Thái Lan xét xử cựu Thủ tướng Yingluck

21/07/2017 09:53:00

Vụ án của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra được đánh giá là phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự ổn định đất nước Thái Lan.

Vụ án của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra được đánh giá là phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự ổn định đất nước Thái Lan.

Một người ủng hộ anh em nhà Shinawatra

Hôm nay 21.7, chính quyền quân sự Thái Lan huy động hàng trăm binh lính và cảnh sát đến tòa tối cao để giữ gìn an ninh trật tự cho phiên tòa xử bà Yingluck Shinawatra. Đây là phiên cuối cùng cựu thủ tướng Thái Lan xuất hiện ở tòa trước khi số phận của bà được định đoạt.

Bài học răn đe

Tướng Chalermchai Sithisart, Tư lệnh bộ binh Thái Lan, trong cuộc họp báo hôm qua dự đoán sẽ có hàng trăm người ở Bangkok và các tỉnh kéo đến, có thể dẫn đến xung đột và gây mất trật tự an ninh, vì vậy quân đội sẽ tăng cường kiểm soát ở phiên tòa này.

Trong mấy tháng qua, bà Yingluck thực hiện nhiều chuyến đi gặp gỡ người dân trong nỗ lực được giới quan sát đánh giá là nhằm vận động họ đến ủng hộ bà trong phiên tòa ngày hôm nay, như một cách gây áp lực lên chính quyền. Trong khi đó, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha khuyến cáo người dân không nên đến tòa, thay vào đó ở nhà và theo dõi vụ xét xử bà Yingluck thông qua các phương tiện truyền thông.

Phiên tòa xét xử bà Yingluck được tiến hành từ sau khi quân đội thực hiện cuộc đảo chính hồi năm 2014. Bà Yingluck bị cáo buộc tội lơ là và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong việc thực hiện chính sách trợ giá gạo, làm thất thoát ngân sách hàng tỉ baht. Với cáo buộc này, bà đối mặt với mức án cao nhất là 10 năm tù và phải chia sẻ khoản bồi thường 1 tỉ USD cùng với những lãnh đạo khác trong nội các của bà trước đây.

Ở Thái Lan từng xảy ra nhiều phiên tòa xét xử cựu lãnh đạo, tuy nhiên đây là vụ án được đánh giá phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự ổn định đất nước. “Nó không chỉ có ý nghĩa đối với bà Yingluck mà cả nền chính trị quốc gia. Thái Lan sẽ tiếp tục phát triển hay bất ổn tùy vào phán quyết của tòa này”, ông Charnvit Kasetsiri, giảng viên thỉnh giảng và cố vấn của Trường đại học Thammasat, phát biểu với phóng viên Thanh Niên. Theo ông Charnvit, chính quyền quân sự muốn xử bà Yingluck và lấy đó làm bài học răn đe cho những nhà lãnh đạo sau này. Tuy nhiên, nếu làm mạnh tay, hậu quả sẽ khó lường. Những người ủng hộ bà Yingluck và gia đình bà sẵn sàng xuống đường, gây bất ổn cho xã hội Thái Lan.

Ông Somkid Chuakhong, cựu nghị sĩ của Pheu Thai - đảng của bà Yingluck - cho rằng sẽ rất bất công nếu xét xử một nhà lãnh đạo khi họ đưa ra chính sách với mục tiêu cải thiện đời sống người dân. “Nếu bà Yingluck bị kết án, bà ấy phải ngồi tù. Chính quyền xử được người của dòng họ Shinawatra. Tuy nhiên, hậu quả là sau này chả có nhà lãnh đạo nào dám đưa ra chính sách thúc đẩy kinh tế, xã hội vì sợ rơi vào vết xe đổ của bà Yingluck”, ông Somkid chia sẻ với phóng viên Thanh Niên.

Ông Thaksin hết đường về

Phán quyết của tòa tối cao quyết định số phận của bà Yingluck dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng 9.2017. Giới phân tích cho rằng bà khó tránh khỏi mức án tù và đó cũng là điều chính quyền quân sự Thái Lan mong muốn. Bà Yingluck sẽ không còn đường trốn chạy sau phiên tòa bởi chính quyền quân sự không phút giây nào rời mắt khỏi bà. Không chỉ bà Yingluck mà anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đều là những mục tiêu mà chính quyền quân sự muốn triệt hạ với sự ủng hộ của đảng Dân chủ đối lập.

Tuần qua, Hội đồng lập pháp quốc gia (NLA), cơ quan làm luật do quân đội lập nên đã thông qua một dự luật cho phép tòa xử vắng mặt và hồi tố những nhà lãnh đạo chính trị quốc gia mà không cần xét đến thời gian. Dự luật được cho là nhắm vào ông Thaksin, người đang sống lưu vong ở nước ngoài nhằm trốn tránh bản án 2 năm tù vì tội tham nhũng mà tòa hình sự nước này tuyên phạt hồi năm 2008.

Ông Thaksin hiện đối mặt với ít nhất 4 vụ án nữa và Bangkok muốn xử ông nhưng chưa được vì ông “thường xuyên vắng mặt”. Dự luật mới sẽ khởi động lại những vụ án này, trong đó có những vụ được cho là có mức án cao hơn nhiều so với mức án 2 năm. Như vậy, ông Thaksin sẽ không có đường quay về nước trừ phi chấp nhận ngồi tù. Đảng Pheu Thai phản đối dự luật mới được NLA thông qua, cho rằng nó vi phạm nhân quyền và hiến pháp.

Theo Minh Quang (Thanh Niên Online)

Nổi bật