Tàu ngầm Kilo ở đâu trong thế trận chống ngầm của Việt Nam?

21/04/2015 09:23:47

Chống ngầm có 3 lực lượng chủ yếu: Tàu săn ngầm, máy bay săn ngầm và tàu ngầm. Trong đó tàu ngầm chống tàu ngầm là 1 trong những biện pháp hiệu quả, nguy hiểm nhất cho đối phương.

Chống ngầm có 3 lực lượng chủ yếu: Tàu săn ngầm, máy bay săn ngầm và tàu ngầm. Trong đó tàu ngầm chống tàu ngầm là 1 trong những biện pháp hiệu quả, nguy hiểm nhất cho đối phương.
Chiến tranh hiện đại, công nghệ cao ngày nay luôn bắt đầu từ hướng biển với tàu ngầm, tàu nổi, tàu sân bay và bằng một phương thức tác chiến mà lịch sử đã ghi nhận qua những chiến thắng trong các cuộc chiến gần đây.
 
Đầu tiên (tác chiến điện tử), tên lửa hành trình từ các tàu ngầm, tàu nổi mở màn, tấn công vào lãnh thổ nhằm làm cho hệ thống radar phòng không, hệ thống thông tin chỉ huy, liên lạc tê liệt hoặc thiệt hại nặng khiến đối phương như “mù” và “điếc”.
 
Tiếp theo, không quân xuất kích chiếm lĩnh, thống trị bầu trời săn diệt những mục tiêu quân sự còn lại một cách dễ dàng và đánh phá các trung tâm kinh tế, chính trị, quốc phòng…mà không hề gặp sức kháng cự.
 
Giai đoạn này được coi là then chốt, quyết định kết quả chiến tranh. Mục đích chiến tranh đạt được hay không tùy thuộc có thống trị được bầu trời đối phương hay không.
 
Cuối cùng là lực lượng đổ bộ xuất kích, tất cả đều từ hướng biển. Lực lượng này có thể không cần thiết khi đối phương đã đầu hàng vô điều kiện.
 
Những phân tích kể trên ứng dụng vào điều kiện Việt Nam, một đất nước dài và hẹp, có bờ biển dọc theo chiều dài đất nước, cho thấy, phòng thủ biển (chống địch tấn công từ hướng biển vào đất liền và bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo) không thể như ngày xưa.
 
Ta không thể đón đợi giặc ở cửa sông, luồng lạch, trong vùng nội thủy hay lãnh hải.
 
Chúng ta ngày nay phải tác chiến ngay ở vùng biển xa bờ, tạo cho đất liền một không gian phòng thủ đủ rộng, một thời gian chuẩn bị đối phó kịp thời.
 
Đó chính là cách thức “chống tiếp cận” của Việt Nam trong phòng thủ biển.
 
Nội dung của cách thức “chống tiếp cận” là phòng thủ từ xa trên 3 khu vực: Trên không, trên mặt biển và trong lòng biển, trong đó phòng thủ từ xa trong lòng biển là yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của “chống tiếp cận”.
 
Sự nguy hiểm của tàu ngầm với “chống tiếp cận”
 
Phòng thủ từ hướng biển trong chiến tranh hiện đại, tuyến xuất phát tấn công của địch, cũng là tuyến đầu của lực lượng phòng thủ.
 
Do đó, nếu tàu ngầm của địch lọt sâu vào tuyến phòng thủ mà không bị phát hiện, xử lý hoặc khả năng phát hiện, xử lý có vấn đề… thì coi như tuyến phòng thủ sụp đổ.
 
Khi lọt sâu vào tuyến phòng thủ, có nghĩa là tàu ngầm đối phương đã thực sự làm chủ lòng biển thì những đe dọa nguy hiểm sau đây sẽ xảy ra:
 
Một là tất cả các tàu chiến mặt nước của ta đều mất khả năng cơ động, tất cả buộc phải neo đậu ở các cầu cảng, luồng lạch để tránh bị tiêu diệt.
 
Sức chiến đấu của các tàu tên lửa, phóng lôi có tầm hoạt động xa bờ… gần như bị triệt tiêu.
 

Tàu ngầm Kilo T.p Hồ Chí Minh tại quân cảng Cam Ranh. Ảnh: Người lao động

 
Hai là tàu ngầm địch có thể tạo ra những bãi mìn (thủy lôi) để phong tỏa bến cảng, trực tiếp tấn công vào tuyến hàng hải tiếp tế cho các quần đảo xa bờ.
 
