Mâu thuẫn trong gia đình Thủ tướng Singapore tiếp tục nóng với việc phe đối lập biểu tình đòi điều tra, nhưng từ đầu đến cuối ông Lý Hiển Long đã hành xử theo cốt cách của một quân tử.
Thủ tướng Lý Hiển Long trong lần phát biểu trước quốc hội ngày 3-7 - Ảnh: Reuters |
Ông Lý Hiển Long, trong vai trò người đứng đầu Chính phủ Singapore, đã có một hành động đúng đắn khi mang những cáo buộc chống lại mình ra trước quốc hội.
Hai người em ông Lý - bà Lý Vĩ Linh và ông Lý Hiển Dương - cáo buộc anh cả lạm dụng quyền lực để áp đặt ý muốn của mình trong việc thực hiện di chúc của ông Lý Quang Diệu.
Câu chuyện về bản di chúc chủ yếu mang tính gia đình, nhưng thủ tướng Singapore do quốc hội bổ nhiệm và trước một cáo buộc nghiêm trọng như thế, ông không thể không giải trình trước quốc hội.
Phát ngôn trong Quốc hội Singapore cần phải theo trình tự, nhưng lần này ông Lý Hiển Long đã chỉ thị gác lại quy định đó và để mọi người phát ngôn tự do.
Ông Lý cũng công bố ra công chúng văn bản ghi chép lời phát biểu của mình trong quốc hội, có nghĩa lời nói của ông sẽ không được hưởng quy chế miễn truy cứu trách nhiệm phát ngôn trong quốc hội - một đặc quyền tất cả các nghị sĩ đều được hưởng.
Một số thành viên đảng cầm quyền thậm chí còn đưa ra các câu hỏi hóc búa hơn cả đảng đối lập, ví dụ như: Tại sao lúc đầu ông định bán nhà giá 1 đôla cho em gái, nhưng về sau lại bán nhà theo giá thị trường? Liệu vấn đề của gia đình ông đã thể hiện cách xử lý của chính phủ là không thấu đáo?...
Cuộc biểu tình nhỏ cuối tuần qua đòi điều tra các cáo buộc đối với Thủ tướng Lý Hiển Long chỉ đơn thuần mang tính đối lập chính trị.
Trên thực tế, đa số người dân Singapore đồng tình với kết luận do quốc hội đưa ra trước đó: Đây là việc gia đình riêng của gia đình ông Lý, nhưng nhà nước có quyền xem xét bảo tồn căn nhà số 38 đường Oxley.
Tầng hầm của ngôi nhà này đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong quá trình xây dựng đất nước Singapore. Do đó, nhà nước có quyền cân nhắc bảo tồn ngôi nhà theo luật bảo tồn di sản lịch sử.
Bản thân ông Lý Quang Diệu đã vài lần thay đổi quyết định của mình trong di chúc về tương lai của ngôi nhà; đến di chúc thứ 6 thì ông đã công nhận có khả năng chính phủ sẽ yêu cầu không phá ngôi nhà, đồng thời dặn dò nếu ngôi nhà cần bảo tồn thì phải sửa lại.
Chính ông ấy đã ký quyết định cho kiến trúc sư sửa nhà, nhưng không rõ vì sao khi đến di chúc cuối cùng thì lại đổi ý. Bên trong bản di chúc cuối có một số khúc mắc...
Người ta có câu nói “nước lặng thì đáy sâu”, các vấn đề giữa anh em gia đình họ Lý đã tồn tại trong một thời gian rất dài. Nếu nghĩ một cách sâu xa hơn thì đó không chỉ là về ngôi nhà.
Trong đó còn có những vấn đề khác mang bản chất triết học, chẳng hạn như đâu là quyền nhà nước, quyền công dân; quy trình pháp lý nào đúng đắn để lập di chúc, trách nhiệm chính trị của nhà nước; mạng xã hội và những tin tức sai lệch...
Một vấn đề mang tính cảm xúc Chuyện tranh cãi của gia đình ông Lý Hiển Long không quá nghiêm trọng để ảnh hưởng đến xã hội Singapore. Vấn đề chỉ xoay quanh các ý kiến về việc bảo tồn căn nhà, nơi ông Lý Quang Diệu sống cả cuộc đời. Cũng như nhiều di tích khác trên thế giới, Ủy ban Di sản của Singapore có thể cân nhắc một số hình thức bảo tồn căn nhà để ghi nhớ ông Lý Quang Diệu. Trước đây, nhà của những nhân vật nổi tiếng Singapore từng được chỉ định trở thành các công trình di sản, do đó trường hợp này không có gì quá bất thường. Nếu ông Lý Hiển Long không phải là thủ tướng thì chuyện có lẽ không ồn ào đến vậy. Quá trình đánh giá ngôi nhà sẽ diễn ra và chính phủ sẽ quyết định đâu là giải pháp tốt nhất cho các thế hệ tương lai. Là một quốc gia nhỏ, Singapore sẽ phải tiếp tục dò tìm hướng đi và thích nghi một cách nhanh chóng để tồn tại. Đây chỉ là một vấn đề mang tính cảm xúc và nó sẽ nhanh chóng trôi qua. Ông Ng Loeng Pen (kỹ sư về hưu, 67 tuổi) |
Chọn giải pháp Theo báo Straits Times, hai người em ông Lý Hiển Long những ngày qua đã đề nghị chấm dứt cuộc khẩu chiến với anh trai. Đáp lại, Thủ tướng Lý cũng bày tỏ nguyện vọng muốn giải quyết vấn đề trong riêng tư. Nhà chức trách Singapore đã đưa ra một số giải pháp thỏa hiệp về ngôi nhà của cố thủ tướng Lý Quang Diệu, trong đó có việc giữ lại mỗi căn phòng ăn dưới tầng hầm và xây thêm một trung tâm di sản. Tuy nhiên, ngày nào bà Lý Vĩ Linh còn sống trong ngôi nhà thì mọi dự tính chỉ là… dự tính. Người con gái của ông Lý Quang Diệu năm nay 62 tuổi và bà chưa có kế hoạch dọn đi đâu. |
Theo Minh Trung (Tuổi Trẻ)