Việc phế người cháu để đưa con trai lên làm thái tử, được cho là bước cuối cùng trong chiến lược suốt 2 năm qua của Quốc vương Salman, để đảm bảo con trai sẽ trở thành tân vương của Ả Rập Saudi.
Trang mạng Middle East Eye mới đây đã đăng tải bài phân tích của Tiến sĩ adawi Al-Rasheed, chuyên gia nghiên cứu khu vực bán đảo Ả Rập ở Trung tâm Trung Đông, nhận định về việc vua Ả Rập Saudi phế truất thái tử để đưa con mình lên trở thành người nối ngôi.
Ngày 21.6, Quốc vương Ả Rập Saudi tuyên bố đưa con trai Mohammed bin Salman lên làm thái tử và phế bỏ mọi chức vụ cũng như vị trí kế thừa ngôi vương của người cháu Mohammed bin Nayef.
Theo bà Al-Rasheed, Mohammed bin Salman đã thăng tiến không ngừng kể từ khi người cha Salman lên nắm quyền vào năm 2015. Quãng thời gian 2 năm Mohammed bin Nayef làm thái tử được cho là để trấn an dân chúng cũng như giúp vua Salman có thời gian chuẩn bị cho kế hoạch đưa con trai lên ngôi.
Cũng có giả thuyết khác cho rằng, Mohammed bin Salman muốn lật đổ người họ hàng để ngay lập tức trở thành quốc vương, một khi người cha qua đời.
Hoàng tử chống khủng bố
Mohammed bin Nayef chưa bao giờ được vua Salman tin tưởng để trở thành người nối ngôi. |
Mohammed bin Nayef, 57 tuổi, là người cống hiến cả cuộc đời cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Ông theo học ở Mỹ và được Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) huấn luyện vào những năm 1980.
Trở về quê nhà, Nayef trở thành Bộ trưởng Nội vụ và là người khởi động chiến dịch chống tổ chức khủng bố Al-Qaeda từ năm 2003. Ông sống sót qua nhiều vụ ám sát do các phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành và được người dân Ả Rập Saudi coi là anh hùng.
Ông xây dựng mối quan hệ gần gũi với chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đại sứ Mỹ dưới thời Obama ở Riyadh nói, “Nayef là một trong những người làm việc chăm chỉ nhất mà tôi từng biết”.
Năm 2017, Mohammed bin Nayef được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tri ân vì những đóng góp không ngừng nghỉ trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. CIA coi Nayef là chìa khóa để đánh bại Al-Qaeda.
Với hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tình báo, đóng vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh nội bộ của Ả Rập Saudi, Mohammed bin Nayef được coi là “hoàng tử chống khủng bố”.
Đối với người dân, Nayef đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ, đưa phụ nữ vào làm việc tại cơ quan tình báo Ả Rập Saudi. “Chúng tôi hỗ trợ tương lai phụ nữ và tin rằng không có vật cản nào ngăn chặn điều này”, Nayef nói trên Bloomberg hồi tháng 4.
Mohammed bin Nayef (phải) từng bước bị em họ Mohammed bin Salman chiếm vị trí thái tử. |
Các nhà quan sát nhận định, việc Nayef được chọn làm thái tử vào năm 2015 chính là chiến lược của quốc vương Salman nhằm làm giảm sức ép khi mới lên nắm quyền. Đó là một sự đảm bảo để một người khác, không phải Nayef lên làm vua sau này.
Một khi con trai thâu tóm quyền lực, hoàng tử Mohammed bin Nayef dần trở thành cái gai trong mắt vua Salman. Đặc biệt với một người nắm giữ các cơ quan quan trọng trong chính quyền như Bộ Nội vụ, cơ quan tình báo, cơ quan chống khủng bố.., bà Al-Rasheed nhận định.
Đó là lý do mà Nayef không những bị phế truất khỏi vị trí thái tử mà còn không được cho phép giữ bất kỳ một chức vụ nào khác trong chính quyền Ả Rập Saudi.
“Làn gió mới” mang tên Mohammed bin Salman
Dưới thời người cha Salman, Mohammed bin Salman (31 tuổi) thăng tiến nhanh chóng. Tân thái tử Ả Rập Saudi ngay lập tức được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng ở tuổi chưa đầy 30.
Theo chuyên gia Al-Rasheed, để tập trung quyền lực cho con trai, vua Salman đã từng bước cô lập và loại bỏ những người họ hàng khác, vốn có thể cạnh tranh ngôi vương, bằng các biện pháp không đổ máu.
Tất cả các con trai khác của vua Salman đều được giữ các chức vụ cao cấp trong chính phủ. Trong khi thế hệ hoàng tử thứ hai và thứ ba, bao gồm con trai của cố quốc vương Abdullah đều không được giao bất cứ nhiệm vụ gì.
Một số hoàng tử khác như con trai của cố quốc vương Fahd từng giữ chức vụ cao cấp trong tòa án hoàng gia, hay thống đốc của một tỉnh. Nhưng kể từ khi vua Salman lên nắm quyền, tất cả đều dần lui vào bóng tối, đổi lại là số tài sản kếch xù.
Tân thái tử Mohammed bin Salman là Bộ trưởng Quốc phòng trẻ nhất thế giới. |
Để phô trương tầm ảnh hưởng trong khu vực, Mohammed bin Salman đã phát động cuộc chiến chống lại nhóm phiến quân Houthi lật đổ chính phủ Yemen. Tân thái tử cũng là người mở mặt trận mới cô lập Qatar, cáo buộc đất nước nhỏ bé này tài trợ khủng bố.
Đó chính là hai động thái thể hiện sức mạnh quyền lực so với người họ hàng Nayef, vốn chỉ tập trung vào sự bình ổn trong nội bộ đất nước.
Về mặt đối ngoại, dưới sự chỉ đạo của cha, Mohammed bin Salman đã nhiều lần đến thăm Mỹ, để thuyết phục Tổng thống Donald Trump và chính quyền ở Washington, rằng ông mới là vị vua tương lai của đất nước Ả Rập Saudi.
Mohammed bin Salman chuyển lời cha, cam kết đầu tư vào nền kinh tế Mỹ, đặt hàng thêm một số lượng lớn vũ khí và ủng hộ tuyệt đối chiến dịch chống khủng bố IS mà Washington phát động.
Có thể nói, Mohammed bin Salman nhanh chóng chứng minh tầm ảnh hưởng trong nội bộ hoàng gia Ả Rập Saudi, các nước trong khu vực và cả đồng minh Mỹ.
Tuy nhiên, tân thái tử Ả Rập Saudi vẫn còn nhiều việc phải làm để chứng minh mình là vị vua của tương lai, người sẵn sàng chèo lái con thuyền đưa đất nước tiếp tục phát triển hưng thịnh, bà Al-Rasheed kết luận.
Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt)