Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, nước này đang gấp rút hoàn thành và sẽ trang bị tên lửa Sarmat vào năm 2021. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ khó.
Nguồn tin quân sự Nga cho biết, việc Moscow tập trung vào hoàn thành RS-28 được cho là đã chứng minh tầm quan trọng của loại tên lửa này. Theo nhiều nhà phân tích, RS-28 Sarmat có thể sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2021, thời điểm thế hệ tên lửa R-36M2 Voyeyoda bị loại biên.
Theo kế hoạch trang bị, các sư đoàn của Lực lượng Tên lửa chiến lược (MSF) tại vùng Krasnoyarsk và Orenburg được cho sẽ là nơi đầu tiên nhận được các tên lửa RS-28 Sarmat.
Trước kế hoạch trang bị của Nga, nhiều chuyên gia cho rằng, thời điểm trang bị Sarmat của Nga khó có thể thực hiện được bởi theo Interfax ngày 3/4, Moscow đã phải dừng phóng tên lửa RS-28 Sarmat trong quý 2 năm 2017 như kế hoạch vì một số vấn đề phát sinh.
"Theo kế hoạch, ICBM Sarmat sẽ được phóng thử lần đầu trong tháng 4/2017, tuy nhiên vụ thử sẽ được chuyển sang quý 3 cùng năm do một số vấn đề phát sinh", nguồn tin cho biết.
Lực lượng tên lửa chiến lược Nga. |
Vụ phóng thử ICBM Sarmat sẽ được thực hiện tại sân bay vũ trụ Plesetsk, vùng Arkhangelsk. Việc lùi vụ phóng thử đầu tiên của ICBM Sarmat là để nhà máy tại Krasnoyarsk tiến hành rà soát lại toàn bộ kết cấu đạn tên lửa thử nghiệm. Lý do của việc chậm trễ này không được tiết lộ.
Tuy nhiên, tờ The Diplomat dẫn nguồn tin quân sự Nga cho biết, nguyên nhân của sự chậm trễ này do hệ thống phần cứng phát sinh lỗi và cần được kiểm tra trước khi đưa vào thử nghiệm.
Việc Nga lùi thời điểm thử nghiệm tên lửa Sarmat đã không còn khiến truyền thông nước này và cả phương Tây bất ngờ bởi đây là lần tiếp theo việc phóng thử tên lửa thế hệ mới này được Nga hoãn lại.
Được biết, hồi tháng 3/2016, hãng thông tấn TASS dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết: "Các cuộc thử nghiệm có thể bắt đầu vào cuối năm 2016". Như vậy, so với kế hoạch được Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov công bố hồi tháng 6/2015 cho thấy, kế hoạch phóng thử tên lửa Sarmat đã bị lùi lại đến 3 lần.
Trước khi dòng tên lửa mới này chính thức được thử nghiệm, trong tháng 5 và 6/2015, nguyên mẫu ICBM Sarmat đã được kiểm tra kỹ thuật và đánh giá tình trạng để xác định thời điểm phóng thử. Tuy nhiên, kết quả đánh giá đã được Nga bảo mật.
Nói về nguyên nhân chậm trễ, một đại diện của Lực lượng tên lửa chiến lược Nga hồi đầu năm 2016 cho biết: "Tiến trình hoàn thiện tên lửa đang được thực hiện nhanh chóng.
Sự chậm trễ chủ yếu do các công ty con chậm bàn giao các thành phần cấu thành lên tên lửa. Một số thành phần của tên lửa như động cơ và một số bộ phận riêng lẻ đang được thử nghiệm trước khi lắp đặt".
Vòng qua 2 cực Trái đất tấn công
Theo đánh giá của các chuyên gia tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat có thể mang theo được đầu đạn nặng 10 tấn và có khả năng tiêu diệt bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới.
Sarmat sẽ được sử dụng để thay thế cho tên lửa RS-20V Voivod và sẽ trang bị cho các đơn vị thuộc lực lượng tên lửa chiến lửa ở khu vực Uzhurskogo (Krasnoyarsk Territory) và Dombarovsky (vùng Orenburg).
Ngoài ra, Sarmat còn được sử dụng để thay thế cho tên lửa RS-36, một loại tên lửa đạn đạo đã lỗi thời của Nga, chúng đã phục vụ quân đội trong những năm 1970 và 1980.
Các chuyên gia quân sự tin rằng, sự xuất hiện của Sarmat trong lực lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa sẽ buộc Mỹ phải thay đổi kế hoạch triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa trên toàn cầu. Bởi vì khả năng đặc biệt của Sarmat sẽ mang được các đầu đạn và tấn công mọi hướng.
Để hoàn thành được nhiệm vụ này, Sarmat có kết cấu hai tầng, sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng do Energomash phát triển. Tầm bắn của Sarmat được xác định vào khoảng 17.000km cho phép tên lửa đạn đạo liên lục địa này có thể bắn theo phương thức vòng qua hai cực của Trái đất.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat đã được phát triển bởi Cục thiết kế tên lửa quốc gia Makeyev (ở thành phố Miass, vùng Chelyabinsk), việc sản xuất hàng loạt loại tên lửa này sẽ diễn ra ở nhà máy chế tạo máy Krasnoyarsk.
Theo Tuấn Hưng (Đất Việt)