LTS: Con tàu cũng như con người, có số phận riêng của nó. Tai nạn và thảm họa bám theo chúng, lúc nào cũng có người chết trên chúng, rồi chính chúng cũng hy sinh, cuốn đi theo mình biết bao sinh mạng. Khởi đầu của nó thật hạnh phúc, nhưng tiếc thay, tiểu sử của con tàu quá ngắn và K-141 "Kursk" của Nga mãi mãi đi vào lịch sử quân sự thế giới như một sự kiện bi thảm nhất.
Cả nhân loại đang cầu nguyện, mong cho chiếc tàu ngầm của Argentina hiện đang nằm dưới biển sâu sẽ không phải lặp lại kết cục tương tự.
Hé lộ nguyên nhân khủng khiếp...
Đối với vấn đề nguyên nhân gốc rễ, hồi đó người ta đã hiểu rằng chỉ hoàn toàn có thể biết được sau khi trục vớt tàu ngầm lên. Hiện nay (năm 2003), Ủy ban của Chính phủ xác định nguyên nhân cái chết của "Kursk" là do nổ đạn ngư lôi 650mm, dẫn đến vụ nổ tiếp theo của các quả đạn chứa trong khoang 1.
Theo kế hoạch tập trận, ngày 12 sẽ diễn ra cuộc xạ kích của APRK "Kursk" vào đội hình các tàu mặt nước. Đạn xạ kích là đạn ngư lôi tập thông thường, thay vì đầu đạn hạt nhân. Đây là loại ngư lôi mà tất cả các hạm đội trong nước suốt hai thập kỷ qua vẫn bắn thành công.
Sự khác biệt duy nhất là quả ngư lôi sẽ bắn có khối ắc quy mới được cải tiến tốt hơn, vì vậy nên đại diện nhà máy và hội đồng nghiệm thu của quân đội đã có mặt trên tàu tuần dương Piotr Veliky. Vào thời điểm đó, báo chí đưa tin rằng, 2 giờ trước thảm kịch, thuyền trưởng Lyachin phát sóng xin phép cho bắn trả khẩn cấp đạn ngư lôi dự phòng.
Về mặt lý thuyết, chuyện này có thể xảy ra. Nhưng thực sự ... Cho đến nay, chưa ai khẳng định rằng có việc phát sóng như vậy không. Tiếp xúc với nhiều người ở các mức độ khác nhau có liên quan đến thảm kịch "Kursk", tôi (Đô đốc Vyacheslav Popov) chưa bao giờ nghe nói dù là một ám chỉ về sự kiện trên.
Ngoài ra, nếu Lyatchin thực sự cảnh báo Bộ tư lệnh hạm đội về tình trạng khẩn cấp trên con tàu, điều ấy tự động có nghĩa là bãi bỏ cuộc tấn công bằng ngư lôi của tàu ngầm, hoặc chuyển nó sang thời điểm sau. Nhưng không có gì tương tự xảy ra: các chiến hạm của biên đội bị tấn công vẫn tiếp tục hành trình của mình trong khi vẫn lắng nghe biển cả và chờ đợi đòn tấn công bằng ngư lôi tập bắt đầu.
Cái gọi là ngư lôi "mập" có một động cơ mà thực chất là một tuabin chu trình hỗn hợp. Nó đảm bảo cho quả đạn ngư lôi đạt tốc độ rất cao và khả năng mang lượng thuốc nổ đủ lớn, nhưng nó gây ra khá nhiều trục trặc kỹ thuật.
Nhiên liệu của tuốc bin là dầu hỏa cộng không khí được nén dưới áp suất 200 kg / cm2. Để đốt cháy dầu hỏa triệt để người ta sử dụng hydrogen peroxide ít nước, - gần 1,5 tấn Đây là hợp chất rất không ổn định, có thể phân hủy một cách tự nhiên trong các điều kiện nhất định, kết quả sinh ra một hỗn hợp dễ nổ : hơi - Kerosene - oxy.
Về mặt lý thuyết, có thể giả định rằng vì một số lý do nào đó ta chưa biết ngư lôi mất độ kín làm chất oxy hóa rò ra, rơi trên vải hoặc các chất hữu cơ, nhiên liệu và chất bôi trơn hoặc kim loại màu. Điều này dẫn đến sự phân hủy nó thành nước và khí oxy.
Đổi lại, sự gia tăng oxy trong không khí mà lớn hơn 23% có thể làm phát sinh một đám cháy trong toàn thể tích khoang. Khi có đám cháy như vậy, về thực tế các chiến sĩ tàu ngầm hoàn toàn bó tay, bởi hệ thống dập cháy LOKH (hệ thống dập cháy hóa học trong thể tích tàu ngầm) không hiệu quả trong trường hợp này.
