Bây giờ đang là mùa polo (mã cầu) tại Thái Lan và khán đài các sân vận động polo khắp quốc gia Đông Nam Á là nơi cho thấy rõ sự xa hoa của giới nhà giàu nước này.
Trên sân đấu ở Chonburi, thủ phủ tỉnh Chonburi, các vị khách diện đồ hiệu từ đầu tới chân, tay nâng những ly champagne sóng sánh. Người Thái gọi polo là “môn thể thao của các vị vua”.
Các đội polo hàng đầu Thái Lan đều sở hữu những cầu thủ đến từ Argentina, được trả mức lương cực kỳ hậu hĩnh. “Polo là môn thể thao quý tộc? Đúng là như vậy. Phải tốn rất nhiều tiền để chơi môn này. Đây là môn thể thao của các CEO và thành viên hoàng tộc”, báo South China Morning Post dẫn lời bà Nunthinee Tanner, người sáng lập CLB Polo Thai ở Pattaya.
Tỷ phú người Thái gốc Đức Harald Link là người đồng sở hữu CLB. Một số đại gia khác như Brian Xu, lãnh đạo tập đoàn văn phòng phẩm Shanghai Marco Stationery, cũng đầu tư đậm vào các đội polo.
Nhìn chung không ít tỷ phú Thái đầu tư vào thể thao. Doanh nhân Vichai Srivaddhanaprabha từng mua lại CLB bóng đá Anh Leicester City. Ông qua đời hồi tháng 10/2018 trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng, để lại khối tài sản trị giá 5,8 tỷ USD cho con trai.
Theo khảo sát của tổ chức Hurun Report, Thái Lan hiện có 50 tỷ phú USD, đứng thứ 9 trên thế giới, nhiều hơn cả các quốc gia phát triển như Pháp, Nhật Bản và Singapore.
]Tại Bangkok, sự giàu có ngày càng trở nên rõ rệt. Hãng Aston Martin thông báo đã bán được 250 chiếc xe của hãng tại Bangkok vào năm 2018, một con số kỷ lục. Mà giá mỗi chiếc Aston Martin lên đến hơn 475.000 USD.
Tuy nhiên, Thái Lan là quốc gia có sự phân hóa giàu nghèo vô cùng nghiêm trọng. Hiện xứ sở chùa Vàng có tới 14,5 triệu người nghèo, phải sống nhờ vào trợ cấp của nhà nước.
“Nhóm 20% người giàu nhất nắm giữ 80% tài sản của cả quốc gia”, ông Kobsak Pootrakool, người phát ngôn Đảng Phalang Pracharat, cho biết. ”Ngân hàng Thế giới (World Bank) nói rằng Thái Lan là phép màu của châu Á, nhưng tình trạng bất bình đẳng của chúng tôi là rất tồi tệ”.
Credit Suisse cũng nhận định khoảng cách giàu nghèo tại Thái Lan lớn vào loại hàng đầu thế giới. Báo cáo tháng 12/2018 của hãng cho thấy 1% người giàu nhất Thái Lan kiểm soát tới 67% tổng tài sản nước này. Còn nhóm 10% người giàu nhất kiểm soát 85,7% tài sản quốc gia.
Trong khi đó, 10% những người nghèo nhất sở hữu 0% tổng tài sản quốc gia. Nhóm này là những người dân hoặc nợ nần hoặc không có thu nhập. Ước tính ở thời điểm hiện tại, hơn 14,5 triệu người Thái có mức thu nhập dưới 1.000 USD/năm.
Ông Thanathorn Juangroongruangkit, lãnh đạo Đảng Future Forward, con của một tỷ phú Thái, khẳng định khoảng cách giàu nghèo là mối đe dọa đối với sự ổn định của Thái Lan. Trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo sự bất bình đẳng ngăn cản Thái Lan đạt tới tầm “nền kinh tế phát triển”.
Giáo dục yếu kém khiến phần đông người lao động bị mắc kẹt với những công việc có mức lương thấp. Tình trạng này có thể còn trở nên trầm trọng hơn khi các dây chuyền tự động hóa trở nên phổ biến hơn, khiến nhu cầu tuyển dụng lao động tay nghề thấp giảm sút.
Theo Bùi Nhung (Tri Thức Trực Tuyến)