Sức mạnh của vụ nổ phát ra từ tàu ngầm Kursk tương đương một trận động đất 4,2 độ Richter và vang tới tận Alaska của Mỹ.
"Tại sao lại không cứu được thủy thủ đoàn?" - Câu hỏi được đặt ra với sự kiện xảy ra ngày 12 tháng 8 năm 2000 ở biển Barents vẫn còn để ngỏ nhiều năm nay, sau khi thảm kịch xảy ra. Lúc đó, là ngày thứ ba trong đợt diễn tập của Hải quân Nga.
Chiếc tàu ngầm "Kursk" mang số hiệu K-141 là chiếc tầu ngầm nguyên tử có kích thước gấp đôi chiếc máy bay cỡ lớn - nhìn qua, nó giống như là một khúc gỗ không gì có thể lay chuyển nổi.
Tàu ngầm Kursk |
Từ đó đến nay đã có nhiều thông tin, giả thuyết nói về sự kiện này. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của tác giả Olesya Kurdyukova đăng trên eg.ru ngày 13/7/2017 để bạn đọc tham khảo thêm.
Tiếng nổ vang đến tận Alaska
Phục vụ trên chiếc tàu ngầm “Kursk” là thủy thủ đoàn gồm 118 người. Ngày 11 tháng 8, từ chiến hạm "Piotr Đại đế"- một chiếc tàu mặt nước cùng tham gia diễn tập- người ta theo dõi những công việc do "Kursk" thực hiện.
“Kursk” đã hoàn thành khoa mục bắn các tên lửa và chuyển sang khoa mục khác là phóng ngư lôi giả định vào mục tiêu tàu mặt nước. Nhưng cho tới ngày 12/8, ba tàu ngầm khác đã hoàn thành công việc, trong khi đó thì "Kursk" vẫn im hơi lặng tiếng.
Vụ nổ xảy ra vào lúc 11:28 (giờ địa phương)- mạnh đến nỗi người ta có thể ghi nhận được dư chấn của nó ở tận Alaska (Mỹ).
Các chuyên gia nói rằng sức mạnh của vụ nổ tương đương với một trận động đất 4,2 độ Richter.
Sau đó hơn 2 phút đã xảy ra vụ nổ thứ hai. Mọi liên lạc với tàu ngầm đã hoàn toàn đình trệ và vào cuối ngày hôm đó, "Kursk" được công bố "tình trạng tai nạn".
Ngày 13/8, các thiết bị định vị dưới nước đã tìm thấy vị trí tàu “Kursk” gặp nạn dưới đáy đại dương. Lực lượng cứu hộ trên tàu "Piotr Đại đế" đã nghe thấy những tiếng gõ giống như tín hiệu SOS.
Người ta đã cử hai chiếc tàu "Altai" và "Rudnicki" đến nhằm cung cấp điện và ôxy cho các thủy thủ trên chiếc tàu bị đắm. Ba lần nỗ lực đưa những thủy thủ ra khỏi tàu ngầm với sự hỗ trợ của các phao cứu hộ đều không thành công.
Không thể tiếp cận với 2 trong số 3 cửa thoát hiểm trên tàu "Kursk". Lối thoát duy nhất có thể là cửa thứ ba, nằm ở khoang số chín, nơi được thiết kế một cửa thoát hiểm đặc biệt.
Song tầm nhìn hạn chế tới mức gần như không nhìn thấy gì và những luồng chảy ngầm quá mạnh đã cản trở việc giải cứu thủy thủ từ chiếc tàu bị chìm.
Một phần xác tàu ngầm Kursk sau khi được trục vớt từ biển Barents |
Những tín hiệu cấp cứu vẫn còn xuất hiện sau 5 ngày nữa. Chính phủ vẫn tin rằng các thủy thủ còn có thể sống sót ít nhất 5-6 ngày nữa, cho nên vẫn còn thời gian để làm công tác cứu hộ. Song tất cả những nỗ lực mới đều thất bại do thời tiết xấu.
