Quốc hội lâm thời Thái Lan hôm 19/2 đã thông qua đạo luật cấm người nước ngoài tìm kiếm dịch vụ đẻ thuê, một nỗ lực nhằm chấm dứt hoạt động “thuê tử cung” từng khiến cho quốc gia Đông Nam Á này trở thành một điểm đến hàng đầu của du lịch sinh con.
|
Một phụ nữ Thái là người mang thai hộ, tham dự cuộc họp báo của tổ chức Pavena vì trẻ em và phụ nữ - Ảnh: Reuters
|
Năm ngoái, Thái Lan rúng động bởi một số vụ việc liên quan đến dịch vụ đẻ thuê, trong đó có vụ một cặp vợ chồng người Úc bỏ lại một bé trai bị hội chứng Down với người phụ nữ Thái mang thai hộ và mang bé gái khỏe mạnh về Úc.
Một trường hợp nổi cộm khác là vụ một người đàn ông Nhật Bản được xác nhận là cha đẻ của ít nhất 16 trẻ sơ sinh thông qua những phụ nữ Thái Lan mang thai hộ mà truyền thông địa phương gọi là "nhà máy sản xuất em bé".
|
Người phụ nữ Thái mang thai hộ Pattaramon Janbau và bé trai Gammy bị hội chứng Down bị cặp vợ chồng người Úc bỏ lại Thái Lan |
Hồi tháng 8/2014, Thái Lan đã chấp thuận sơ bộ một dự thảo luật coi đẻ thuê thương mại là có tội. Dự thảo đã thông qua phiên điều trần đầu tiên sau đó 3 tháng, và mới trở thành luật vào ngày 19/2/2015.
Wanlop Tankananurak, một thành viên của Hội đồng lập pháp quốc gia Thái Lan (Quốc hội lâm thời), cho biết: "Luật này nhằm ngăn phụ nữ Thái Lan trở thành người đẻ thuê cho thế giới, theo đó cấm các cặp vợ chồng nước ngoài đến Thái Lan tìm kiếm dịch vụ đẻ thuê thương mại”.
|
Tháng trước Úc đã cấp giấy chứng nhận quyền công dân cho bé Gammy do cô Janbau mang thai hộ - Ảnh: Reuters |
Luật cấm các cặp vợ chồng nước ngoài tìm kiếm dịch vụ đẻ thuê và quy định rằng người mẹ thay thế phải là người Thái Lan và trên 25 tuổi, nếu vi phạm sẽ phải đối diện với án tù nghiêm khắc.
Các nhà phân tích nói rằng việc đặt dịch vụ đẻ thuê thương mại ra ngoài vòng pháp luật có thể đẩy ngành này trở thành hoạt động ngầm, khiến cho các bệnh nhân khó tiếp cận các bác sĩ và dịch vụ chăm sóc y tế có chất lượng.
Theo Hòa Ninh (Phunuonline.com.vn)