Trong khuôn khổ Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Bộ Quốc phòng đã tổ chức triển lãm một số loại vũ khí do Việt Nam cải tiến và chế tạo.
Theo đó, bên cạnh radar cảnh giới tầm trung băng sóng mét VRS-M2D do Tập đoàn Viettel chế tạo; pháo tự hành PTH 105-M1 cỡ 105 mm; pháo phản lực phóng loạt BM-21M-1... thì thu hút được nhiều sự chú ý nhất chính là tên lửa chống hạm KCT 15 do Việt Nam sản xuất.
|
Tên lửa chống hạm KCT 15. Ảnh: VOV.
|
Có thể dễ dàng nhận thấy KCT 15 (tên lửa chống tàu kiểu 2015) và bệ phóng có hình dáng bên ngoài rất giống với tên lửa chống hạm 3M24-E (Kh-35E) Uran-E do Nga sản xuất.
Như vậy, sau khi xuất hiện các thông tin từ năm 2013 về việc Việt Nam bắt đầu được Nga chuyển giao công nghệ tên lửa Uran-E để có thể tiến tới tự chế tạo trong nước, thì đây là lần đầu tiên loại tên lửa chống tàu tối tân này chính thức xuất hiện trước công chúng.
|
Tên lửa chống hạm Kh-35E Uran-E (phiên bản phóng từ tàu chiến). |
Theo dự đoán của một số chuyên gia quân sự, tên lửa chống hạm Uran-E do Việt Nam sản xuất có thể được áp dụng những công nghệ mới nhất trên phiên bản Uran-UE.
Điểm đáng chú ý nhất của biến thể Uran-UE là nhờ được trang bị động cơ mới, bổ sung cơ chế dẫn đường bằng cách tham chiếu qua vệ tinh cũng như tối ưu hóa quỹ đạo bay, nên mặc dù kích thước tên lửa và đầu đạn không đổi nhưng tầm bắn của Uran-UE đã tăng lên tới 260 km.
|
Tên lửa chống hạm Kh-35UE (Uran-UE) |
Đối với KCT 15 của Việt Nam, đã xuất hiện thông tin cho rằng tầm bắn của tên lửa sẽ được nâng lên 300 km và mang theo đầu đạn nặng 300 kg (so với tầm bắn 130 km và đầu đạn nặng 145 kg của nguyên bản).
Tuy nhiên sau khi quan sát quả tên lửa được trưng bày tại triển lãm, với kích thước của đạn và ống phóng gần như không có gì khác biệt so với tên lửa của Nga, thì có thể tạm cho rằng đầu đạn của KCT 15 không thể lên tới con số 300 kg.
Để mang được đầu đạn nặng gấp hơn 2 lần con số 145 kg đi xa, chỉ cần tới khoảng cách 260 km như Uran-UE thì chắc chắn thân tên lửa phải được kéo dài để có thêm không gian chứa nhiên liệu và đầu đạn, động cơ cũng phải là loại khỏe hơn và lớn hơn mới đủ sức đáp ứng.
Vì vậy, hiện nay chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng tên lửa chống hạm KCT 15 do Việt Nam sản xuất sẽ được trang bị động cơ mới của Uran-UE để nối dài tầm bắn (260 - 300 km) và bổ sung thuật toán dẫn đường tiên tiến để có độ chính xác cao hơn.
Nhưng kể cả trường hợp KCT 15 vẫn chỉ là Uran-E nguyên bản, chưa có được những nâng cấp của Uran-UE thì đây vẫn là một thành tựu rất đáng ghi nhận của nền Công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Việc sản xuất thành công tên lửa chống hạm KCT 15 đã góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân đội nhân dân Việt Nam, giúp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo trong tình hình mới.
>> Tại sao Việt Nam đóng hàng loạt tàu hộ vệ tên lửa Molniya?
>> Việt Nam sẽ sở hữu tới 16 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya?
>> Việt Nam có nên mua tên lửa Sosna cho tàu Molniya?
Theo Bạch Dương (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)