Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio là loại tàu ngầm lớn nhất trong biên chế của Hải quân Mỹ. Với khả năng hoạt động không giới hạn, chạy êm, có tính năng tàng hình, tàu ngầm lớp Ohio có thể dễ dàng tiếp cận mục tiêu và phóng tên lửa, gây bất ngờ cho đối phương.
Trung Quốc gần đây triển khai kế hoạch chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) tập trung vào một mục đích cụ thể là hạn chế sức mạnh của quân đội Mỹ, đặc biệt là lực lượng không quân và hải quân, với phương pháp tác chiến truyền thống đó là dùng hỏa lực áp đảo đối phương từ xa.
Trong chiến thuật này, Trung Quốc lựa chọn vũ khí hàng đầu của họ là Đông Phong 21D (DF-21D), loại tên lửa đạn đạo chống hạm được Bắc Kinh tung hô là "sát thủ tàu sân bay". Với tầm bắn lên tới 1.500 km, DF-21D đủ sức ngăn chặn các biên đội tàu sân bay và tàu tên lửa tiếp cận, tiến công lãnh thổ Trung Quốc.
Như vậy, "trong ngày đầu chiến dịch", sức mạnh sở trường của Mỹ là từ các tàu sân bay và tàu tên lửa đã không thể tham gia. Gánh nặng lúc này chỉ còn trông chờ vào các phi đội máy bay ném bom tàng hình tầm xa như B-2 Spirit hoặc trong tương lai là B-21 Raider cùng với tên lửa Tomahawk từ một số tàu ngầm mang tên lửa hành trình tiến công mặt đất (SSGN) lớp Ohio.
Với khả năng tàng hình và hỏa lực cực mạnh, những chiếc SSGN lớp Ohio được cho là "thanh bảo kiếm" lý tưởng, có thể dễ dàng xuyên thủng A2/AD của Trung Quốc hiện nay.
Hỏa lực ấn tượng
Theo thiết kế ban đầu, tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio được chế tạo theo triết lý của thời Chiến tranh Lạnh. Với mục đích răn đe hạt nhân, các tàu lớp Ohio được chế tạo để mang tên lửa đạn đạo (mỗi chiếc Ohio tối đa mang được 40 quả tên lửa Trident II). Đến năm 2000, tàu được cải tạo lại để có thể phóng được các loại tên lửa hành trình tiến công mặt đất Tomahawk (TLAM).
Sau khi chuyển đổi, một chiếc SSGN Ohio có thể mang 154 TLAM, bằng hơn một nửa tổng số tên lửa Tomahawk được Mỹ sử dụng trong Chiến dịch "Bão táp Sa mạc". Hơn nữa, một chiếc Ohio có thể phóng toàn bộ số tên lửa Tomahawk chỉ trong 6 phút, khiến nó trở thành một vũ khí lý tưởng trong giai đoạn mở đầu chiến dịch, phá thế A2/AD của Trung Quốc.
Vai trò của những chiếc Ohio càng quan trọng hơn khi hỏa lực của của nó giúp chế áp các trận địa phòng không, các đài radar cảnh giới tầm xa cũng như các trung tâm chỉ huy quan trọng trong "ngày đầu chiến dịch", tạo điều kiện giúp các loại máy bay ném bom tàng hình tầm xa, dễ dàng thực hiện các đòn tấn công hủy diệt hơn.
Điều này đã được thực tiễn kiểm chứng, trong chiến dịch "Bình minh Odyssey" tiến công vào Libya năm 2011, chiếc tàu ngầm USS Florida lớp Ohio lần đầu tiên thực chiến đã phóng 50 trong tổng số 112 quả Tomahawk trong ngày đầu chiến dịch làm tê liệt ngay lập tức hệ thống phòng không hùng mạnh của Libya được dày công xây dựng dưới thời Tổng thống Gaddafi.
