Biện pháp khẩn cấp được Thái Lan ban bố từ hôm 15/10, nhằm chấm dứt nhiều tháng biểu tình chống chính phủ và chế độ quân chủ, nhưng lại thổi bùng lên làn sóng giận dữ trong phong trào biểu tình.
Tuy nhiên, theo thông báo từ chính phủ Thái Lan, sắc lệnh tình hình khẩn cấp sẽ chính thức được dỡ bỏ từ 0h đêm nay.
"Tình trạng bạo lực dẫn đến việc ban bố sắc lệnh tình hình khẩn cấp đã giảm bớt, vì vậy, các quan chức chính phủ và cơ quan nhà nước có thể thực thi luật lệ bình thường", theo tuyên bố đăng trên tờ Royal Gazette, công báo của Thái Lan.
Quyết định dỡ bỏ biện pháp khẩn cấp được đưa ra sau khi hàng chục nghìn người hôm 21/10 tụ tập biểu tình trước văn phòng Thủ tướng Thái Lan tại Tòa nhà Chính phủ, yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức trong vòng 3 ngày hoặc đối mặt với nhiều cuộc biểu tình hơn.
Hàng chục người biểu tình - bao gồm nhiều lãnh đạo biểu tình nổi tiếng nhất - đã bị bắt trong cuộc đàn áp. Những người biểu tình nói ông Prayuth đã gian lận trong cuộc bầu cử vào năm ngoái để tiếp tục giữ quyền lực. Thủ tướng Prayuth đã nắm quyền từ sau cuộc đảo chính năm 2014. Ông Prayuth tuyên bố cuộc bầu cử diễn ra công bằng.
Người đứng đầu chính phủ Thái Lan cho biết quốc hội sẽ họp bất thường vào tuần sau, đồng thời khẳng định không từ chức. "Bây giờ chúng ta phải lùi lại khỏi rìa của con dốc trơn trượt có thể dễ dàng dẫn tới hỗn loạn", ông tuyên bố, nói thêm các cuộc đàm phán nên được thực hiện ở quốc hội.
Minh Ngọc (Nguoiduatin.vn)