Thảm kịch Itaewon: Người nước ngoài tìm người thân khó khăn như 'mò kim đáy bể'

01/11/2022 08:20:46

Khả năng tiếp cận thông tin hạn chế và rào cản ngôn ngữ khiến việc tìm kiếm thân nhân bị nạn trong đêm Halloween kinh hoàng ở thủ đô Seoul đối với những người nước ngoài trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Thảm kịch Itaewon: Người nước ngoài tìm người thân khó khăn như 'mò kim đáy bể'
Du khách nước ngoài bị mất bạn bè trong đám đông mắc kẹt hôm 29/10 rơi nước mắt khi ngồi trước khu tưởng niệm các nạn nhân được thiết lập tại ga Itaewon, trung tâm thủ đô Seoul. Ảnh: Korea Times.

Một người đàn ông Iran thất thần đứng trước nơi tưởng niệm được lập tại ga Itaewon, chỉ cách nơi xảy ra vụ giẫm đạp kinh hoàng, giết chết ít nhất 154 người và khiến hàng trăm người khác bị thương vào tối 29/10 vài m. Anh có mặt tại đây để chia buồn với những người bạn Iran của mình đã chết trong thảm kịch đêm hôm đó.

"Tôi biết 4 người trong số họ (5 người Iran được tìm thấy đã chết trong vụ việc)", người đàn ông nói với The Korea Times. "Và sau đó chúng tôi đã phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để biết về thông tin những người bạn của mình. Họ còn sống không? Họ đang ở đâu?"

Người đàn ông kể lại rằng anh nhận được tin dữ vào khoảng 15h chiều hôm sau khoảng 10 tiếng đồng hồ ngồi chỉ biết cắn móng tay chờ đợi.

"Một số người bạn Hàn Quốc đã giúp chúng tôi tìm tên của họ trong danh sách nạn nhân thương vong và liên hệ với các bệnh viện. Chúng tôi dần phát hiện cả 4 người đã không thể sống sót.", anh kể lại và vẫn không thể tin rằng những người bạn của mình đã chết.

Maram Ben Hamouda, 20 tuổi, sinh viên Pháp tại Đại học Hanyang, cũng đến khu tưởng niệm để tưởng nhớ những người bạn bè đã khuất. Cô cho biết không nghe tin gì về bạn mình kể từ khi họ bị lạc trong đám đông tối 29/10 và chỉ biết về cái chết của bạn vào sáng 31/10 trong giờ học tiếng Hàn.

Thảm kịch Itaewon: Người nước ngoài tìm người thân khó khăn như 'mò kim đáy bể' - 1
Những người nước ngoài đặt những bông hoa màu trắng để chia buồn tại một khu tưởng niệm được thiết lập tại Ga Itaewon, trung tâm thủ đô Seoul. Ảnh: Korea Times.

Hamouda cho biết, trước đó một trong những người bạn của cô đã cố gắng thông báo về sự mất tích của những người kia trong khi một số khác đã đăng lên mạng xã hội để hỏi tung tích của họ.

Tuy nhiên, mới sáng nay, giáo sư của cô đã chia sẻ tin tức bi thảm trong nước mắt.

"Họ rất vui khi được học tập tại Hàn Quốc và họ yêu thích K-pop cũng như những bộ phim Hàn. Chúng tôi đã trao đổi rất nhiều trong dự án của mình về điều này", cô nói.

Hamouda cũng tâm sự rằng nhiều người quen là đồng hương của cô ở đây rất khó khăn để tìm kiếm những người thân bị mất tích trong đám đông hỗn loạn. "Tôi biết một số bạn bè của những người bạn đã chết và họ chỉ biết về cái chết của bạn mình vào ngày hôm sau", cô nói.

Tìm kiếm người thân mất tích là điều đau xót đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, quá trình này còn mang đến nhiều đau khổ hơn cho những người nước ngoài bởi vấn đề rào cản ngôn ngữ và sự hạn chế về thông tin vụ thảm họa, tờ Korea Times đăng tải.

Đáp lại, Chính quyền Thủ đô Seoul bắt đầu cung cấp dịch vụ phiên dịch bằng tiếng Anh, Trung, Nhật và tiếng Việt trên Tổng đài 120 Dasan. Trung tâm cộng đồng Hannam-dong ở quận Yongsan, nơi có hơn 4.442 trường hợp mất tích được bạn bè và gia đình báo cáo, đã cung cấp bản dịch tiếng Anh trực tiếp cho người nước ngoài.

Tính đến thứ Hai, 31/10, 153 trong số 154 người chết đã được xác định, trong đó có 26 công dân nước ngoài. Những người thiệt mạng bao gồm 5 người Iran, 4 người Trung Quốc, 4 người Nga, 2 người Mỹ, 2 người Nhật Bản và một người đến từ Pháp, Australia, Na Uy, Áo, Việt Nam, Thái Lan, Kazakhstan, Uzbekistan và Sri Lanka.

Quá trình nhận dạng người nước ngoài cũng không hề dễ dàng. Vào 6 giờ chiều ngày 30/10, Trụ sở Đối phó Thảm họa và An toàn Trung ương Hàn Quốc (CDSCH) báo cáo có 20 người nước ngoài tử vong, trong khi cảnh sát thông báo 26 người nước ngoài bị nhận dạng nhầm là công dân Hàn Quốc. CDSCH sau đó đã sửa chữa con số này một cách khá muộn.

Trong cuộc họp của Ủy ban Đối ngoại và Thống nhất tại Quốc hội hôm 31/10, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin cho biết Bộ đã tổ chức bốn cuộc họp khẩn cấp và đang phối hợp chặt chẽ với các đại sứ quán nước ngoài tại Hàn Quốc để liên lạc với gia đình của những công dân nước ngoài đã qua đời và giúp đỡ họ đến Hàn Quốc.

Các đại sứ quán tại Hàn Quốc cũng đang nỗ lực giúp đỡ những người tìm kiếm người thân mất tích và giúp đỡ các gia đình có nạn nhân trong thảm họa. Đại sứ quán Mỹ, Pháp, Anh tại Seoul cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình và nỗ lực giúp đỡ những người đang tìm kiếm người thân bị mất tích.

Thảm kịch Itaewon: Người nước ngoài tìm người thân khó khăn như 'mò kim đáy bể' - 2
Bạn bè treo ảnh của hai nạn nhân người Mỹ trong vụ giẫm đạp tại không gian tưởng niệm ở Itaewon. Ảnh: Korea Times

Trong khi đó, Keith Yi, một người Mỹ gốc Hàn ở Seoul và là trợ giảng tại Khoa Giáo dục Sau đại học của Đại học Inha, đau đớn trước di ảnh 2 nạn nhân người Mỹ tại khu tưởng niệm ở ga Itaewon và để lại bông hoa trắng chia buồn. Mặc dù không quen biết họ khi còn sống, nhưng anh vẫn không khỏi rơi nước mắt trước cái chết của hai học sinh nhỏ tuổi với tư cách là một người cha có những đứa con đồng trang lứa.

"Itaewon là một nơi rất đặc biệt. Đó là một địa điểm đa văn hóa, quốc tế, thu hút rất nhiều người nước ngoài ... Tôi cảm thấy rất buồn vì điều này đã xảy ra", Yi nói.

QT (Nguoiduatin.vn)