Ngày 20/8, các chuyên gia Na Uy bắt tay vào công việc cứu hộ. Họ đã vặn được van của tàu "Kursk", nhưng không thể nhấc được nắp ra.
Ngày 21/8 mới mở được nắp vào tàu, nhưng người ta không được tìm thấy những người sống sót.
Những âm thanh SOS bí ẩn
Vladimir Ustinov, người từng giữ cương vị Viện trưởng Viện kiểm sát Tối cao Nga từ năm 2000 đến 2006, trong cuốn sách của ông "Sự thật về tàu ngầm "Kursk"" đã viết rằng các thủy thủ trên tàu ngầm đã hy sinh từ rất lâu trước khi có các hoạt động cứu hộ.
Theo ông, sau vụ nổ thứ hai, các thủy thủ từ các khoang số 6, số 7 và số 8 đã di chuyển sang khoang số 9, nơi có khả năng sống sót tiềm tàng hơn, và họ đã bị chết ngạt tại đó vì ở đó có rất nhiều khí carbon monoxide.
Sau khi cuốn sách này được phát hành, luật sư Boris Kuznetsov cũng đã nêu lên ý kiến cá nhân: "Sự thật về tàu "Kursk"cũng đã bị chìm xuống, một khi Viện trưởng kiểm sát Ustinov đã cố tình giấu diếm".
Kuznetsov nói: Dù ông Ustinov đã bao nhiêu lần lặp đi lặp lại sự dối trá của ông rằng các thủy thủ tàu ngầm “Kursk” đã chết rất nhanh chóng, thì những khẳng định của ông ta cũng không thể nào trở thành sự thật được.
Theo ý kiến của luật sư Kuznetsov, những người bị nhốt trong chiếc tàu bị chìm đã hoảng loạn dùng búa hoặc những vật nặng nào đó gõ lên vách của con tàu ít nhất là trong suốt hai ngày đêm.
Những tín hiệu SOS của họ đã được tàu "Piotr Đại đế" thu được và ghi lại.
Chuẩn úy hải quân tàu "Piotr Đại đế" nói gì?
Khi nói về các sự kiện của ngày hôm đó, Chuẩn úy hải quân Fyodor N. nói rằng ông có nghe thấy các tín hiệu.
Đó là những tín hiệu rất yếu, giống như những tín hiệu cấp báo. Ông thậm chí còn cho rằng đó là những tiếng gõ của vật cứng lên sắt.
Nhưng sau này, ông mới được biết các tín hiệu đó được phát ra không phải từ tàu “Kursk”- Bởi vì những người sống sót duy nhất chỉ còn lại trong khoang số 9, và một ngày sau đó họ đã chết, như thực tế đã chứng minh.
Và cuộc điều tra đã không thể xác minh được ai là người đã phát đi các tín hiệu trên
Giả thuyết nổ ngư lôi
Trong cuốn "Bến cảng hoang vắng" của Vladimir Shigin (Nhà văn Hải quân Nga- ND) có nói rằng vào ngày 12/8, tàu ngầm “Kursk” có nhiệm vụ phải phóng ngư lôi giả định vào mục tiêu tàu mặt nước.
Tác giả giải thích rằng loại ngư lôi này đã được Hải quân Nga sử dụng hơn hai thập kỷ nay. Tuy nhiên, ngư lôi trên tàu "Kursk" có khác biệt so với các model trước đây ở chỗ chúng được trang bị hệ thống pin khác.
Phần thân tàu ngầm Kursk bị xé nát |
Vào ngày có tin chính thức về vụ tai nạn, đại diện của nhà máy chế tạo con tàu và bộ phận tiếp nhận của quân đội cũng đã có mặt tại chỗ xảy ra sự việc.
Có thông tin cho rằng, Gennady Lyachin- chỉ huy tàu ngầm “Kursk”- đã yêu cầu xin phép được phóng quả ngư lôi đang bị trục trặc.
