Tàu ngầm Sōryū Nhật Bản - song kiếm cùng Kilo Việt Nam?

17/11/2015 14:43:26

Có giá bán tương đối cao nhưng Sōryū có thể coi là lớp tàu ngầm ngang ngửa, thậm chí là vượt trội về khả năng tác chiến so với Kilo cải tiến.

Có giá bán tương đối cao nhưng Sōryū có thể coi là lớp tàu ngầm ngang ngửa, thậm chí là vượt trội về khả năng tác chiến so với Kilo cải tiến.
 

Sōryū có thể được coi là một trong những tàu ngầm tiến công hiện đại nhất châu Á và Thế giới.

Sau khi hoàn tất hợp đồng mua 6 tàu ngầm Đề án Kilo-636.1 (lớp Kilo cải tiến), Việt Nam sẽ sở hữu lực lượng tàu ngầm mạnh nhất tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, trước các nguy cơ tiềm tàng trong tương lai, không thể chỉ dừng lại ở con số 6 tàu như hiện nay.

Việc tìm kiếm một loại tàu ngầm mới và khác biệt sẽ là điều bắt buộc để bảo đảm khả năng chiến đấu cho lực lượng tàu ngầm của Việt Nam.

Ngoài những ứng cử viên nổi bật như tàu ngầm Type 214 (Đức) hay Amur (Nga), Việt Nam có thể xem xét lớp tàu Sōryū (16SS) của Nhật Bản.

Sōryū là tàu ngầm tấn công sử dụng động cơ diesel-điện do Nhật Bản phát triển.

Tổng quan về lớp tàu ngầm Sōryū

Sōryū là lớp tàu ngầm tấn công sử dụng động cơ diesel-điện do Nhật Bản tự phát triển và đưa vào biên chế của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) từ năm 2009.

Thiết kế của Sōryū được phát triển từ lớp Oyashio, với điểm khác biệt nổi bật nhất chính là cánh đuôi xếp hình chữ X, thay vì dạng chữ thập như các tàu ngầm truyền thống.

Với lượng giãn nước 2.900 tấn (khi nổi) và 4.200 tấn (khi lặn), Sōryū là lớp tàu ngầm có giãn nước lớn nhất của Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng như lớn hơn nhiều so với các đối thủ như Scorpene hay cả lớp Kilo cải tiến, vốn có giãn nước tương đối lớn.

Điều này giúp Sōryū mang được nhiều vũ khí hơn, cũng như tăng tầm hoạt động và giảm độ ồn.

Sōryū cũng là tàu ngầm đầu tiên của Nhật được trang bị động cơ đẩy không khí độc lập (AIP). Đây là công nghệ động lực tiên tiến, giúp tăng tầm hoạt động và khả năng lặn cho tàu ngầm.

Phiên bản mới nhất của lớp Sōryū được trang bị pin Li-ion thay cho các khối pin AIP trên các tàu trước đó.

Tàu có thể mang theo 30 ngư lôi Type-89 với tầm bắn từ 39-50km và/hoặc tên lửa chống hạm UGM-84 Harpoon. Số vũ khí này được phóng qua 6 ống phóng 533mm.

Về thiết bị trinh sát, Sōryū được trang bị một loạt cảm biến khác nhau. Tàu có thể sử dụng radar nhìn vòng tầm thấp ZPF-6S, tổ hợp sonar Hughes/Oki ZQQ-7 bao gồm một sonar mũi, 4 sonar sườn và một sonar kéo sau đuôi.

Để phòng vệ, Sōryū có hệ thống ESM ZLR-3-6 và 2 ống phóng mồi bẫy dưới nước. Về cơ bản, Sōryū có thể được coi là lớp tàu ngầm tấn công sử dụng động cơ diesel-điện hiện đại nhất khu vực châu Á, cũng như hàng đầu thế giới hiện nay.
 
 

Người bạn đồng hành đáng tin cậy cho Kilo cải tiến

Lớp tàu ngầm Kilo-636 cải tiến của Nga đã và đang đóng cho Hải quân Việt Nam có giãn nước khoảng 2.300 tấn (khi nổi) và 3.900 tấn (khi lặn), kém hơn vài trăm tấn so với Sōryū.

Kích thước của hai tàu cũng có sự chênh lệch khá đáng kể, Sōryū dài hơn Kilo cải tiến khoảng 10m. Điều này tác động trực tiếp tới khả năng mang vũ khí và các hệ thống tác chiến trên tàu.

Sōryū có thể mang 30 quả ngư lôi hoặc tên lửa chống hạm, trong khi Kilo cải tiến chỉ mang được 18 ngư lôi hoặc tên lửa Klub-S. Nhờ đó, Sōryū có thể tấn công được nhiều mục tiêu hơn, hoặc tấn công một vài mục tiêu với dự trữ hỏa lớn hơn nhiều.

Độ sâu hoạt động của hai tàu cũng rất chênh lệch. Kilo chỉ xuống sâu tối đa 300m và thường lặn ở độ sâu 240m, trong khi một số thông tin cho rằng Sōryū có thể xuống tới 500-600m.

Điều này giúp Sōryū ẩn mình tốt hơn và tới được những khu vực mà Kilo chỉ có thể "ngồi nhìn". Bên cạnh đó, hệ thống AIP cũng giúp Sōryū lặn lâu hơn, trong khi Kilo phải nổi lên hoặc dùng ống thở để chạy động cơ diesel và sạc pin điện.