Trong toàn bộ chiến dịch kéo dài 2 tuần này, chỉ riêng chiếc USS Florida đã phóng 93 trong tổng số 199 quả Tomahawk.
Hiện nay, lớp Ohio cũng là những chiếc tàu chiến mang được nhiều tên lửa Tomahawk nhất. Những chiếc SSGN khác hiện có trong biên chế của Hải quân Mỹ như tàu ngầm lớp Virginia hoặc lớp Los Angeles cải tiến chỉ có thể mang theo tối đa 12 (48) quả Tomahawk. Số tên lửa này có thể cạn kiệt nhanh chóng trong cuộc chiến khi đối thủ sử dụng các biện pháp A2/AD.
Không chỉ mang được số tên lửa "khủng" so với các loại tàu ngầm lớp khác, những chiếc SSGN Ohio còn "vượt mặt" cả đối với những người "anh em" tàu nổi trong biên chế Hải quân Mỹ.
Ví dụ, tàu tuần dương lớp Ticonderoga có 122 ống phóng thẳng đứng (VLS) nhưng nó phải giành 1/2 số VLS để sử dụng phóng tên lửa phòng không để bảo vệ hạm đội hay tàu khu trục lớp Arleigh Burke chỉ có 29/96 VLS được sử dụng để phóng tên lửa Tomahawk.
Một cụm tàu sân bay của Mỹ điển hình bao gồm một chiếc Ticonderoga và hai chiếc Burke, như vậy số tên lửa Tomahawk mà cụm tàu này mang theo không bằng một chiếc tàu ngầm lớp Ohio.
Khả năng bị phát hiện thấp
Với trình độ công nghệ hiện nay (và có thể trong thời gian tiếp theo), Trung Quốc khó có khả năng ngăn chặn sự tiếp cận của các loại tàu ngầm Mỹ. Đây sẽ là lợi thế lớn của tàu ngầm so với lực lượng tàu nổi.
Những chiếc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Ohio khiến các phương tiện săn ngầm của Liên Xô trước kia và Nga hiện nay bất lực trong việc tìm kiếm. Ngoài đại dương, các tàu ngầm loại này hoạt động âm thầm, có thể tiếp cận sâu vào vùng biển của đối phương.
Do vậy, những chiếc SSBN Ohio là phương tiện răn đe hạt nhân hết sức hiệu quả trong bộ ba hạt nhân chiến lược của Mỹ.
Với khả năng tàng hình của SSGN Ohio, những chiếc SSGN Ohio có thể bí mật tiếp cận vùng biển đối phương, kể cả trong phạm vi triển khai chiếc ô A2/AD, cấp tập phóng tên lửa hành trình Tomahawk và nhanh chóng rút lui.
Với tầm bắn của Tomahawk đến 1.500 km và khả năng tiếp cận sâu vào lãnh hải đối phương, những mục tiêu nằm sâu trong nội địa cũng không an toàn trước sự tiến công của tên lửa từ tàu ngầm loại này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự cũng cho rằng, việc phóng tên lửa Tomahawk từ tàu ngầm chính là "tử huyệt" của chúng bởi đối phương có thể căn cứ vào các luồng lửa, khói và tiếng động để phát hiện và theo dấu tàu ngầm.
Nhưng với những chiếc SSGN Ohio, việc phóng tên lửa đều trong trạng thái khi tàu đang lặn sâu, thời gian phóng tên lửa rất nhanh, do vậy sẽ nhanh chóng xóa sạch "dấu vết", cùng với tốc độ di chuyển cao (30 hải lý/giờ), nó nhanh chóng trở thành một bóng ảo trên biển.
Lớp tàu ngầm "khủng" đầu tiên và cuối cùng của Hải quân Mỹ
Với tất cả ưu điểm của mình, SSGN Ohio là vũ khí lợi hại trong phá thế A2/AD của đối phương, nhất là đảm bảo sức mạnh hỏa lực trong "ngày đầu chiến dịch" trong một cuộc chiến tranh với các đối thủ "đồng cân, đồng lạng" như Nga hoặc Trung Quốc.