Như vậy tàu ngầm địch đã gián tiếp cắt đứt sự chi viện từ đất liền cho tuyến đảo khi bị tấn công.
 
Máy bay địch cũng có thể thả thủy lôi phong tỏa, như Mỹ đã làm với Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay do khả năng phòng thủ trên không của Việt Nam khác trước nhiều, nên điều đó không dễ dàng cho kẻ địch thực hiện mọi phương án.
 
Trong tình thế hiện nay, để tấn công đánh chiếm Trường Sa, tàu ngầm địch chỉ cần hoàn thành 2 nhiệm vụ trên là quá đủ.
 
Không quân Việt Nam dù có thể làm chủ vùng trời cũng không thể làm gì để cứu nguy khi thiếu các lực lượng khác hợp đồng tác chiến.
 
Như vậy, tàu ngầm địch khi lọt vào tuyến phòng thủ biển, tự do tác chiến mà không bị trừng trị thì hệ thống phòng thủ biển của ta không còn có ý nghĩa, chiến lược “chống tiếp cận” của Việt Nam không thành công.
 
Ngay cả Trung Quốc dù có tên lửa tầm xa đủ sức diệt tàu sân bay Mỹ nhưng hệ thống chống ngầm còn yếu nên chiến lược chống tiếp cận của họ khó thành công khi đối đầu với lực lượng tàu ngầm hiện đại của Nhật Bản và Mỹ.
 
Cho nên, với tinh thần đó, chống ngầm trong tình hình hiện nay là một nhiệm vụ sống còn của lực lượng phòng thủ biển.
 
Việt Nam phải ưu tiên phát triển lực lượng săn ngầm, chống ngầm hiện đại, nhằm tạo ra trong tuyến phòng thủ biển của ta một “vùng biển sạch” cho các lực lượng triển khai tác chiến.
 
Tàu ngầm Việt Nam ở đâu trong thế trận chống ngầm?
 
Bất cứ nhà quân sự nào cũng biết, lối đánh sở trường của Hải quân Việt Nam là lợi dụng thế địa lý, tập kích vào đội hình địch từ nhiều hướng, dồn dập, để xé nát đội hình địch, gây thiệt hại nặng hoặc tiêu diệt gọn…
 
Tuy nhiên, biết là một chuyện nhưng cụ thể như thế nào, chống lại ra sao lại là chuyện khác.
 
Do đó, câu hỏi “Tàu ngầm Việt Nam ở đâu…” không phải là sự tò mò quá giới hạn và câu trả lời cũng chỉ thuộc tính nguyên tắc.
 
Chống ngầm có 3 lực lượng chủ yếu, gồm tàu săn ngầm, máy bay săn ngầm và tàu ngầm, trong đó tàu ngầm chống tàu ngầm là một trong những biện pháp cơ bản có hiệu quả, nguy hiểm nhất cho đối phương.
 
Trong phạm vi một bài viết, chúng ta chỉ quan tâm, liệu 6 tàu ngầm Kilo của Việt Nam hợp đồng tác chiến cùng với 2 lực lượng trên, có đủ sức ngăn chặn hàng chục tàu ngầm khác của đối phương luồn sâu vào tuyến phòng thủ biển của ta hay không?
 

Chống tàu ngầm bằng tàu ngầm là một trong những biện pháp cơ bản có hiệu quả, nguy hiểm nhất cho đối phương.

 
Ở vùng biển Việt Nam, tàu ngầm Kilo tác chiến chống ngầm có thể dựa trên 2 hình thức:
 
Một là phục kích thụ động (tàu ngầm Kilo phục kích tại tuyến chống ngầm, chờ tàu ngầm địch đi qua là phóng lôi).
 
Hình thức tác chiến này giống như một con hổ đang rình mồi trên một vị trí mà con mồi thường đi qua và buộc phải đi qua.
 
Việc tìm đúng vị trí phục kích trên tuyến chống ngầm phụ thuộc vào trí tuệ người chỉ huy, công tác tình báo, trinh sát nắm địch…
 
Có thể nói, tàu ngầm đối phương nhiều nhưng ngán ngại nhất khi gặp phải Kilo đang phục kích kiểu này.
 
