Tên lửa Việt Nam và 'màn chào hỏi kinh hoàng' dành cho B-52 Không quân chiến lược Mỹ

11/12/2017 08:31:47

Kíp lái 6 người chỉ còn 1 tên nhảy dù xuống và bị bắt sống cách không xa xác chiếc "siêu pháo đài bay" B-52. Tuy nhiên, đây mới chỉ là "màn chào hỏi" trong đêm ác mộng đầu tiên.

Tên lửa Việt Nam và 'màn chào hỏi kinh hoàng' dành cho B-52 Không quân chiến lược Mỹ
Các phi đội B-52 tại căn cứ Utapao (Thái Lan) chuẩn bị thực hiện chiến dịch Linebacker II.

LTS: Trong chiến dịch Linebacker-2 tháng 12/1972, Không quân Mỹ đã thực hiện cuộc ném bom tàn bạo nhất trong lịch sử vào Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng không có tội ác nào mà không bị trừng phạt!

Các chiến sỹ QĐNDVN, trong đó chủ công là bộ đội PK-KQ quả cảm đã vượt muôn trùng gian khó và hy sinh để làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử, chấn động địa cầu, buộc Không quân Mỹ hùng mạnh phải khuất phục.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài viết của Đại tá Nguyễn Thụy Anh - nguyên cán bộ Quân chủng PK-KQ, Cục Khoa học Quân sự, Bộ Tổng tham mưu nhằm ôn lại những kỷ niệm hào hùng trong 12 ngày đêm khốc liệt đó.

Vỏ quýt dày

Với sự ngạo mạn về "sức mạnh không thể tưởng tượng nổi của Không lực Hoa Kỳ", Lầu Năm Góc lúc đầu lập ra kế hoạch chỉ cần 3 ngày dùng B-52 đánh vào Hà Nội - đầu não của Bắc Việt. Từ đó tạo ra "một Hirosima mà không cần dùng bom nguyên tử" và tin rằng sau đòn này đối phương sẽ phải ký kết hiệp định theo yêu sách của Mỹ.

Nhưng họ đã nhầm: ngay trong đêm đầu tiên 18/12/1972 đã có 3 máy bay ném bom chiến lược B-52 bị bắn hạ, trong đó có 2 chiếc rơi ngay tại Hà Nội. Điều này làm Không quân chiến lược (KQCL) Mỹ choáng váng bởi họ tin rằng nhiễu điện tử cực mạnh đã bịt mắt toàn bộ hệ thống radar, tên lửa Việt Nam và thiệt hại cao nhất dự kiến chỉ 1-2 chiếc/ngày (tỷ lệ dưới 1%).

Sau 2 ngày đầu, hàng trăm chiếc B-52 cùng với máy bay chiến thuật các loại đã đánh phá mỗi đêm 3 đợt, rải hàng ngàn tấn bom đạn cày xới lên nhau, tạo nên mật độ ác liệt chưa từng có trong lịch sử chiến tranh VN.

Trong ngày thứ hai 19/12, chỉ có 2 chiếc B-52 bị trúng tên lửa và không rơi tại chỗ (Mỹ không thừa nhận) làm họ càng tin vào sự tính toán của mình. Vì vậy, đêm ngày thứ ba 20/12, KQCL Mỹ dự kiến sẽ đánh một đòn quyết định làm Bắc Việt "nốc ao" và phải chịu khuất phục.

Tên lửa Việt Nam và 'màn chào hỏi kinh hoàng' dành cho B-52 Không quân chiến lược Mỹ - 1
Cảnh tan hoang của Ga Yên Viên bị máy bay B-52 Mỹ đánh phá trong 12 ngày đêm năm 1972. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN.

Về phía Việt Nam, sau trận thắng đầu 18/12 nhưng lại có trận thứ 2 không đạt yêu cầu đã làm các chiến sỹ tên lửa ta vô cùng day dứt. Ngay từ sáng 20/12, toàn thể cán bộ, chiến sỹ các tiểu đoàn tên lửa dù đã thức trắng 2 đêm chiến đấu với địch nhưng vẫn lập tức họp bàn rút kinh nghiệm về các trận đánh đã qua để tìm ra chỗ mạnh, yếu của cả ta và địch.

Đồng thời tiếp tục chuẩn bị lực lượng, khí tài và các phương án đối phó với mọi tình huống phức tạp và thủ đoạn nguy hiểm của KQCL Mỹ… Bắt đầu từ ngày 20/12, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ thị cho quân chủng PKKQ: "Bộ đội tên lửa hoàn toàn dành cho nhiệm vụ đánh B-52. Rút một số đơn vị cao xạ ra khỏi chốt để bảo vệ trực tiếp các tiểu đoàn tên lửa".

Do đó, trong suốt ngày 20/12 các tiểu đoàn tên lửa có điều kiện dành toàn bộ thời gian để làm công tác chuẩn bị chiến đấu ban đêm với B-52.

