Thảm kịch Covid-19 tàn khốc nhất châu Âu: Nhà xác chất đầy thi thể, tiếng khóc ai oán vang vọng

25/11/2021 08:36:11

"Thảm kịch cứ kéo dài bất tận," y tá Claudiu Ionita thở dài khi đứng trước những chiếc cáng chở thi thể nạn nhân tại nhà xác Bệnh viện Đại học Bucharest (Romania).

Thảm kịch Covid-19 tàn khốc nhất châu Âu: Nhà xác chất đầy thi thể, tiếng khóc ai oán vang vọng
Nhân viên nhà xác Bệnh viện Đại học Bucharest chuẩn bị đưa bệnh nhân tử vong vì Covid-19 đi chôn cất (Ảnh: AP)

Nhà xác này có thể chứa 15 thi thể, nhưng khi phóng viên CNN có mặt tại đây, đã có tới 41 thi thể được đưa đến. Các thi thể được để tạm ở hành lang bên ngoài nhà xác, trong khi những tiếng than khóc vang lên từ bên ntrong. Một người phụ nữ được phép vào nhà xác để nhìn mặt cha cô lần cuối.

Bệnh viện Đại học Bucharest là cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 lớn nhất ở thủ đô Romania, hiện đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ tư tồi tệ chưa từng thấy.

"Khi bắt đầu công việc này, tôi chưa từng nghĩ sẽ trải qua thảm kịch như thế này. Tôi không nghĩ một bi kịch như vậy có thể xảy ra. Nhiều lúc húng tôi đã phải chôn cất cả một gia đình," Ionita nói.

Khoa điều trị tích cực của bệnh viện đã được mở rộng và bổ sung thêm giường, nhưng hiện tại chỉ còn duy nhất một giường trống. Một y tá đang thay drap giường. Chiếc giường vừa trống do bệnh nhân nằm tại đây đã qua đời.

Romania là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất châu Âu, với chỉ 36% dân số được tiêm vaccine ngừa Covid-19, dù chiến dịch tiêm chủng của nước này được triển khai sớm từ tháng 12/2020.

Nhân viên y tế và các quan chức cho rằng tỷ lệ tiêm chủng thấp như vậy là vì một số nguyên nhân, trong đó có tâm lý nghi ngờ giới chức, niềm tin tôn giáo và thông tin sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội.

Khi bác sĩ Alexandra Munteanu, 32 tuổi, tới làm việc tại một trung tâm tiêm chủng ở Bucharest sau khi đã trực suốt đêm tại bệnh viện, cô thấy số lượng người tới đăng ký tiếp rất thấp. Munteanu thấy khó hiểu khi người dân dường như chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.

"Nhiều bác sĩ, trong đó có tôi, đã từng điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Chúng tôi đã cố giải thích với mọi người rằng dịch bệnh là có thật," cô nói.

Một trong những nhân vật bài vaccine kịch liệt nhất ở Romania là Diana Sosoaca, một nghị sĩ tại Thượng viện. Bà này từng cố gắng ngăn người dân tới trung tâm tiêm chủng ở khu vực bầu cử của mình tại miền Đông Bắc Romania.

"Nếu yêu thương con bạn, hãy dừng tiêm chủng, đừng giết chúng," bà này nói trong đoạn video đăng trên Facebook.

Các loại vaccine được sử dụng ở Romania đều đã được thử nghiệm đối với trẻ em và đều được đánh giá là an toàn, hiệu quả. Thế nhưng điều đó không khiến Diana Sosoaca và những nhân vật bài vaccine khác tuyên truyền tin đồn sai sự thật trên mạng xã hội và truyền hình địa phương.

Các quan chức và nhân viên y tế hết sức bất bình khi nhiều nhân vật công chúng cố gắng chống lại những nỗ lực của họ.

"Hãy nhìn vào thực tế," Valeriu Gheorghita, một bác sĩ quân y tham gia chương trình tiêm chủng quốc gia nói.

"Các đơn vị điều trị tích cực của chúng tôi có rất nhiều bệnh nhân. Chúng ta ghi nhận rất nhiều ca nhiễm mới. Chúng ta có hàng trăm người chết mỗi ngày. Đây là thực tế. Hơn 90% bệnh nhân tử vong không tiêm vaccine," Gheorghita nói.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật