẽ hủy bỏ sắc lệnh gây tranh cãi miễn truy tố và trả tự do cho một loạt chính trị gia bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông S. Grindeanu cho biết, chính phủ nước này sẽ tổ chức một cuộc họp trong ngày 5-2 để bãi bỏ sắc lệnh nêu trên. Ông S. Grindeanu nhấn mạnh rằng ông không muốn đất nước bị chia rẽ vì sắc lệnh này. Đây có thể được coi là động thái nhượng bộ của người đứng đầu Chính phủ Romania nhằm cứu vãn nguy cơ bùng nổ xã hội trước nạn tham nhũng ở nước này.
Là quốc gia được coi là nghèo nhất trong Liên minh châu Âu (EU) nhưng Romania lại phải đối mặt với nạn tham nhũng trong giới chức cấp cao. Trong mấy năm gần đây, chính quyền nước này đã bắt giữ hàng chục quan chức chính phủ cùng các doanh nhân dính vào tham nhũng. Năm ngoái, Thủ tướng V. Ponta đã phải ra đi sau khi bị cơ quan điều tra chống tham nhũng thuộc Viện Công tố Romania (DNA) cáo buộc các tội gian lận, trốn thuế và rửa tiền, trong đó có vụ nhận 55.000 euro từ nghị sỹ có quan hệ mật thiết D. Sova. Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương B. Olteanu cũng bị bắt giữ vì nhận hối lộ 1,1 triệu USD khi đang còn nắm chức Chủ tịch Quốc hội.
Trong bối cảnh xã hội bức xúc với nạn tham nhũng như vậy, Thủ tướng Romania S. Grindeanu lại có vẻ nhẹ tay. Ngay sau khi lên nắm quyền, cuối tháng Giêng vừa rồi, ông S. Grindeanu đã ký sắc lệnh cho phép miễn truy tố hình sự và không áp dụng án tù đối với các vụ việc tham nhũng có số tiền dưới 200.000 lei (khoảng 48.000 USD), đồng thời dự kiến ân xá cho 2.500 tù nhân, trong đó có các các chính trị gia đã thụ án 5 năm vì những tội danh phi bạo lực.
Theo lý giải của Bộ trưởng Tư pháp Romania F. Iordache, sắc lệnh của Thủ tướng S. Grindeanu sẽ giúp giảm tải cho các nhà tù đang bị quá tải hiện nay. Tuy nhiên, dư luận cho rằng quyết định của Thủ tướng S. Grindeanu sẽ giúp hàng chục chính trị gia Romania, trong đó có lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (PSD) cầm quyền tại Romania - ông L. Dragnea, thoát tội sau khi bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản Nhà nước. Ông L. Dragnea chính là người đã giúp đưa ông S. Grindeanu lên nắm quyền.
Ý đồ đằng sau quyết định của chính phủ hiện nay còn thể hiện ở chỗ, trong quá trình tranh cử Quốc hội, đảng Dân Chủ (PSD) đã không nêu lên vấn đề sửa đổi luật Hình sự. Tuy vậy, khi nắm được quyền, PSD và Thủ tướng S. Grindeanu đã bắt tay ngay vào lĩnh vực nhạy cảm này và cố thông qua một cách kín đáo, không đưa ra bàn thảo trước công luận hai sắc lệnh khẩn cấp trên liên quan đến miễn truy tố hình sự một số tội tham nhũng cũng như ân xá một số đối tượng tham nhũng.
Khỏi phải nói quyết định của Thủ tướng S. Grindeanu gây bất bình trong xã hội thế nào. Một loạt cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra trên khắp đất nước Romania trong những ngày qua. Những người biểu tình cáo buộc rằng “chính phủ đang ngấm ngầm muốn hợp pháp hóa tội tham nhũng”, đồng thời khẳng định sẵn sàng tham gia biểu tình mỗi đêm. Tổng thống Romania K. Iohannis thì kêu gọi trưng cầu ý dân về sắc lệnh khẩn cấp ân xá cho các cựu chính trị gia bị kết tội tham nhũng mà Thủ tướng S. Grindeanu thúc đẩy thông qua tại Quốc hội nhưng không cần chữ ký của Tổng thống.
Quyết định hủy bỏ sắc lệnh miễn truy tố và trả tự do cho một loạt chính trị gia bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản Nhà nước của Thủ tướng Romania S. Grindeanu đã giúp làm dịu bớt tình hình, nhưng nó không giúp xóa bỏ được nạn tham nhũng mà chỉ cho thấy rõ thêm căn bệnh này gây nhức nhối đối với nước này thế nào.
Theo Hoàng Sơn (An Ninh Thủ Đô)