Đương nhiên, khi trong khoang có chứa ngư lôi đã lắp đầu đạn thì sẽ không tránh khỏi việc chúng bị nổ. Về mặt lý thuyết, từ lâu người ta đã tính toán rằng, khi có vụ cháy thể tích, sau 150 giây trong khoang sẽ xảy ra vụ nổ. Một mặt, sơ đồ này hoàn toàn phù hợp với khoảng thời gian 130 giây giữa hai vụ nổ ghi nhận được trên tàu ngầm "Kursk".
Nhưng điều gì có thể là nguyên nhân gây mất độ kín của ngư lôi? Có lẽ đó là sự sai sót kỹ thuật ban đầu bị bỏ qua trong quá trình chuẩn bị ngư lôi tại xưởng ngư lôi-thủy lôi, cũng có thể là bị va đập mạnh khi chất tải vũ khí vào tàu ngầm, mà cũng có thể do những sai sót nào đó trong các hoạt động chuẩn bị cho việc phóng đạn ngư lôi.
Ngoài tất cả những điều ấy, đến bây giờ còn để ngỏ một câu hỏi về khả năng tác động bên ngoài vào "Kursk". APRK có thể va mũi tàu vào một trong hai tàu ngầm trinh sát Mỹ đang cơ động gần đó. Hậu quả cú va chạm có thể gây mất độ kín ngư lôi 650 mm. Câu trả lời chính xác cho những câu hỏi trên có lẽ sẽ không bao giờ có.
Nguyên nhân xuất phát của vụ nổ là không rõ ràng, bởi ngay bản thân đạn có thể không bao giờ nổ, - các nhà thiết kế đặt quá nhiều cấp độ bảo vệ trong đó. Nguyên nhân nổ có thể chỉ do tác động bên ngoài cực kỳ mạnh và đột ngột, mà như vậy cũng hoàn toàn có thể do một cú ta-ran ngầm dưới nước.
... nhưng rất khó để kết luận điều gì đã thực sự xảy ra?
Khảo sát ban đầu khu vực "Kursk" bị nạn, người ta xác định rằng dưới đáy biển có 2 dị vật kim loại nằm khá gần nhau. Thực tế khu vực bị nạn của "Kursk", vốn tên gọi là Đá Ngầm Nam-Murmansk, chính là một thao trường huấn luyện chiến đấu và thử nghiệm nhiều năm của Hạm đội Biển Bắc, cũng bởi thế nên nó đã được nghiên cứu kỹ càng ngang-dọc từ rất lâu.
Vậy từ đâu ra hai dị vật kim loại kia? Như sau này mới biết, một trong những dị thường kim loại đó chính là xác "Kursk" nằm trên đáy biển. Dị thường thứ hai, hoàn toàn có thể, là một tàu ngầm nước ngoài bị hư hỏng nằm cạnh đó, cũng trên đáy biển.
Trong một cuộc trò chuyện với Tư lệnh Hạm đội Biển Bắc, Đô đốc Vyacheslav Popov khẳng định "dị thường" đã phát tín hiệu SOS quốc tế, nghe rõ tiếng gõ bên trong tàu ngầm - có lẽ thủy thủ đoàn đã chiến đấu cho sự sinh tồn của họ.
Hoàn toàn có thể đây chính là những tiếng gõ mà thời đó người ta mất quá nhiều cuộc trao đổi, tranh luận và suy đoán về chúng. Chúng, những tiếng gõ, đã thực sự có, nhưng, than ôi, không phải ở đó, nơi chúng ta không muốn có. Chỉ cần một vài ngày để cuộn băng ghi âm những tiếng gõ kia chuyển tới tay giới chuyên gia.
Họ nghiên cứu chúng và tuyên bố đó không phải là con người gõ mà là tiếng gõ của một cơ cấu máy tự động. Thông tin về bản chất cơ khí của tiếng gõ được khẳng định trong bài phát biểu trên truyền hình của Chủ tịch Ủy ban Chính phủ Phó Thủ tướng I.Klebanov.
Tuy nhiên, thiết bị sẽ tự động chuyển tín hiệu SOS trên các tàu ngầm nội địa thì không có, điều này có thể được bất kỳ thủy thủ tàu ngầm nào xác nhận. Sau đó, "dị thường" kim loại thứ hai đã biến đi đâu mất không ai hay...
(Còn nữa)
Theo Hoàng Anh (Soha/Thời Đại)