Thảm họa tang thương của thể thao Trung Quốc: Cảnh tượng đau lòng, nạn nhân chết bi thảm

24/05/2021 10:42:12

Người thân của những vận động viên tử nạn trong giải chạy ultra trail ở Cam Túc phải chứng kiến phút cuối cực kỳ đau lòng.

Sau khi thảm họa khiến 21 người tử vong trên dãy Bạch Ngân (Cam Túc, Trung Quốc), lời kể của những người trực tiếp tham gia và thoát nạn phần nào giúp tái hiện lại được những giờ phút cuối đời của các vận động viên vắn số.

Chia sẻ trên mạng xã hội, một vận động viên đến từ Tây Bắc Trung Quốc thoát nạn đã chia sẻ rằng thời tiết trước giờ xuất phát cực đẹp, khiến cho cả Ban tổ chức lẫn vận động viên đều hết sức chủ quan. Sau đó thời tiết đột ngột "trở mặt" đúng lúc những vận động viên tham gia cuộc đua tiến vào đoạn đường khó khăn nhất:

"Khi thời tiết bắt đầu trở nên u ám và gió lạnh thổi càng lúc càng mạnh hơn, chúng tôi đang ở 'màn thử thách ma quỷ' (tên gọi của địa hình khó khăn nhất mà họ phải vượt qua), đó là phần đua độ cao khi các vận động viên phải dùng cả chân lẫn tay để trèo lên độ cao 1.000 mét ở con đường dài khoảng 8 km.

Thảm họa tang thương của thể thao Trung Quốc: Cảnh tượng đau lòng, nạn nhân chết bi thảm

Đấy cũng là lúc thời tiết trở nên tồi tệ nhất. Linh cảm được điều không hay sắp xảy đến, tôi lập tức bỏ cuộc để quay lại. Nhưng nhiều người khác vẫn tiếp tục đua. Trên đường đi bộ trở lại, có những lúc tôi cảm thấy cực kỳ xao nhãng, mất tập trung và suýt nữa đã ngã ra khỏi đường đi. Cảm giác thân nhiệt xuống thấp thật là khủng khiếp".

Trên thực tế, lúc này đã có một vài vận động viên bị bất tỉnh giữa đường, song may mắn được đội cứu hộ tìm thấy và giải cứu.

Theo nhận định của các chuyên gia, tất cả 21 nạn nhân đều tử vong do thân nhiệt xuống thấp. Khi cơ thể bị mất nhiệt, một loạt các triệu chứng sẽ xảy ra, đầu tiên là cảm giác ớn lạnh, lú lẫn đầu óc, tiếp đó là suy tim phổi và tử vong.

Thảm họa tang thương của thể thao Trung Quốc: Cảnh tượng đau lòng, nạn nhân chết bi thảm - 1

Thảm họa tang thương của thể thao Trung Quốc: Cảnh tượng đau lòng, nạn nhân chết bi thảm - 2

Đa số các vận động viên tham gia cuộc đua này đều mặc áo và quần đùi rất mỏng, khiến dễ dàng bị mất nhiệt khi nhiệt độ ở đây có lúc đạt đến 0 độ C. Trong đêm ngày 22/5, công tác cứu hộ cũng cực kỳ khó khăn khi dù tất cả các vận động viên đều được gắn thiết bị GPS, song sự chênh lệch độ cao lớn khiến công tác tìm kiếm và cứu hộ trở nên chậm chạp.

Theo con gái của một nạn nhân sinh năm 1969, 1 giờ đêm ngày 23/5 cùng ngày, cô nhận được điện thoại từ Ban tổ chức thông báo rằng cha cô mất tích. Trên đường di chuyển đến Bạch Ngân, cô xem được một clip trên mạng xã hội và nhận ra cha mình trong đó.

Cha cô nằm trên mặt đất cạnh hai người nữa, mồm sùi bọt mép và hai tay đã tím ngắt. Trước đó, theo lời con gái, ông rất khỏe mạnh và đã giành không ít giải ở các cuộc chạy kiểu này.

Thảm họa tang thương của thể thao Trung Quốc: Cảnh tượng đau lòng, nạn nhân chết bi thảm - 3

Thảm họa tang thương của thể thao Trung Quốc: Cảnh tượng đau lòng, nạn nhân chết bi thảm - 4

Vào lúc 10g15, cô được ban tổ chức gọi điện thông báo cha mình đã qua đời.

Trong cuộc họp báo sáng nay, thị trưởng thành phố Bạch Ngân - Zhang Xuchen, đã cúi đầu xin lỗi: "Với tư cách là người đứng đầu tổ chức sự kiện, chúng tôi cảm thấy mình là người có lỗi và đáng trách. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới người thân của các nạn nhân qua đời, cũng như những nạn nhân bị thương".

Dư luận Trung Quốc cũng đang cực kỳ lên án sự chủ quan của chính các vận động viên tham gia khi không chuẩn bị áo khoác, áo ấm, chăn cách nhiệt, thực phẩm tăng lực, thuốc giảm đau và các vật dụng, thiết bị bắt buộc khác. Trong khi đó, công tác tổ chức cũng cực kỳ sơ sài, từ việc không theo sát dự báo thời tiết, cũng như bố trí nhân lực hỗ trợ, cứu hộ cứu nạn đầy đủ.

Theo Ngô Trà (PL&BĐ)

Nổi bật