Hiện tại Nga mới chỉ thử nghiệm động cơ AIP trên tàu ngầm lớp Lada và còn lâu mới có thể biên chế số lượng lớn hệ thống này trên tàu ngầm.

Hệ thống cảm biến sonar trên Sōryū cũng đa dạng hơn, với một loạt sonar từ mũi đến đuôi tàu. Nó đem lại bức tranh tổng thể về môi trường xung quanh, cũng như phát hiện được đối phương từ nhiều hướng.

Trong khi đó, hệ thống sonar MGK-400EM của Kilo cải tiến khó có thể trinh sát và bám bắt mục tiêu từ nhiều hướng một cách hiệu quả.

Hiện nay, Việt Nam cũng đang đi theo xu hướng đa dạng hóa nguồn cung vũ khí trang bị. Lớp Sōryū khác xa với lớp Kilo cải tiến thuộc hệ Nga mà nhiều nước đang sử dụng, giúp tránh tình trạng "bỏ trứng vào một rổ".

Nhờ đó, biên đội tàu ngầm của Việt Nam hoàn toàn có thể gây bất ngờ cho đối phương trong chiến đấu và không sợ bị bắt bài.

Về triển vọng xuât khẩu lớp Sōryū, Nhật Bản đã tỏ ý sẵn sàng bán các tàu ngầm này cho các quốc gia thân thiết. Hiện đã có Australia và Ấn Độ ngỏ ý muốn mua tàu ngầm Sōryū về để tăng cường năng lực tác chiến cho Hải quân.

Điều đó sẽ giúp giá bán của tàu giảm xuống và phù hợp với túi tiền của những nước ít có điều kiện như Việt Nam. Chuyến thăm cảng Cam Ranh của Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cũng là mở đầu cho sự hợp tác quân sự giữa hai nước.

Mặt cắt của tàu ngầm tấn công Sōryū.

Vẫn còn nhiều trở ngại

Vấn đề đầu tiên chính là giá bán của lớp Sōryū. Mỗi tàu ngầm lớp này đều có giá khoảng xấp xỉ 550 triệu USD, cao hơn nhiều so với con số 300 triệu USD cho mỗi tàu ngầm lớp Kilo cải tiến mà Việt Nam mua từ Nga.

Hơn nữa, con số này là giá bán của phiên bản nội địa, trong khi bản xuất khẩu nhiều khả năng sẽ có giá cao hơn nhiều. Ở cùng con số 2 tỷ USD cho 6 tàu ngầm lớp Kilo cải tiến, Việt Nam có thể sẽ chỉ mua được 3 hoặc 4 chiếc Sōryū.

Chưa kể tới chi phí huấn luyện cán bộ, phụ tùng thay thế bảo dưỡng và xây dựng cơ sở hạ tầng mà theo tiêu chuẩn Nhật Bản là khá đắt đỏ.

Tiếp đó, Việt Nam và Nhật Bản vẫn chưa có hợp đồng mua bán vũ khí quân sự nào trong lịch sử. Quốc hội Nhật Bản vẫn chưa phê chuẩn việc bán vũ khí cho một nước như Việt Nam.

Do đó, rất khó để phía Việt Nam mua được loại tàu ngầm hiện đại và nguy hiểm nhất trong thời điểm hiện tại của Nhật Bản.

Có thể trong tương lai, quan hệ giữa hai nước sẽ trở nên thân thiết hơn, nhưng đây vẫn sẽ là một rào cản không nhỏ trong việc sở hữu lớp tàu ngầm hiện đại như Sōryū.

Việc mua lớp Sōryū cũng buộc Việt Nam phải đưa các lớp cán bộ mới đi đào tạo với thời gian không ngắn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại các căn cứ tàu ngầm cũng phải được xây mới để phục vụ cho loại tàu ngầm khác hệ với Kilo cải tiến.

Sōryū sử dụng tên lửa chống hạm UGM-84 Harpoon của Mỹ. Hiện Mỹ chưa gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, do vậy ngay cả khi mua được Sōryū, Việt Nam cũng chưa chắc đã trang bị được vũ khí chống hạm tầm xa.

Như vậy là một sự lãng phí rất lớn, nhất là khi Kilo cải tiến được trang bị tổ hợp vũ khí Klub-S với các phiên bản tên lửa chống hạm, chống ngầm và đối đất.

Vấn đề cuối cùng chính là tuổi thọ của tàu. JMSDF thường chỉ cho các tàu ngầm hoạt động trong vòng 20 năm, sau đó loại biên và chuyển sang lớp tàu mới, thay vì kéo dài tuổi thọ sử dụng cho các tàu cũ.

Trong khi đó, khách hàng như Việt Nam lại muốn các tàu có niên hạn sử dụng lớn. Điều đó buộc phía Nhật Bản phải thay đổi quy trình chế tạo tàu ngầm cũng như phụ tùng sửa chữa thay thế.

Hiện Nhật vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo dưỡng lâu dài các hệ thống vũ khí phức tạp. Tuy nhiên, với tiềm lực của nền công nghiệp Nhật Bản, đây không phải vấn đề quá nghiêm trọng.

Nhìn chung, nếu vượt qua được vấn đề về quan hệ ngoại giao quân sự và giá bán, Sōryū hoàn toàn có thể sẽ là cái tên tiếp theo xuất hiện trong biên chế của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Theo Minh Hoàng (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật