Hola!, tạp chí Tây Ban Nha chuyên về giới giải trí, tuần trước đăng ảnh diễn viên kiêm người dẫn chương trình truyền hình Ana Obregon ngồi xe lăn, tay bế một em bé rời bệnh viện ở Miami, Mỹ. Bức ảnh này gây nhiều chú ý ở Tây Ban Nha.
Ngày 5/4, Obregon cho biết em bé là cháu nội của mình. "Con bé là con gái của Aless. Khi cháu lớn lên, tôi sẽ kể cho cháu nghe bố nó đã dũng cảm như thế nào, để nó biết bố là ai và tự hào về bố", bà nói, nhắc đến người con trai qua đời năm 2020 vì ung thư. "Quá trình tìm người hiến trứng và người mang thai hộ bắt đầu từ ngày con trai tôi lên thiên đường".
Bà kể khi bác sĩ bắt đầu hóa trị liệu cho Aless, họ khuyên nên trữ đông tinh trùng phòng ngừa hóa trị ảnh hưởng đến việc sinh con. "Tinh trùng được bảo quản ở New York. Ngày hôm đó trong bệnh viện, Aless đã rất yếu và nói rằng nếu không sống nổi, nó vẫn muốn có con trên đời", Obregon cho biết.
"Kể từ đó, điều duy nhất là động lực sống cho tôi mỗi ngày, mỗi giây, là hoàn thành sứ mệnh đưa con của Aless đến với thế giới", bà nói.
Sự việc đã làm dấy lên cuộc tranh luận cả về pháp lý và đạo đức ở Tây Ban Nha. Luật pháp nước này cấm việc mang thai hộ và chỉ cho phép sử dụng các mẫu tinh trùng để thụ thai cho phụ nữ góa bụa trong vòng 12 tháng sau cái chết của người bạn đời, với sự cho phép rõ ràng của họ.
Obregon nói với Hola! rằng em bé, Ana Sandra Lequio Obregon, sinh ngày 20/3 tại Miami và mang quốc tịch Mỹ. Đứa trẻ sẽ được đăng ký tại lãnh sự quán Tây Ban Nha ở Miami trước khi về nước.
Một số người đặt câu hỏi liệu Obregon có thể mang một đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp bất hợp pháp theo luật Tây Ban Nha vào nước này hay không.
Nữ diễn viên cho biết bà có tài liệu chứng minh rằng mình được pháp luật công nhận là mẹ của đứa bé ở Mỹ và việc nhận nuôi một đứa trẻ sinh ra ở nước ngoài là hợp pháp ở Tây Ban Nha.
Trong khi một số chuyên gia nói rằng tính pháp lý của tình huống này là không rõ ràng, nhiều nhà bình luận cho biết đứa trẻ sẽ không có khả năng phải đối mặt với bất kỳ vấn đề pháp lý nào khi về nước.
Tuy nhiên, vụ việc cũng đặt ra những câu hỏi về đạo đức đối với quá trình mang thai hộ. Luật pháp Tây Ban Nha coi hành vi này là "một hình thức bạo lực đối với phụ nữ".
Những người khác đặt nghi vấn về tuyên bố của Obregon nói rằng bà đang thực hiện ước nguyện cuối cùng của con trai.
Giáo sư triết học Gonzalo Velasco cho biết trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Cadena Ser: "Đối với tôi, có vẻ như mong muốn của người quá cố là tinh trùng của anh ấy được sử dụng để thụ thai với trứng trong cơ thể của một phụ nữ ở quốc gia khác. Nó nghe thật phức tạp".
Verónica Fumanal, Chủ tịch Hiệp hội Truyền thông Chính trị (ACOP) của Tây Ban Nha, cho biết câu chuyện khiến bà liên tưởng đến bộ phim truyền hình đen tối Black Mirror.
"Bà ấy đã 'mua' cho mình một đứa cháu gái bằng tinh trùng của đứa con trai đã chết", Fumanal nói.
Obregon tìm cách xoa dịu cuộc tranh cãi, gọi lời chỉ trích nhằm vào mình là "lố bịch" vì việc mang thai hộ là hợp pháp ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tây Ban Nha là một trong nhiều nước quy định mang thai hộ là bất hợp pháp. Trong một số ít trường hợp, mang thai hộ có thể hợp pháp nhưng bị hạn chế rất nhiều.
Những hạn chế này cộng với chi phí cao đã thúc đẩy các cặp vợ chồng tìm kiếm người đẻ thuê ở nước ngoài, kể cả ở Mỹ, nơi quy trình đơn giản hơn.
Obregon nói với Hola! việc mang thai hộ "rất bình thường" ở Mỹ. Nữ diễn viên dự kiến phát hành cuốn sách kể về câu chuyện của gia đình vào ngày 19/4.
PN (SHTT)