Tuy nhiên, trong hình thức tác chiến này, Kilo Việt Nam không phải tàu ngầm được trang bị AIP nên vị trí phục kích thường xuyên có khoảng trống do Kilo phải nổi lên để “thở”.
 
Hai là phục kích chủ động (vừa phục kích vừa cơ động chiến đấu trong một khu vực chọn sẵn, được giao).
 
Như vậy, hình thức này bổ sung cho nhược điểm của hình thức trên. Chỉ cần 2 Kilo thay nhau “đổi gác” và tuần tra thì tàu ngầm địch rất dễ lọt vào gặp nguy hiểm.
 
Lúc này, tương quan về số lượng tàu ngầm đôi bên không quan trọng, càng ít càng có lợi thế, bởi vì trên khu vực được định sẵn này, Kilo rất dễ xác định mục tiêu, hễ “nghe chuông reo là bắn”.
 
Trong Chiến tranh Lạnh, để phát hiện tàu ngầm Liên Xô vào một vùng biển nào đó, Hải quân Mỹ bố trí cách 40 km một tàu ngầm (vì bán kính phát hiện tàu ngầm lúc đó là 20 km).
 
Nếu Việt Nam cũng thực hiện theo chiến thuật như vậy thì dù công nghệ phát hiện tàu ngầm đã tân tiến hơn, nhưng với bờ biển dài, Việt Nam không có đủ Kilo trên tuyến chống ngầm.
 
Song, thế địa lý Việt Nam lại khác, tư tưởng quân sự của Việt Nam là khác, tàu ngầm Việt Nam chỉ tác chiến trong vùng biển Việt Nam.
 
Vì thế, “lấy ít địch nhiều” luôn có hiệu quả, là cơ sở chắc chắn cho Bộ chỉ huy tối cao Việt Nam hạ quyết tâm.
 
Tại một vùng biển hẹp, khó cơ động, tàu ngầm số lượng nhiều không giải quyết được vấn đề.
 
Nếu cho rằng trên 3.000 km đường bờ biển, tàu ngầm địch muốn đi vào lối nào cũng được là hơi đơn giản.
 
Chẳng hạn, về yếu tố chủ quan, tàu ngầm không thể mạo hiểm hành trình qua một bãi thủy lôi, thậm chí vùng biển có lưới đánh cá ngư dân thả trôi….
 
Ngoài ra, những yếu tố khách quan như điều kiện thủy văn dòng chảy, đá ngầm cũng khiến tàu ngầm phải thay đổi hướng đi…
 
Do vậy mưu, kế (lừa địch, điều động địch), tài giỏi của người chỉ huy là căn cứ vào 2 yếu tố đó để định hướng tuyến chống ngầm chính xác.
 
Quả thật, nếu lấy số lượng 6 chiếc Kilo của Việt Nam đối đầu với hàng chục tàu ngầm đối phương trên một vùng biển có chủ quyền và quyền chủ quyền hơn 1 triệu km vuông là rất khấp khểnh.
 
Tuy nhiên, sức mạnh của hệ thống phòng thủ biển của Việt Nam cũng như trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp về thế, thế địa lý, tạo nên một thế trận vững chắc, liên hoàn, bí hiểm, lợi hại.
 
Kilo Việt Nam số lượng ít và hoạt động độc lập nhưng không sợ máy bay săn ngầm của địch săn, diệt, bởi vì trong khu vực đó, không quân Việt Nam đang làm chủ vùng trời, trên mặt biển có các hệ thống tên lửa bờ, các tàu hộ vệ tên lửa…canh chừng.
 
Cả 3 lực lượng hỗ trợ nhau đã tạo ra thế của một “chiếc kiềng 3 chân” vững chãi.
 
Đây là lợi thế tác chiến vượt trội của tàu ngầm Kilo Việt Nam khiến cho nó trở nên khó tìm thấy, khó tiêu diệt, khó tránh với tàu ngầm kẻ thù khi đột nhập vào vùng biển chủ quyền Việt Nam.
 
Vậy tuyến chống ngầm của Việt Nam ở đâu? Như thế nào? Câu trả lời cụ thể đang có ở Bộ Tham mưu Hải quân Việt Nam.
 
Theo Lê Ngọc Thống (Dailo.vn)

Nổi bật