Hải quân Mỹ vừa thử nghiệm thành công cú đánh chặn có tầm bắn xa nhất trong lịch sử lực lượng này, với tên lửa Standard Missile-6 (SM-6) do Raytheon sản xuất.
Tên lửa SM-6 Standard khai hỏa trên tàu chiến - Ảnh: Raytheon |
Tên lửa hải đối không SM-6 Standard của Raytheon vừa thiết lập kỷ lục mới về tầm đánh chặn trên đường chân trời trong lịch sử hải quân Mỹ, theo trang tin National Interest ngày 1.10.
Dòng vũ khí mới, cũng được trang bị chế độ đối hạm tầm xa, là một bộ phận của kế hoạch bảo vệ nhóm tấn công tác chiến tàu sân bay được gọi là hệ thống chiến đấu NIFC-CA.
Trong vụ bắn thử vào ngày 30.9 ở căn cứ hải quân Point Mugu tại miền nam California, tàu tuần dương USS Princeton (CG-59) lớp Ticonderoga được trang bị hệ thống Aegis, đã sử dụng đường truyền dữ liệu truy cập vào hệ thống NIFC-CA.
Nhờ vào dữ liệu truyền từ cảm biến trên không, nhiều khả năng là từ máy bay trinh sát E-2D Advanced Hawkeye của hãng Northrop Grumman gửi đến, tàu USS Princeton đã khóa và bắn hạ mục tiêu trên đường chân trời (nơi radar của tàu không thấy mục tiêu).
Tuần dương hạm USS Princeton (CG-59) - Ảnh: Hải quân Mỹ |
Dù Raytheon không công bố vị trí cũng như khoảng cách chính xác giữa nơi phóng tên lửa SM-6 với mục tiêu không nêu tên, tầm quét của radar S-band như trên tàu USS Princeton là 402 km đối với mục tiêu ở độ cao 10.668 m. Như vậy chí ít mục tiêu cũng ở xa hơn 400 km.
Bên cạnh đó, việc kết nối con tàu với máy bay như E-2D cho phép các tàu chiến khóa mục tiêu bên dưới đường chân trời của radar, và mục tiêu này được xem như là tên lửa đối hạm siêu thanh cỡ P-800 Oniks, tốc độ Mach 2,8 (3.457 km/giờ) của Nga.
Theo Thế Phương (VnExpress.net)