Tàu sân bay Anh lên đường đến cửa ngõ Trung Quốc

24/05/2021 08:32:59

Trong suốt hơn 800 năm, các tàu hải quân Anh đều từ bến cảng Portsmouth toả đi các đại dương. Tháng 5 này, Hải quân Hoàng gia Anh bước vào một kỷ nguyên mới với chuyến ra khơi đầu tiên của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cùng một nhóm tàu tấn công, thực hiện chuyến đi kéo dài 7 tháng để đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tàu sân bay Anh lên đường đến cửa ngõ Trung Quốc
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trị giá 3 tỷ bảng trên vùng cảng Portsmouth. Ảnh: SWNS

Ở đó, nhóm tàu này sẽ tham gia các hoạt động khẳng định quyền tự do hàng hải trên các vùng biển mở. “Một trong những điều mà chúng tôi sẽ làm là thể hiện với những người bạn ở Trung Quốc rằng chúng tôi tin vào luật pháp quốc tế trên biển, và theo một cách tin tưởng chứ không phải đối đầu, chúng tôi sẽ nhấn mạnh điều đó”, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói trong khi thăm HMS Queen Elizabeth hôm 21/5. Ngày 22/5, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nữ hoàng Anh Elizabeth cũng đã thăm tàu sân bay này.

Một vài người có thể băn khoăn vì sao Anh lại “bước chân” vào những vùng biển đầy sóng gió ở mãi châu Á. Vì sao London đột nhiên cam kết duy trì “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do” như khẩu hiệu mà hai chính quyền Trump và Biden của Mỹ sử dụng? Hay vì sao không chỉ Anh mà ngày càng nhiều quốc gia lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh?

Theo bài viết đăng trên Foreign Policy của nhà nghiên cứu Michael Auslin, thuộc ĐH Stanford (Mỹ), nguy cơ đối đầu Mỹ - Trung thường được dẫn ra như một mối đe dọa chính đối với hoà bình toàn cầu. Nguy cơ đó bị một số người cho là hậu quả của chính sách mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi để đảo ngược 4 thập kỷ hợp tác Mỹ - Trung. Những bước đi của ông Trump, như tăng thuế, cấm xuất khẩu nhiều hàng công nghệ cho Trung Quốc, gia tăng hoạt động trên Biển Đông và tăng cường quan hệ với Đài Loan (Trung Quốc), dẫn đến cảnh báo rằng Washington đang biến Trung Quốc thành kẻ thù và đẩy hai nước đến gần một cuộc xung đột hơn.

Nhưng nếu chỉ Mỹ có lỗi khi gây căng thẳng với Trung Quốc thì chắc chắn những quốc gia khác sẽ tránh Washington, bằng cách đứng sang một bên hoặc phản đối các chính sách của Mỹ. Trên thực tế, Bắc Kinh đang là mục tiêu chỉ trích của nhiều quốc gia. Từ các chiến dịch gây ảnh hưởng đến tấn công mạng, đe dọa kinh tế đến quân sự hoá các vùng biển quốc tế, Bắc Kinh đang thực hiện chính sách an ninh và ngoại giao kiểu “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”. Những điều này không liên quan đến quan hệ Trung - Mỹ.

Căng thẳng nhất hiện nay là quan hệ Úc - Trung Quốc. Úc hứng hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế từ đối tác thương mại lớn nhất của mình từ khi Canberra thông qua luật chặn tiền từ Trung Quốc chảy vào hệ thống chính trị của mình, cấm Huawei tham gia mạng 5G, và kêu gọi tiến hành cuộc điều tra quốc tế để làm rõ nguồn gốc đại dịch COVID-19. Những bước đi đó dẫn đến việc Bắc Kinh chấm dứt đối thoại kinh tế với Canberra, cấm hoặc tăng thuế mạnh lên hàng tỷ đô la hàng hoá Úc, từ thịt bò, rượu vang, gỗ, than đến tôm hùm. Đáp lại, Ngoại trưởng Úc Marise Payne huỷ 2 dự án trong khuôn khổ Vành đai Con đường, và một tướng Úc cảnh báo nguy cơ hai nước xảy ra xung đột vũ trang.

Vai trò của Anh và Pháp

Nhà nghiên cứu Auslin viết rằng mọi người có thể đồng ý hay bất đồng với chính sách của ông Trump hay ông Biden với Trung Quốc. Nhưng một điều rõ ràng là những quốc gia khác cũng đang chia sẻ lo ngại về những mối đe dọa mà Bắc Kinh gây ra đối với ổn định khu vực, tự do hàng hải, chính sách kinh tế, sở hữu trí tuệ…

Trong bối cảnh đó, khát vọng của Anh về việc can dự nhiều hơn vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là điều có thể hiểu được, Thủ tướng Anh Boris Johnson từng nói ông là “người nhiệt thành với Trung Quốc”. Nhưng Chính phủ Anh nhận ra rằng họ phải đối diện với Trung Quốc như thực tế, chứ không phải một Trung Quốc như họ muốn.

Washington và các đối tác châu Á đang cân nhắc xem liệu những nước ngoài châu Á khác có thể đóng một vai trò chung hay không. Với câu hỏi đó, Pháp và Anh có vẻ là ứng viên phù hợp nhất. Ngoài sự phụ thuộc của hai nước này vào các tuyến thương mại mở, Anh và Pháp còn có hàng triệu công dân đang sinh sống và làm việc ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và châu Úc. Cả hai đều xác định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là mối quan tâm chiến lược chủ chốt của họ.

Pháp gần đây công bố nhiều chiến lược châu Á, còn Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này trong Đánh giá tích hợp mà họ công bố gần đây. Không ai nghĩ rằng Paris hay London có thể đóng vai trò ngang với Washington, nhưng lợi ích của họ cũng không nên bị gạt bỏ.

Theo Thu Loan (Tiền Phong)