Xinhua ngày 25/11 cho biết tàu sân bay thế hệ mới Type 002 của nước này đang được chế tạo tại xưởng. Đây là thông báo chính thức đầu tiên của Trung Quốc về dự án đóng tàu sân bay thứ ba, nằm trong tham vọng sở hữu 4 tàu sân bay vào năm 2030 của Bắc Kinh.
Tàu sân bay Type 002 được dự đoán có kích thước lớn hơn mẫu tiền nhiệm Type 001A và được trang bị nhiều công nghệ hiện đại hơn. Con tàu này sẽ có sàn đáp phẳng gắn máy phóng điện từ (EMAL) tương tự tàu sân bay USS Gerald Ford của Mỹ, loại bỏ thiết kế cầu nhảy trên hai tàu sân bay trước, giúp tăng tần suất xuất kích và giảm hao mòn cho máy bay.
Tuy nhiên, một số nguồn tin của SCMP cho biết dự án đóng tàu sân bay Type 002 đang bị chững lại do thiếu ngân sách, hậu quả của những tác động từ chiến tranh thương mại với Mỹ và hoạt động cải tổ quân đội nước này. Chi phí cho chương trình phát triển tiêm kích hạm J-15 bị đội lên đáng kể cũng cản trở tham vọng tàu sân bay Trung Quốc.
"Một nhà máy đóng tàu Trung Quốc đã lên kế hoạch chế tạo tàu sân bay Type 002 thứ hai và là tàu sân bay thứ tư của Trung Quốc, tuy nhiên dự án này mới bị ngừng lại do tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Có lẽ Trung Quốc không muốn Mỹ phật lòng thêm và kinh tế hai nước cũng tăng trưởng chậm lại kể từ khi tranh chấp thương mại bắt đầu", nguồn tin cho biết.
Dự án phát triển tiêm kích hạm J-15 bị đội vốn là lý do khác khiến chương trình phát triển tàu sân bay của Trung Quốc bị ảnh hưởng. "Một vấn đề khác là động cơ trên tiêm kích J-15 có tuổi thọ ngắn, dù tiêm kích này hiện được trang bị động cơ WS-10H Taihang hiện đại và mạnh hơn", một chuyên gia tham gia dự án cho biết.
Công nghệ tua bin mới nâng tuổi thọ của động cơ WS-10 từ 800 giờ bay lên 1.500 giờ bay, nhưng còn kém nhiều so với tuổi thọ 4.000 giờ bay của động cơ General Electric F414 trên tiêm kích hạm F-18 Super Hornets Mỹ.
"Tuổi thọ ngắn khiến Trung Quốc cần nhiều động cơ hơn để vận hành tiêm kích J-15. Mỗi động cơ WS-10H có giá hàng trăm nghìn USD, khiến dự án này trở nên rất đắt đỏ", chuyên gia tham gia dự án chế tạo tàu sân bay Type 002 giải thích.
Theo một số chuyên gia quân sự, Trung Quốc chưa thành công trong dự án phát triển tiêm kích hạm mới cho tàu sân bay Type 002 để thay thế tiêm kích J-15 vốn còn nhiều lỗi và gặp nhiều tai nạn. Tháng 4/2016, tất cả tiêm kích hạm J-15 bị cấm bay ba tháng sau vụ tai nạn khiến phi công Zhang Chao thiệt mạng.
Các chuyên gia quân sự nói rằng Trung Quốc nhận thức rõ ràng về khoảng cách rất lớn giữa hải quân nước này với hải quân Mỹ, lực lượng đang sở hữu 11 nhóm tác chiến tàu sân bay và tám trong số này có thể tham chiến cùng lúc.
Dù chương trình phát triển tàu sân bay của Trung Quốc đang chậm lại vì nhiều lý do, trong đó có tác động từ chiến tranh thương mại, Mỹ không đánh giá thấp tiềm lực phát triển của quân đội Trung Quốc. Đầu tháng 11, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo sức mạnh của Trung Quốc đang gia tăng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Một quan chức Mỹ nói rằng trong vòng chưa đầy 20 năm, quân đội Trung Quốc có thể áp đảo quân đội Mỹ tại khu vực này.
Hiện Trung Quốc sở hữu hai tàu sân bay là Liêu Ninh và Type 001A, hai chiến hạm này được chế tạo trên cơ sở thiết kế của tuần dương hạm hạng nặng chở máy bay lớp Kuznetsov với cầu nhảy. Tàu sân bay Type 001A do Trung Quốc tự đóng có kích thước lớn hơn so với tàu sân bay Liêu Ninh, vốn được cải hoán từ tuần dương hạm Varyag.
Theo Nguyễn Tiến (VnExpress.net)