Năm 1871, Los Angeles - "thành phố của các thiên thần" - có dân số 6.000 người và chỉ có 6 sĩ quan an ninh. Theo điều tra dân số của Mỹ, dân số Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 3% dân số toàn thành phố - khoảng 172 người.
Phần lớn người Trung Quốc sống trên một con phố có tên là Hẻm Negro. Đây được coi là khu đèn đỏ của Los Angeles, một khu vực nổi tiếng với các tiệm ăn, sòng bạc và nhà thổ. Con phố cũng khét tiếng bởi hầu như ngày nào cũng có người bị sát hại tại đây.
Chiến tranh băng đảng và căng thẳng gia tăng
Trong suốt những năm 1850 và đầu những năm 1860, người bản địa nói chung cởi mở và tiếp đón những người nhập cư Trung Quốc. Tuy nhiên, tâm lí này đã thay đổi mạnh vào năm 1869 khi tờ Los Angeles News và The Los Angeles Star bắt đầu đăng những bài xã luận gay gắt lên án người Trung Quốc nhập cư và tố cáo người Trung Quốc là "kém cỏi và vô đạo đức".
Sự thay đổi trên các phương tiện truyền thông đã dẫn đến việc ngày càng có nhiều cuộc tấn công phân biệt chủng tộc nhằm người Trung Quốc. Đến tháng 10/1871, căng thẳng tăng lên mức cao nhất mọi thời đại ở Hẻm Negro. Hai băng đảng Trung Quốc đối địch khi đó đã cạnh tranh gay gắt trong vài ngày và bạo lực băng nhóm lên đến đỉnh điểm với vụ bắt cóc Yut Ho.
Yut Ho là một cô gái vốn thuộc băng đảng Yuen nhưng bị nhóm đối thủ bắt cóc để ép cưới một thành viên băng nhóm. Những kẻ bắt cóc Yut Ho được dẫn đầu bởi một thủ lĩnh có tên Yo Hing, người này có quan hệ mật thiết với các thế lực ở Los Angeles.
Trong khi đó, băng đảng Yuen do một chủ tiệm tên là Sam Yuen cầm đầu. Trong nỗ lực giải cứu Yut Ho, Yuen đã thuê một vài tên sát nhân đến từ San Francisco để đưa cô về an toàn. Một trong những người được thuê là Ah Choy, anh trai của Yut Ho. Sau khi đến Los Angeles, Choy phát hiện Yo Hing và nã nhiều phát súng vào thủ lĩnh băng đảng khét tiếng.
Hing trốn thoát mà không bị thương tích gì và nhanh chóng báo cảnh sát truy nã Choy. Choy bị bắt vài tuần sau đó và được tại ngoại với khoản tiền 2.000 USD mà ông chủ Yuen đã trích ra để trả.
Đêm thảm sát người Trung Quốc
Vào đêm xảy ra vụ thảm sát, Sĩ quan Jesus Bilderrain nghe thấy tiếng súng khi đang uống rượu tại một quán rượu. Khi nghe thấy tiếng ồn ào, Bilderrain chạy ra hướng Hẻm Negro và thấy Choy đang lết trên đường, máu túa ra từ vết thương ở cổ. Sĩ quan này phát hiện một nhóm người đàn ông Trung Quốc đang chạy trốn khỏi hiện trường vụ án. Anh đuổi theo họ vào một tòa nhà tối và bất ngờ bị trúng đạn khi bước vào.
Bị thương ở vai, Bilderrain vẫn thoát được khỏi căn nhà, vội thổi còi báo động. Robert Thompson, chủ quán rượu nổi tiếng nhất thị trấn nghe thấy tiếng cầu cứu và chạy đến hỗ trợ.
Khi Thompson đến gần cửa của tòa nhà mà Bildderrain vừa trốn thoát, ông được cảnh báo rằng những kẻ ở trong đều có vũ khí nguy hiểm. Thompson đáp lại, "Tôi sẽ lưu ý" và bắn bừa vào bóng tối. Không may cho Thompson, nhóm trốn trong bóng tối bắn trả dữ dội khiến ông trúng đạn và chết 1 giờ sau đó.
Khi tin tức về sự cái chết của Thompson được lan truyền, một đám đông gồm 500 người đã tập trung tại Hẻm Negro. Họ chạy đến tòa nhà đổ nát và bao vây các băng nhóm xã hội đen Trung Quốc ẩn náu bên trong.
Đám đông bắt đầu leo lên mái nhà, dùng rìu để khoét những lỗ thủng trên nóc. Sau đó, đám đông đã nhắm và bắt đầu bắn vào các phòng bên dưới. Một nhóm khác tìm cách đập vỡ cánh cửa khác bằng một tảng đá lớn. Tới thời điểm này, nhóm xã hội đen Trung Quốc không còn đường thoát.
Những cảnh tượng sau đó khiến cả thế giới chấn động. Trong ánh đèn chớp và bóng tối phố đêm, đám đông người bắt đầu kéo lê những tên xã hội đen Trung Quốc xuống trung tâm Los Angeles. Một lúc sau, xác của những người Trung Quốc này bị treo ngay giữa những con phố thương mại nổi tiếng.
Đám đông này còn trưng dụng mái hiên của một chủ cửa hàng tên John Goller để treo xác. Goller đã kịch liệt phản đối việc sử dụng cửa hàng của ông làm địa điểm treo cổ, nói rằng có trẻ nhỏ trong tòa nhà. Một kẻ bạo loạn đã dí súng vào mặt Goller và nói với anh ta, "Im đi, đồ khốn nạn."
Một người phụ nữ điều hành một nhà trọ gần cửa hàng của Goller đã tình nguyện sử dụng dây phơi quần áo để làm công cụ treo cổ. Tuy nhiên, dây phơi quần áo quá yếu nên sau đó họ dùng dây thừng để thay thế.
Trong số các nạn nhân Trung Quốc có bác sĩ Gene Tong, một bác sĩ được nhiều người kính trọng. Khi ông Tong bị kéo lê trên đường phố Los Angeles, ông đã cầu xin được tha mạng, thậm chí còn cố trả giá bằng số vàng và chiếc nhẫn cưới kim cương trị giá 3.000 USD của mình. Những kẻ tấn công đã hạ sát bác sĩ bằng một viên đạn xuyên miệng. Sau đó, nhóm này cắt đứt ngón tay đeo nhẫn cưới của ông trước khi treo cổ bác sĩ Tong cùng các nạn nhân khác.
Vụ thảm sát bị lãng quên
Sáng hôm sau, có 17 thi thể được đặt trong sân nhà tù. Chỉ có 1 trong số các nạn nhân có liên quan tới vụ đấu súng khét tiếng từ đêm hôm trước. Đây là một trong những vụ treo cổ hàng loạt lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Mặc dù có 25 bản cáo trạng về tội giết 17 nạn nhân Trung Quốc, nhưng chỉ có 10 người bị xét xử. 8 kẻ bạo loạn đã bị kết án về tội ngộ sát, nhưng vụ kiện đã bị bác bỏ và các bị cáo không bao giờ bị xét xử lại. Các nạn nhân của cuộc thảm sát này và gia đình của họ không bao giờ nhận được bất kỳ hình thức bồi thường.
Thật không may, vụ thảm sát người Trung Quốc đã không cải thiện được cách đối xử đối với cộng đồng người Hoa ở Los Angeles. Thay vào đó, tâm lý chống Trung Quốc tiếp tục tăng lên. Các tờ báo cũng tiếp tục các bài xã luận vu khống chống lại cộng đồng người Hoa.
Theo Tất Đạt (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)