Các trận địa được ngụy trang rất kín đáo để tránh sự lùng sục, đánh phá ban ngày của các loại máy bay chiến thuật Mỹ. Một số trung đoàn cao xạ đã được tăng cường ngay trong đêm trước về Hà Nội để đánh trả các loại máy bay địch ban ngày, bảo vệ Thủ đô và các đơn vị tên lửa của ta đang giấu mình chờ đánh B-52.

Yên tâm vì đã có bộ đội cao xạ và không quân đánh địch ban ngày, các chiến sỹ tên lửa tập trung vào việc chuẩn bị đối phó với B-52. Từng đơn vị đều tích cực luyện tập lại từng thao tác cá nhân và hiệp đồng toàn kíp chiến đấu trên máy, thống nhất phương án tác chiến với từng đường bay, biện pháp đối phó cụ thể với các loại nhiễu điện tử và tên lửa tự dẫn Sơrai (Shrike)…

Tên lửa Việt Nam và 'màn chào hỏi kinh hoàng' dành cho B-52 Không quân chiến lược Mỹ - 2
Tranh vẽ minh họa B-52 Mỹ bay vào "Tọa độ lửa".

... đã có móng tay nhọn

Các chiến sỹ tên lửa Việt Nam bước vào trận đánh ngày thứ 3 với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và nhân dân cùng niềm tin chiến thắng bất kỳ kẻ thù nào xâm phạm vào đất nước ta.

Vào đêm ngày thứ ba 20/12/1972, với ý đồ đánh đòn quyết định, KQCL Mỹ tung ra lực lượng cực lớn với 93 chiếc B-52 và 150 máy bay chiến thuật tiếp tục đánh vào Hà Nội.

Mặc dù thời tiết xấu nhưng không quân ta vẫn xuất kích, dũng cảm vượt qua hàng rào máy bay tiêm kích ngăn chặn và đánh thẳng vào các tốp B-52 làm đội hình của chúng rối loạn, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho tên lửa và cao xạ ta đánh địch.

19h42 phút, radar cảnh giới của ta phát hiện có 2 tốp mục tiêu bay ở độ cao 10 km đang tiến thẳng vào Thủ đô.

Mặc dù địch sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để che dấu nhưng chúng không qua mắt được bộ đội ta. Hai tiểu đoàn tên lửa phía bắc sông Hồng đã phát lệnh điều khiển giả để kiểm tra và 2 tốp máy bay địch lập tức cơ động rồi phóng Sơrai về phía trận địa SAM - chúng hiện nguyên hình là các máy bay tiêm kích đóng giả B-52 định đánh lừa ta.

Từ 20h02 phút đến 20h15 phút, 2 tốp B-52 vào đánh phá khu vực Yên Viên-Gia Lâm theo đúng đường bay ngày hôm trước và chúng không ngờ chỉ sau 1 ngày mà tình hình đã khác hẳn.

Tên lửa Việt Nam và 'màn chào hỏi kinh hoàng' dành cho B-52 Không quân chiến lược Mỹ - 3
Bộ đội tên lửa sẵn sàng chiến đấu.

Tiểu đoàn tên lửa 93 ở hướng này đã kịp thời rút kinh nghiệm của trận đánh đêm trước, phân tích kỹ những sai sót rồi luyện tập lại các tình huống, kết hợp linh hoạt cả 2 cách đánh TT ("ba điểm") và PS ("vượt nửa góc").

Về mặt lý thuyết, trong quá trình bám sát theo phương pháp TT, nếu thấy tín hiệu mục tiêu hiện rõ trên màn hiện sóng thì lập tức chuyển sang cách đánh PS để có độ chính xác cao hơn.

Đêm đó, trong màn nhiễu dày đặc cường độ 3, tiểu đoàn 93 đã bắt được dải nhiễu B-52 từ cự ly 50 km (do phi công Mỹ "cẩn thận" mở máy gây nhiễu sớm nên đã tự bộc lộ từ xa trước đối thủ…) nhưng đến cự ly 42 km vẫn không thể phát hiện được tín hiệu B-52.

Đến cự ly 32 km trên các màn hiện sóng vẫn mù mịt nhiễu, theo phương án tác chiến trong trường hợp này, tiểu đoàn tiến hành phóng 2 tên lửa bằng phương pháp TT. Khi quả thứ nhất vượt mục tiêu không nổ ở cự ly 25 km thì cũng là lúc tín hiệu B-52 hiện ra trên nền nhiễu.

Do đã luyện tập kỹ cho tình huống này, kíp chiến đấu của tiểu đoàn lập tức chuyển sang phương pháp PS và bắn bồi thêm 1 quả nữa ở cự ly 20 km. Chiếc B-52 trúng 2 quả tên lửa ở độ cao 10.820 m, nổ tung và bốc cháy rừng rực trên bầu trời Hà Nội rồi rơi thẳng xuống cánh đồng xã Yên Thường cạnh ga Yên Viên, cách trung tâm Thủ đô chỉ hơn 10 km.