Tuy nhiên, bốn chiếc SSGN Ohio của Mỹ hiện đang phục vụ dự kiến sẽ bị loại khỏi biên chế trong giai đoạn từ năm 2023–2026 mà không có sự thay thế tương tự. Với cắt giảm như vậy, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sức mạnh của hải quân Mỹ nếu tình huống xảy ra.Những chiếc SSGN lớp Los Angeles sẽ thay thế những chiếc SSGN Ohio, nhưng sức mạnh chỉ bằng 1/4 của Ohio.
Tuy nhiên, Jerry Hendrix - Giám đốc Viện Lịch sử hải quân Mỹ cho rằng, việc hải quân Mỹ nên tập trung ngân sách phát triển lớp tàu sân bay mới như Gerald R. Ford sẽ tốt hơn việc đóng mới các loại tàu ngầm hạt nhân.
Đồng quan điểm với Hendrix, James Hasik - thành viên cấp cao của Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft/ Bộ Quốc phòng Mỹ, cũng đưa ra ý tưởng với hải quân Mỹ là chỉ nên tiếp tục cải tạo 2 chiếc SSBN Ohio mang tên lửa đạn đạo thành phương tiện mang TLAM.
Nếu ý tưởng của Hasik thành hiện thực, hai chiếc SSBN Ohio tiếp theo sẽ được cấu hình lại, đó là chiếc USS Henry M. Jackson (SSBN-730) và USS Alabama (SSBN-731) nhưng phải đến tận năm 2020-2021 hai chiếc tàu ngầm trên mới có thể bước vào trực chiến, vì việc chuyển đổi công năng sẽ phải mất từ hai đến ba năm.
Do hai tàu ngầm này dự kiến loại khỏi biên chế vào năm 2026 và 2027, do đó, chúng sẽ phục vụ với vai trò phóng tên lửa hành trình trong vòng chưa đầy một thập kỷ.
Tuy nhiên, ý tưởng trên sẽ không thực tế, vì chi phí để hoán cải một chiếc Ohio từ mang tên lửa đạn đạo sang mang tên lửa Tomahawk hết khoảng 450 triệu USD và chắc chắn người Mỹ sẽ không tốn kinh phí cho một cuộc chuyển đổi mang lại ít lợi ích kinh tế như vậy.
Khả năng hải quân Mỹ sẽ không tiếp tục chuyển đổi từ phiên bản mang tên lửa đạn đạo sang phiên bản mang tên lửa hành trình (ngay cả những SSBN Ohio mới hơn có số hiệu từ SSBN-732 đến SSBN-743, sẽ loại khỏi biên chế vào năm 2028–2039).
Bởi vì hiện tại, những tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ chỉ còn 14 chiếc, trong khi đó để đảm bảo tính răn đe chiến lược, Hải quân Mỹ cần phải có ít nhất 10 chiếc loại này hoạt động thường xuyên.
Trong tương lai rất ít khả năng hải quân Mỹ sẽ tiếp tục đầu tư để phát triển một loại tàu ngầm có tính năng tương đương lớp Ohio bởi họ đã có kế hoạch phát triển một lớp tàu ngầm kế nhiệm, được tạm gọi là tàu ngầm lớp Columbia.
Như vậy, có thể lớp tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio là lớp đầu tiên và duy nhất là loại mang được nhiều tên lửa hành trình tiến công mặt đất thông thường được hải quân Mỹ chế tạo. Nó cũng là loại vũ khí hiệu quả nhất có thể phá thế A2/AD của Trung Quốc hiện nay, mà có thể chịu ít thiệt hại nhất từ đối phương.
Theo Trịnh Ngọc Tiến (Soha/Trí Thức Trẻ)