Nhưng tác giả của cuốn sách không khẳng định giả thiết này. Shigin viết rằng, giả sử Lyachin thực sự có thông báo với cấp trên về tình trạng có sự cố trên tàu ngầm, thì chắc chắc việc phóng ngư lôi có thể đã bị hủy bỏ hoặc phải hoãn lại đến một thời điểm khác.
Bây giờ thì tất cả chúng ta đều biết rằng chiếc tàu ngầm nguyên tử bị đắm do vụ nổ ngư lôi trong khoang số 1. Song nguyên nhân gốc rễ vẫn còn chưa rõ ràng.
Ngư lôi không thể tự phát nổ, bởi vì các kỹ sư đã lắp đặt một hệ thống bảo vệ nhiều tầng. Điều duy nhất có thể đóng vai trò như một chất xúc tác là phải có một lực tác động rất mạnh từ bên ngoài.
Có thể đó là một cú húc dưới nước. Về mặt lý thuyết, điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi tàu ngầm của Nga đang nổi lên, còn tàu nước ngoài lại đang lặn xuống, nếu như điều đó là có thật.
3 giả thuyết, 3 câu đố
Theo giả thuyết đầu tiên- giả thuyết rõ ràng nhất, và đã được chính phủ Nga chính thức công nhận: Tàu K-141 đã bị chìm xuống đáy biển do những vụ nổ ngư lôi chứa trên con tàu.
Quả ngư lôi 65-76A "Kit" (cá voi-ND) đã phát nổ trong ống ngư lôi №4, sau khi bị rò rỉ nhiên liệu, do đó kích hoạt, gây phát nổ cho quả ngư lôi thứ hai.
Giả thuyết thứ hai được đưa ra bởi tham mưu trưởng của Hạm đội Biển Bắc Mikhail Motsak và Tư lệnh Hạm đội Vyacheslav Popov, cho rằng "Kursk" đã trải qua một vụ va chạm với tàu ngầm khác - khả năng là tàu ngầm của Mỹ hoặc Anh.
Phó Đô đốc Motsak nói: gần với vị trí của tàu ngầm “Kursk” có "vô khối những bằng chứng gián tiếp về sự hiện diện của một vật thể khác ngầm dưới nước, cũng có thể là đang gặp trục trặc".
Theo ông thì vật thể “ngoại” trên đã được thiết bị dò âm thanh dưới nước trên tàu “Piotr Đại đế” phát hiện. Ngoài ra, các thủy thủ tham gia vào việc tháo dỡ các phao cứu hộ từ dưới nước lên cũng nhận thấy điều đó.
Chân dung các thủy thủ và sĩ quan tàu ngầm Kursk |
Trong giả thuyết thứ ba (cựu Phó Thủ tướng Nga Ilya Klebanov nghiêng về giả thuyết này), cho rằng "Kursk" đã vướng phải mìn chống tàu ngầm có từ thời Thế chiến thứ hai, và do đó đã kích hoạt, gây ra các vụ nổ của ngư lôi trên tàu.
Nhưng các chuyên gia cho rằng ngay cả một vụ nổ hạt nhân nhỏ cũng không đủ để phá hủy chiếc tàu ngầm đồ sộ này, vì vậy giả thuyết này dường như không đứng vững.
Khi nào thì bức màn "bí mật" mới được vén lên?
Khoảng 15 năm sau khi thảm kịch xảy ra, xuất hiện thông tin là Chính phủ đang chuẩn bị tổ chức một Ủy ban nhằm xác định khả năng tiết lộ nguyên nhân thực sự về tai nạn của tàu "Kursk".
Thời hạn trên dấu niêm phong bí mật đã được đóng là 30 năm, nhưng theo thông báo của người đứng đầu Trung tâm Lưu trữ của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga Igor Permyakov thì tài liệu về thảm kịch tàu “Kursk” có thể sẽ được mở ra sớm hơn - nếu có quyết định của Chính phủ.
Theo Nguyễn Quang (Đất Việt)