Kíp lái 6 phi công chỉ còn sống sót 1 tên kịp nhảy dù xuống và bị bắt sống cách không xa xác chiếc "siêu pháo đài bay" B-52 của hắn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là "màn chào hỏi" trong đêm ác mộng đầu tiên đối với Không lực Hoa Kỳ hùng mạnh bởi họ vẫn còn thêm một đêm ác mộng nữa vào ngày 26/12/1972…

Tên lửa Việt Nam và 'màn chào hỏi kinh hoàng' dành cho B-52 Không quân chiến lược Mỹ - 4
Một số phi công B-52 của Mỹ bị bắt sống trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12/1972.

Đêm hôm 20/12 đó, quân dân ta đã đánh bại cuộc tập kích lớn của KQCL Mỹ và bắn rơi 18 máy bay các loại – nhiều nhất trong cả chiến dịch, trong đó bộ đội tên lửa VN bắn rơi tại trận 7 chiếc B-52, bắn hỏng nặng 2 chiếc khác (một chiếc bị 14 lỗ thủng trên thân, còn chiếc kia bị 19 lỗ thủng).

Ngoài ra còn có 11 máy bay chiến thuật Mỹ bị tiêu diệt khi rơi vào lưới lửa phòng không nhân dân của ta. Trong bản báo cáo với Lầu Năm Góc, các phi công Mỹ đều nói rằng đã "đếm được hơn 200 quả SAM-2 phóng lên" nhưng có lẽ trong lúc hoảng hốt họ đã "nhìn gà hóa cuốc" và không phân biệt được ánh lửa của đạn cao xạ 100 ly hay những lần phóng giả của tên lửa ta.

Thực tế trong đêm đó, bộ đội tên lửa Việt Nam chỉ phóng lên 36 quả và đạt hiệu suất chiến đấu cực kỳ cao: 5,2 tên lửa hạ 1 máy bay B-52. Con số biết nói này đã làm Bộ chỉ huy KQCL Mỹ kinh hoàng vì họ không thể tiếp tục chịu được mức độ thiệt hại 3 chiếc như ngày đầu chứ đừng nói tới 6 hay 7 chiếc B-52 trong 1 đêm (Mỹ chỉ thừa nhận rơi 6 chiếc B-52).

Ngày thứ 3 này được chính phía Mỹ gọi là "ngày đen tối" trong suốt lịch sử của KQCL Hoa Kỳ từ ngày thành lập. Đây cũng chính là trận then chốt đầu tiên của bộ đội tên lửa VN trong chiến dịch đánh bại B-52 Mỹ cuối năm 1972.

Sau trận này, đối phương buộc phải đánh dãn ra vòng ngoài Hà Nội để tránh bị thiệt hại nặng hơn bởi tên lửa SAM-2 và kéo dài thời gian chiến dịch nhằm mong muốn đạt được mục đích ban đầu.

Tên lửa Việt Nam và 'màn chào hỏi kinh hoàng' dành cho B-52 Không quân chiến lược Mỹ - 5
Các chuyên gia Liên Xô xem mảnh vỡ máy bay B-52 bị bắn rơi ngày 23/12/1972 trên bầu trời Hà Nội.

Nhưng kết quả cuối cùng thì ai cũng đã rõ: 34 siêu pháo đài bay B-52 bị hạ (tỷ lệ tới 17%) và 9 chiếc khác hỏng nặng không thể bay được nữa cùng với hàng trăm phi công "thượng đẳng" chết hoặc bị bắt sống; chưa kể tới 47 máy bay chiến thuật các loại khác cũng cùng chung số phận trong chiến dịch 12 ngày đêm này.

Nhân đây cũng cần nhắc lại sự kiện lịch sử cuối tháng 11/1944, trong cuộc tập kích của 111 pháo đài bay B-29 thuộc Bộ chỉ huy KQCL Mỹ ở độ cao 9.000 m vào thủ đô Tôkyo, Nhật Bản, chỉ có một chiếc B-29 bị bắn rơi!

Cho đến tận ngày nay, chưa bao giờ trong một cuộc chiến nào mà B-52 lại nếm mùi thất bại nặng nề như vậy trước một đối thủ kém hơn hẳn cả về số lượng và chất lượng vũ khí như trong tình huống bất ngờ mà KQCL Mỹ chủ động tạo ra với chiến dịch Linebacker-2.

Trong đợt một (từ 18-25/12/1972), Hà Nội chỉ có 11 tiểu đoàn tên lửa SAM-2 bảo vệ và sang đợt hai (từ 26-30/12/1972) mới có thêm 2 tiểu đoàn tên lửa nữa tham chiến. Xét về tương quan lực lượng thì thật là quá ít ỏi so với gần 200 chiếc B-52 và hơn 1.000 máy bay chiến thuật của Không quân và Hải quân Mỹ.

Mặc dù vậy, chiến dịch này lại là sự thảm bại lớn nhất và duy nhất cho đến nay của KQCL Mỹ trên thế giới, đúng theo luật nhân quả "ác giả, ác báo" khi lần đầu tiên hàng loạt B-52 bị bắn rơi tại chỗ vào đúng lúc đang gây tội ác.

Đồng thời, đây cũng chính là chiến công hiển hách và niềm tự hào của bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam – binh chủng đầu tiên của QĐNDVN được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1973.

Theo Đại tá Nguyễn Thụy Anh - Cục Khoa học Quân sự (Soha/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật